Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học hè: Vui là chính!

Tạp Chí Giáo Dục

Một phụ huynh đón con sau giờ học năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi TP (ảnh chụp ngày 19-6-2012)

Từ đầu tháng 6 đến nay, sau khi học sinh được nghỉ hè, hầu hết các nhà thiếu nhi trên địa bàn TP.HCM đều tấp nập. Không chỉ vậy, giữa tháng 6, không ít trường đã tổ chức học hè. Theo đó, nhiều người cho rằng trẻ không có mùa hè. Nhưng trên thực tế, việc học hè hiện nay chủ yếu là “học mà chơi”…
Tiền + thời gian = vui
Hơn 9 giờ sáng ngày 19-6, tôi có mặt trước cổng Nhà Thiếu nhi TP. Đúng vào giờ tan học của ca 1 và giờ vào học của ca 2 nên khá tấp nập.
Trong lúc chờ ba tới đón, Ngọc Long (học sinh Trường Tiểu học Trung Nhất, Q.Phú Nhuận) cho tôi biết: “Một tuần con học (bóng rổ) tại đây 3 buổi (ca 1). Đi học ở đây, con có thêm nhiều bạn. Gần bằng tuổi nhau nên tụi con có nhiều chuyện để nói với nhau. Còn ở nhà, chỉ có chị hai (học lớp 8 Trường THCS Cầu Kiệu, Q.Phú Nhuận) nên chơi một lúc là con thấy chán”.
“Từ hôm nghỉ hè đến nay, mỗi ngày tôi đều cho con tới đây học. Thứ hai, tư, sáu cháu học bóng rổ; thứ ba, năm, bảy thì học võ. Cha mẹ tốn chút tiền và thời gian đưa rước nhưng bù lại con có niềm vui. Tôi không mong sau khóa học này con mình sẽ giỏi nhưng trên thực tế cháu đã rất vui khi đi học. Điều đó tốt hơn nhiều so với việc suốt ngày cháu chơi điện tử ở nhà”, chị Hiền – phụ huynh em Tuấn Anh (học sinh lớp 5 Trường Quốc tế Việt Úc) cho biết.
Chị Thúy Hải – nhân viên Co.op Mart Cống Quỳnh có hai đứa con, một đứa tháng 9 này lên lớp 2 và một đứa 4 tuổi. Mỗi buổi sáng, vợ chồng chị thay nhau đưa đón hai con tới Nhà Thiếu nhi TP học hè. Cả hai đứa đều học vẽ. Nhìn đứa con nhỏ của chị, tôi ngạc nhiên hỏi: “Cháu mới 4 tuổi mà chị cũng cho đi học vẽ sao?”. Chị Thúy Hải trả lời: “Thì vào lớp, cháu cũng nguệch ngoạc, chủ yếu là cho vui thôi. Dù sao cũng tốt hơn nhiều nếu cứ nhốt các con trong bốn bức tường ở nhà”.
Ngoài Nhà Thiếu nhi TP thì các nhà thiếu nhi quận, huyện những ngày này cũng khá tấp nập. Những phụ huynh không quá khó khăn về kinh tế đều cho con đi học năng khiếu. Tất nhiên trong số đó cũng có những ông bố, bà mẹ có tham vọng sau này con sẽ thành “ngôi sao”. Song, phần lớn họ đều có chung một mục đích là mua niềm vui cho con, mong con có một mùa hè bổ ích…
Nghỉ hè trong trường an toàn hơn
Từ ngày 15-6, rất nhiều trường mầm non trên địa bàn TP đã tổ chức dạy hè. Số trẻ tham gia học hè chiếm từ 40-60% so với tổng số học sinh trong năm. Sở dĩ, nhiều phụ huynh cho con học hè là bởi họ tin trẻ ở trường sẽ tốt hơn so với ở nhà…
Như trường hợp của chị Hương Giang (P.Đa Kao, Q.1). Mặc dù ở nhà có ông bà nội và người giúp việc nhưng khi Trường Mầm non Bé Ngoan, Q.1 tổ chức dạy hè, chị đã gửi con ngay vào trường. “Hai tuần nghỉ hè (từ 1 đến 15-6) ở nhà, bé quậy quá, không ai chịu nổi. Đã vậy, lại biếng ăn. Vì vậy phải cho đi học”, chị Hương Giang nói.
Với những gia đình neo người như gia đình chị Diệu (P.1, Q.3) thì: “Việc trường mầm non tổ chức dạy hè đã giúp vợ chồng tôi trút được gánh nặng. Bởi 2 tuần bé Trường Thịnh nghỉ hè là 2 tuần chúng tôi tất bật tìm nơi gửi con. Hôm thì gửi hàng xóm, hôm thì gửi người quen, hôm lại đem vào cơ quan, cũng có hôm vợ hoặc chồng phải nghỉ ở nhà trông con”, chị Diệu cho biết.
Ở các trường phổ thông và tiểu học, nhiều trường cũng tổ chức dạy hè. Vừa là để bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho học sinh, vừa là để các em có chỗ vui chơi an toàn.
Chẳng hạn như Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1. Trường bắt đầu tổ chức dạy hè từ ngày 18-6. Cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Ngoài học sinh của trường, còn có nhiều học sinh của các trường khác cũng học hè tại đây. Đặc biệt là những em tháng 9 này mới vào lớp 1 – hiện có 5 lớp 1, mỗi lớp 35 em”.
Chương trình sinh hoạt hè của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm khá đa dạng. Bao gồm lớp 1 buổi, học sinh học thứ hai, tư và sáu từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30. Các em được học 2 môn văn hóa là toán, tiếng Việt và 3 môn ngoại khóa là múa dân gian, mỹ thuật và kỹ năng sống. Lớp bán trú học từ thứ hai đến thứ sáu từ 7 giờ 30 đến 16 giờ. Học sinh được bồi dưỡng kiến thức các môn toán, tiếng Việt, tin học, tiếng Anh (có giao tiếp với giáo viên bản ngữ). Ngoài học chữ, các em còn học năng khiếu như bơi, cờ vua, Teakwondo, Vovinam, múa dân gian, mỹ thuật, kỹ năng sống và tham quan dã ngoại.
Đặc biệt, “Đối với lớp bán trú, học sinh lớp 1 được tham gia chương trình “Em là học sinh lớp 1”, còn học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 được học múa rối với giáo viên nước ngoài. Tất cả học sinh đều được rèn luyện phương pháp tự học hiệu quả do các chuyên gia tâm lý phụ trách”, cô Điệp cho biết thêm.
Bài, ảnh: Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)