Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Học giỏi tiếng Anh, rộng đường du học

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh và HS đang chăm chú lắng nghe những ý kiến chia sẻ về bí quyết học giỏi tiếng Anh và những chuẩn bị cần thiết khi du học tại hội thảo. Ảnh: Q.Huy

Bí quyết học giỏi tiếng Anh, cách “săn” hàng loạt suất học bổng du học có giá trị… là những vấn đề được đông đảo phụ huynh học sinh (PHHS) và bạn trẻ quan tâm khi đến tham dự Hội thảo “Phương pháp học” tiếng Anh hiệu quả và những chuẩn bị cần thiết khi du học” do Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp với Phòng Giáo dục THPT (Sở GD-ĐT) và Học viện Yola tổ chức.
Học giỏi tiếng Anh bằng cách nào?
Chị Nguyễn Thị Hương Lan, phụ huynh có con học tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) tâm sự: “Tôi luôn cố gắng tạo điều kiện cho con học tiếng Anh để cháu có thể giao tiếp tốt. Ngoài việc học ở trường, tôi còn khuyến khích con đi học thêm, nhưng so với bạn bè cùng trang lứa, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của cháu còn rất yếu”. Trong khi đó, chị Tô Thị Thủy, PHHS Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) lại lo lắng: “Hiện nay, các loại sách học tiếng Anh dành cho HS quá đa dạng. Tôi muốn mua sách về để con mình học thêm mà không biết nên lựa loại nào cho phù hợp”.
Có thể nói, hiện nay, hầu hết PHHS đều băn khoăn khi thấy con mình học tiếng Anh nhiều nhưng hiệu quả chẳng được bao nhiêu. Các em hiểu nghĩa từ vựng nhưng việc vận dụng vào giao tiếp lại kém nhạy bén. Về vấn đề này, Chuyên viên tiếng Anh Phòng Giáo dục THPT (Sở GD-ĐT), ông Trần Đình Nguyễn Lữ chia sẻ: “Hạn chế hiện nay trong việc học tiếng Anh của HS đó là chưa xem trọng học từ vựng”.
Việc học tiếng Anh phải đảm bảo 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Hai kỹ năng nghe – nói thể hiện sự tiếp nhận và hiểu thông tin. Sau đó mới phát triển sang hai kỹ năng còn lại. Tất cả mối liên hệ này đều phát triển nhờ vào vốn từ vựng của mỗi cá nhân. Thế nhưng, HS Việt Nam đa phần chỉ mới học thuộc, dừng lại ở mức hiểu nghĩa từ vựng thay vì đi sâu vào phân tích, tìm hiểu vai trò của từ để nhớ lâu và vận dụng tốt hơn. Ví dụ như từ happy (hạnh phúc), nếu thêm tiền tố “un” trở thành unhappy (không hạnh phúc)… Theo ông Lữ, hạn chế này khiến các em HS tỏ ra lúng túng trong lúc vận dụng từ vào giao tiếp, hay trước các dạng bài tập điền vào chỗ trống.
Để các em thuận tiện hơn trong quá trình học tiếng Anh, nhiều PHHS tìm mua từ điển, kim từ điển Anh – Việt, Việt – Anh cho con em mình. Tuy nhiên, các loại từ điển này thường dịch sẵn nghĩa tiếng Anh vô tình khiến HS ỷ lại, không tìm hiểu nghĩa, phân tích vai trò của từ. Nhiều PH khi chọn mua sách luyện thi cho con học cũng không để ý rằng, loại sách này không cung cấp nhiều vốn từ vựng, cấu trúc ngữ pháp cần thiết.
Ông Lữ cho biết thêm, một trong những yếu tố giúp HS học giỏi tiếng Anh là phải nạp nhiều từ vựng cho bản thân. Và học không chỉ để hiểu nghĩa mà còn phải biết phân tích vai trò, cách sử dụng từ. Cần xác định rõ mục đích, vạch ra những lộ trình cụ thể, rõ ràng, chuyên sâu nhằm tránh trường hợp học nhiều biết ít. Ngoài ra, cần cho các em giao tiếp thường xuyên để tránh tình trạng quên từ. PHHS nên mua những loại từ điển Anh – Anh giúp con em mình tìm được nhiều nghĩa cũng như cách sử dụng từ. Bên cạnh đó, nên tạo thói quen cho trẻ đọc truyện tiếng Anh để thu thập thêm từ vựng, theo đó tư duy logic của trẻ cũng tăng theo.
