Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học kỹ năng trước khi học văn hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Trước khi chính thức khai giảng năm học mới, một số trường tại TP.HCM lên kế hoạch dạy học sinh kỹ năng thay vì vào ngay học các môn văn hóa.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) trong buổi học về kỹ năng cứu hộ, cứu nạn đầu năm học /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) trong buổi học về kỹ năng cứu hộ, cứu nạn đầu năm học. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Kỹ năng tự học, làm quen môi trường mới
Tranh thủ thời gian đầu năm học, một số trường phổ thông đã mạnh dạn cắt chương trình học văn hóa để HS “tập trận” bằng việc tự tổ chức bài học, bài giảng, tự nghiên cứu, đúc kết vấn đề.
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết: “Những năm trước, sau 15.8 trường vẫn tổ chức cho HS học văn hóa theo thời gian học chính khóa. Tuy nhiên, năm nay trường sẽ chấm dứt việc dạy văn hóa trong 2 tuần đầu sau khi tựu trường để dành thời gian cho các hoạt động kỹ năng hỗ trợ HS tự học, tự rèn luyện, giúp năng động và hoạt bát hơn”.
Trường có kế hoạch cho HS lớp 10 làm quen cách học mới, giúp hình thành kỹ năng tự học để thích ứng với lối dạy của bậc THPT. Với HS lớp 11, trường đưa ra các yêu cầu cao hơn, hướng dẫn học theo từng phân môn kiểu đề thi THPT quốc gia. Đặc biệt, với HS lớp 12 thì yêu cầu về việc tự học càng cao hơn. Lúc này trong các tiết học, HS sẽ là người chủ động còn giáo viên giữ vai trò chủ đạo để chốt lại kiến thức giúp HS lĩnh hội và tiếp thu sâu.
Tương tự, Trường THPT Hồng Đức (Q.Tân Phú) cũng dành thời gian đầu năm học để hướng dẫn và mở rộng kỹ năng tự học, tự xây dựng bài giảng. HS sẽ được học kỹ năng soạn giáo án, giảng bài và quay clip bài giảng thành một video hoàn chỉnh sau đó đưa lên mạng để những HS khác quan tâm cùng học.
Ông Hoàng Gia Thành, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hồng Đức, cho biết: “Thời gian đầu sau tựu trường, giáo viên sẽ hướng dẫn HS làm kế hoạch học tập cho cả năm học, trong đó có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Với kế hoạch học tập này, HS sẽ tự nhận thức được việc mình cần phải làm trong thời gian nhất định và tự thu xếp để hoàn thành. Từ đó giúp các em chủ động hơn”.
Tổ chức các hoạt động giúp học sinh năng động
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn liên quan tới việc dạy và học, nhiều trường cũng dành thời gian đầu năm học để khuấy động các phong trào.
Chẳng hạn, Trường THPT Lê Quý Đôn cho thi HS thanh lịch, phối hợp với Phòng cháy chữa cháy TP.HCM tổ chức các buổi tập dượt, hình thành và duy trì kỹ năng cứu hộ, cứu nạn để tự bảo vệ bản thân và giúp người khi có sự cố. Theo ông Hà Hữu Thạch, thông thường các hoạt động này được tổ chức xen kẽ trong năm học, nhưng để hiệu quả và tập trung nên các trường dồn những hoạt động này vào đầu năm. Điều này vừa để tạo khí thế vui vẻ vừa tạo không khí sôi động trước khi bước vào năm học mới với nhiều áp lực.
Ngoài ra, để sẵn sàng cho các hoạt động phong trào, nhiều trường cũng tranh thủ thời gian đầu năm học để hình thành và chiêu sinh thành viên cho các câu lạc bộ, lên kế hoạch hoạt động để khi vào năm học mới các câu lạc bộ này hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt, cũng trong thời gian này một số trường còn chủ trương mời giảng viên, báo cáo viên giàu kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy, tập huấn điều chỉnh cách dạy cho giáo viên phổ thông. Từ đó, đánh giá, phân loại và đưa ra các yêu cầu đối với giáo viên.

Lam Ngọc/TNO

Bình luận (0)