Sự kiện giáo dụcTin tức

Học kỹ năng phải “lăn” vào thực tế

Tạp Chí Giáo Dục

SV Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) đang hướng dẫn các khách mời tham dự hội nghị khoa học quốc tế “Toán học và ứng dụng” được tổ chức tại trường mới đây

Tham gia làm tình nguyện viên tại Hội nghị quốc tế là cách mà nhiều sinh viên (SV) rèn luyện kỹ năng thiết thực, hiệu quả thay cho việc “đổ mồ hôi” vào các khóa học tại trung tâm!
Không chỉ kỹ năng mềm mà khả năng ngoại ngữ của các SV cũng được nâng lên đáng kể.
Một ngày đàng, một sàng… kỹ năng
Đang cùng “đồng đội” hướng dẫn khách quốc tế trên xe buýt, giới thiệu đến họ những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam thì đột nhiên nhận được điện thoại báo tin người thân bị tai nạn giao thông. Hốt hoảng, SV Hoàng Thị Thục Mai (năm 2, Khoa Kế toán – kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) đã gọi điện trình bày tình thế với quản lý và nhờ một SV đi cùng “gánh” giúp phần việc mình đang làm để em kịp chạy đưa người thân vào bệnh viện. Đây là tình huống và cách xử lý mà SV Thục Mai đã được giao khi tham gia vòng tuyển chọn tình nguyện viên cho một hội nghị quốc tế về toán học do chính nhà trường tổ chức, quy tụ nhiều giáo sư, nhà khoa học nổi tiếng đến từ các quốc gia trên thế giới. Xử lý thông minh tình huống này, em có cơ hội được tuyển chọn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là 1 trong 3 vòng thi mà tất cả các ứng viên phải trải qua trước khi trở thành tình nguyện viên chính thức. Cụ thể, trước đó, các em còn phải trải qua sơ tuyển ngoại hình, chiều cao, trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh. Khi đã vượt qua hết mọi “cửa ải” và “trúng tuyển”, các em tiếp tục được tập huấn trong vòng 4 ngày tại vòng 3 với việc xử lý những tình huống phức tạp hơn rồi tập cách đi đứng, ứng xử.   
Gần 200 ứng viên mới chọn được khoảng 20 tình nguyện viên nên mức độ “căng thẳng” cũng không kém đi… thi ĐH. Thục Mai chia sẻ: “Mới đầu, ngại khả năng ngoại ngữ của mình sẽ không “chọi” được với những bạn khác nên em đã phải thức nhiều đêm liền ôn tập, hệ thống lại kiến thức, nạp thêm từ vựng và tham khảo thêm nhiều tình huống khác… Em luôn tự nhủ, đây như một cơ hội học tập quý giá nên hết sức cố gắng để nắm bắt”. SV Vy Quốc Tường (Khoa Kinh tế đối ngoại Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng có chung áp lực ngoại ngữ khi đăng ký tham gia ứng tuyển. Tường cho biết, dù đã được tập huấn trước nhưng thực tế khi vào việc, có rất nhiều tình huống phát sinh. Chẳng hạn lúc đón các vị khách từ sân bay, một giáo sư người Trung Quốc quan tâm và hỏi thăm rất nhiều về đất nước con người Việt Nam. Lúc đó, phải đến 4-5 tình nguyện viên hợp sức lại mới có thể giải đáp được hết những lĩnh vực mà ông thắc mắc. SV Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (năm nhất ngành kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) lại cảm thấy tự hào vui sướng khi giới thiệu được cho nhiều khách quốc tế cách ăn nhãn cũng như vùng đất trồng nhiều nhãn của Việt Nam. Nguyên thấy hãnh diện vô cùng khi nhiều vị khách tỏ ra thích thú, ngon miệng và hết sức quan tâm trước loại đặc sản của đất nước mình.
“Trăm thấy không bằng một thử”
Trong quá trình chuẩn bị trang phục tham dự hội thảo, SV Nguyễn Thị Hạnh Nguyên đã phát khóc khi vô tình làm cháy mất chiếc áo dài rất quý của mình. Dù rất tiếc nhưng Nguyên thừa nhận, bù lại điều em học được cũng hết sức đáng quý. “Ban đầu, em rủ nhiều bạn nhưng các bạn từ chối tham gia do e ngại giao tiếp tiếng Anh, cả em cũng vậy. Tuy nhiên, khi được “quăng” mình vào một môi trường làm việc thực tế với nhiều áp lực, đòi hỏi thái độ làm việc nghiêm túc thì em mới biết được khả năng của mình đến đâu, điểm hạn chế nào cần phải khắc phục và quan trọng là thấy tự tin hơn trong giao tiếp, nhất là bằng tiếng Anh”, Hạnh Nguyên bộc bạch. SV Vy Quốc Tường cũng đồng cảm nhận: “Giờ đây, tuy biết rằng khả năng ngoại ngữ nếu muốn tốt phải rèn luyện từng ngày, song điều em nhận được chính là sự tự tin. Lúc trước, em và nhiều bạn rất dè dặt trong việc giao tiếp với khách nước ngoài, giờ thì em đã chủ động hơn. Bên cạnh đó, việc được tiếp cận trực tiếp với những giáo sư trẻ, quan sát cách làm việc và những gì họ đạt được đã để lại cho em sự cảm phục cũng như động lực phấn đấu rất lớn”. SV Trần Thị Diệu (Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khi tham dự hội thảo quốc tế “Những lằn ranh văn học” do nhà trường tổ chức cách đây vài tháng cũng cho rằng, việc được tiếp cận trực tiếp những chuyên gia có tên tuổi cùng những kiến thức văn học mới được cập nhật, đã truyền thêm lòng yêu nghề cho em, giúp em vững tin hơn với ngành học đã lựa chọn. Với SV, “trăm thấy không bằng một thử”, rõ ràng việc “lăn” vào thực tế đã giúp các em trải nghiệm và tích lũy vốn sống, nâng cao kỹ năng mềm phục vụ học tập, công việc. Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TP.HCM Dương Trọng Phúc nhận định: “Tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế tạo cho SV cơ hội tương tác trực tiếp và đây cũng là lý do những hoạt động như thế này luôn thu hút các bạn trẻ hơn những buổi học kỹ năng đơn thuần. Mặc dù các khóa học kỹ năng đơn thuần cũng cung cấp kiến thức nền tảng cho SV nhưng hạn chế ở chỗ các em ít được ứng dụng thực tế dẫn đến có thể… bị quên ngay sau đó. Chính vì vậy, những hoạt động Đoàn hội nhằm trang bị kỹ năng cho SV gần đây cũng đã chú trọng tạo nhiều sự tương tác giúp tăng sức hấp dẫn và hiệu quả thiết thực, điển hình như hội thi “Thủ lĩnh SV” do Hội SV TP.HCM tổ chức, chương trình “Quản trị viên tập sự”…
Bài, ảnh: Mê Tâm
Giảng viên Nguyễn Ngọc Vinh (Khoa Kinh tế phát triển, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng, việc học sẽ có hiệu quả hơn nếu SV tự tìm tòi, nghiên cứu, khám phá và trang bị các kỹ năng mềm. Thực tế, khoảng cách giữa lý thuyết học được ở giảng đường và công việc thực tiễn còn rất xa; tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, viết báo cáo của SV còn rất hạn chế…
 

Bình luận (0)