Ông David Key, chuyên viên SGK tiếng Anh (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: “Việc cho các em HS đọc các loại truyện tranh hay chơi những chương trình trò chơi điện tử như: Our Discovery Island là rất tốt. Ở đó có sử dụng các câu tiếng Anh từ đơn giản đến phức tạp, có đầy đủ cả số đếm, cấu trúc ngữ pháp vì thế các em có thể nắm bắt tiếng Anh một cách dễ dàng”.
Vận dụng những kỹ năng này, em Phan Hồng Phước, HS lớp 7A9, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tự tạo cho bản thân vốn từ vựng phong phú nên tỏ ra rất tự tin trong giao tiếp. Phước cho biết: “Ở nhà em thường đọc truyện cổ tích như: Hansel and Gretel; Alice in Wonderland. Bên cạnh đó, em thường được ba mẹ cho đọc các thông tin bằng tiếng Anh trên Báo Thanh Niên Weekly; Vietweek… Với cách học này, vốn từ vựng của em được bổ sung hàng ngày, khả năng phân tích ngữ pháp cũng tốt hơn”.
Hành trang du học
GS.TS Vũ Gia Hiền cho biết: “Mỗi đất nước có nếp sống văn hóa khác nhau, theo đó tình hình xã hội cũng sẽ không giống nhau. Vì thế, trong hành trang du học, PHHS nên định hướng cho con lối sống tỉnh táo, lành mạnh; biết học tập, tiếp thu, lựa chọn để tránh sa ngã vào các tệ nạn xã hội và những điều không hay”.
Sau cái đích của việc học tốt tiếng Anh thì quan tâm không nhỏ của nhiều PHHS chính là cho con du học. Tuy nhiên, khoản học phí tự túc từ 30-40 ngàn USD/năm khiến không ít bậc cha mẹ lưỡng lự. Chị Lan trải lòng: “Thú thực cha mẹ nào cũng muốn con mình được du học nhưng nhìn vào khoản tiền học phí cao ngất ngưởng, nhiều PHHS không dám mơ đến”.
Trên thực tế, trong thời buổi internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các em HS có thể chủ động tìm hiểu cách thức, điều kiện du học cũng như cơ hội tìm kiếm học bổng bán/ toàn phần. Việc du học mở ra cho bạn trẻ một môi trường học tập mới với cơ hội cọ xát ngoại ngữ hàng ngày cùng người bản xứ.
Vốn có nhiều năm du học tại nước ngoài, cô Ngô Thùy Ngọc Tú, Giám đốc Học viện Yola cho biết: “Việc kiếm tìm học bổng không khó. Quan trọng các em HS phải xác định được mục tiêu, mục đích học tập. Điểm yếu của HS Việt Nam đó là vốn từ tiếng Anh chưa nhiều, thiếu tự tin, thiếu kỹ năng sống… Vì thế, trước khi bước vào cuộc phỏng vấn, các em phải trang bị vốn tiếng Anh thật vững, sau đó cần trang bị những kỹ năng mềm qua các bài luận; rèn sự tự tin, tính độc lập, đưa ra mục tiêu, hoài bão. Đặc biệt phải nắm bắt đặc điểm văn hóa của chính quê hương mình”. Đúng vậy, bạn sẽ không được đánh giá cao nếu mù mờ về văn hóa dân tộc mình vì những người bạn ngoại quốc luôn muốn được tìm hiểu những thông tin, đặc điểm văn hóa của các quốc gia khác.
Ông David Key chia sẻ thêm: “Trong quá trình phỏng vấn du học, HS thường bắt gặp dạng câu hỏi: Tại sao? Theo tâm lý, chúng ta luôn suy nghĩ phải trả lời câu hỏi đúng nhất. Song ở đây, nhà phỏng vấn không cần nhận câu trả lời đúng sai mà quan trọng các em phải nhanh nhẹn trả lời và biết cách suy luận”.
Nhân đây, ông Lữ cũng có lời khuyên với các bạn trẻ, trước khi du học, đừng đưa ra mục tiêu phải được đi mà hãy nghĩ sau khi đi về mình sẽ làm gì, làm được gì?
Ngọc Trinh
 
Ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM nhấn mạnh: “Hội thảo “Phương pháp học tiếng Anh hiệu quả và những chuẩn bị cần thiết khi đi du học” nhằm nâng cao hiệu quả trong việc học tiếng Anh cho học sinh (HS), nhất là các em HS khối 6, 7, 8, 9. Đây là dịp để các em được trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp học hiệu quả, giúp các em tự học và cũng là cơ hội để quý phụ huynh giao lưu cùng với các chuyên gia Anh ngữ và giáo viên người bản xứ. Đặc biệt, giúp HS chuẩn bị tâm lý, kiến thức, văn hóa cũng như kỹ năng học tiếng Anh khi đi du học tại nước ngoài”.
Q.Huy

Bình luận (0)