Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học hóa phổ thông ở… trường ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh làm thí nghiệm hóa tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Nhằm định hướng rõ ràng cho học sinh về các ngành nghề liên quan đến bộ môn hóa học, mới đây 52 học sinh khối 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) đã có chuyến trải nghiệm về môn học này tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Tại đây, các em được thực nghiệm hóa học lượng nhỏ, tham gia điều chế, đo độ pH từ những chất chỉ thị tự nhiên, khảo sát về hàm lượng vitamin C trong viên sủi tại phòng thí nghiệm; đồng thời còn tìm hiểu về sự ảnh hưởng của hóa học trong các ngành nghề… Em Lê Hồng Ân (lớp 10B2) cho biết bản thân rất ấn tượng với những thí nghiệm thực tế gắn với môn học tại phòng thí nghiệm. Tất cả đều là những kiến thức đã học ở trường phổ thông nhưng được truyền tải một cách trực quan, sinh động. Thông qua các thí nghiệm đơn giản, kiến thức không chỉ dễ hiểu, dễ gần mà còn bám sát với đời sống. Còn với Nguyễn Hoàng Lan Phương (lớp 10B2), chuyến trải nghiệm giúp bản thân hiểu biết thêm nhiều ngành nghề liên quan đến hóa học như ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm và rất nhiều ngành nghề khác, từ đó mở ra những cơ hội nghề nghiệp khi theo học hóa.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Giáo dục STEM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), hiện nay giáo viên hóa học ở trường phổ thông phần nhiều chỉ cố gắng truyền đạt cho học sinh thật nhiều kiến thức hàn lâm, làm sao cho các em đạt được điểm kiểm tra cao; còn việc giới thiệu những vấn đề, tương tác giữa môn học với đời sống vẫn chưa thực sự được chú trọng. Trong khi đó, để học sinh yêu thích môn học, lựa chọn môn học theo đam mê và định hướng ngành nghề thì phải cho các em thấy được những ứng dụng của môn học có trong đời sống. TS. Trang cho biết mục tiêu của các hoạt động trải nghiệm trong môn học không chỉ dừng lại ở sự trải nghiệm mà xa hơn là cung cấp cho học sinh những hiểu biết một cách tổng quan về môn học, qua đó định hướng sớm về ngành nghề. Đặc biệt, TS. Trang cho rằng định hướng ngành nghề theo những hình thức sáng tạo, thực tế cũng là cách để giáo viên thay đổi, thích nghi và là bước để chuẩn bị cho việc học tự chọn môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tin, ảnh: Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)