Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Học giỏi nhờ ông bà “mát tay”

Tạp Chí Giáo Dục

 

Tú Linh (trái) cùng cô Hiệu trưởng Trường THCS Phú Mỹ

9 năm đi học nhưng đã có đến 7 năm em sống với ông bà ngoại. Đó không chỉ là thời quãng đời êm đẹp nhất của em khi được sống trong tình thương của người thân mà còn là khoảng thời gian em đã tự lo chuyện học tập, phấn đấu khi thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ cha.
Cô học trò xứ Nghệ
Năm học 2009-2010, lớp 9/11 Trường THCS Phú Mỹ, quận Bình Thạnh TP.HCM có thêm mấy học sinh (HS) mới chuyển về nhưng Nguyễn Thị Tú Linh là cô bé được thầy cô, bạn bè chú ý nhất. Quê ở Nghệ An nên giọng nói của Linh trở nên đặc biệt hơn cả. Nhưng Linh không hề mặc cảm mà trái lại rất sôi nổi, hòa đồng với tất cả mọi người, thường hay giơ tay phát biểu để đóng góp xây dựng bài. Chỉ sau một học kỳ, Linh đã làm cho bạn bè thán phục với danh hiệu HS giỏi của trường, đồng thời nằm trong danh sách đội tuyển HS quận để thi thố tài năng cấp TP. Từ trước đến nay, HS từ tỉnh lên TP thường không theo kịp bạn bè trong môn học ngoại ngữ. Thế nhưng, đối với Linh lại khác, kết quả học tập môn tiếng Anh của em càng ngày càng làm cho cô giáo Vũ Lê Phương Dung bất ngờ. Kỳ thi HS giỏi năm học 2009-2010, Nguyễn Thị Tú Linh đã giành giải nhất môn tiếng Anh và giải nhì môn toán cấp TP. Cô Nguyễn Nữ Kim Xuân – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Mỹ tự hào: “Đây là kết quả cao nhất của Tú Linh trong một năm học tại trường và cũng là thành tích chung của nhà trường mà Tú Linh là người đại diện”.
Trò chuyện với mẹ của Linh – chị Vân Anh mới biết hoàn cảnh của gia đình em. Sinh ra ở tận nước Nga nhưng 2 tuổi, Tú Linh đã được bố mẹ đưa về Việt Nam để tiếp tục ở lại học tập. Bắt đầu từ đó, cô bé đang tập nói tiếng Nga thiếu vắng bàn tay chăm sóc của bố mẹ. Bù lại, em lại được ông bà yêu thương hết mực và chăm sóc tận tình. Chị Vân Anh kể lại: “Năm Linh 7 tuổi, đang học lớp 2 ở Hà Nội thì do hoàn cảnh, vợ chồng tôi lại đưa cháu sang Nga học tiếp, hết tiểu học lại đưa cháu trở về Việt Nam với ông bà”. Theo chị Vân Anh, mỗi lần chuyển chỗ học và nơi ở như vậy hai vợ chồng cứ sợ ảnh hưởng đến chuyện học tập của Linh, thế nhưng Linh là đứa bé dễ thích nghi với môi trường xung quanh.
Ông bà ngoại “mát tay”
Tuy học tiếng Anh không nhiều nhưng nhờ sống và đi lại ở nước ngoài mà Tú Linh tiếp thu nhanh hơn khi học ngoại ngữ. Khi học tiếng Anh bằng tiếng Việt Nam có khi lại học tiếng Anh bằng tiếng Nga nên cô học sinh Trường THCS Cao Xuân Huy (xã Diễn Phú, Diễn Châu, Nghệ An) luôn giành các điểm số cao trong bài tập và bài kiểm tra hàng kỳ.
Theo nhận xét của các thầy cô, Tú Linh là một học trò có tính tự lập cao nhất là trong những năm tháng em phải sống xa bố mẹ. Sống với ông bà nhưng em vẫn giữ lời hứa cố gắng học hành chăm chỉ để bố mẹ vui lòng. Mỗi kỳ trao phần thưởng cho HS giỏi, Nguyễn Thị Tú Linh đã trở thành tấm gương điển hình được thầy cô tuyên dương để toàn trường noi theo. Nhiều người còn nói đùa, Linh học giỏi là nhờ ông bà ngoại “mát tay” biết cách nuôi cháu. Tuy nhiên, thầy cô trong trường lại đánh giá em là cô học trò biết tự lập không bao giờ làm phiền lòng thầy cô, bè bạn. “Lúc mua nhà tôi chọn phường này vì gần Trường THPT Gia Định để cho cháu đi học được gần nhà. Ai dè cháu lên lớp 10 cháu phải đi học xa hơn vì đã thi đỗ vào… Trường chuyên Lê Hồng Phong” – chị Vân Anh tâm sự. Tú Linh cũng cho tôi biết: “Con vào học Trường chuyên Lê Hồng Phong không chỉ vì yêu thích môn tiếng Anh mà vì ngôi trường này có môi trường tốt đặc biệt là các hoạt động phong trào”.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Ước mơ của cô nữ sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong này là học thật giỏi để sau này trở thành một cử nhân tài năng. Đó cũng là cách báo hiếu hữu hiệu nhất của Linh dành cho ba mẹ và ông bà…

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)