Rất đông bạn gái trẻ học thư pháp |
Nhiều người đã chọn bộ môn nghệ thuật thư pháp là một cách để giải trí sau những giờ học hành, làm việc căng thẳng. Không chỉ nam giới biết đến thư pháp mà phong trào học thư pháp ở nữ giới nổi lên mạnh mẽ.
“Bà đồ” thời nay
Hiện nay có nhiều câu lạc bộ (CLB) và các lớp thư pháp mở ra tạo nên một sân chơi phổ biến, lành mạnh đến đông đảo công chúng. “Ta vui giấy bút mực tàu. Luyện dòng thư pháp ghi vào trong tâm”. Những “bà đồ” trẻ xuất hiện tại các ngày hội như: chào đón tân sinh viên, gian hàng ẩm thực của sinh viên, các buổi dã ngoại… càng tô đẹp thêm bức tranh sinh động của thư pháp Việt. Các bạn nữ đến với thư pháp không chỉ cho vui, để thỏa mãn trí tò mò mà đây còn là cơ hội để các bạn thể hiện mình. Bạn Phương Uyên, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học đang theo học thư pháp tại Vườn mỹ thuật do thầy Tuấn phụ trách hồ hởi kể: “Trước đây mình thuộc rất ít thơ ca nhưng chỉ ba tháng sau khi học thư pháp mình lưu được trong đầu rất nhiều thơ hay, đặc biệt là thơ tình. Bây giờ mình còn sưu tầm thêm những câu châm ngôn bằng tiếng Anh để viết tặng bạn bè. Uyên còn khoe với tôi dòng thư pháp bạn vừa hoàn thành xong bằng tiếng Anh: “You always in my heart. Now and forever I love you”. Có nghĩa là “Bạn luôn ở trong trái tim tôi. Bây giờ và mãi mãi tôi vẫn yêu bạn”, Uyên giải thích.
Với số tiền học phí cũng khá cao so với túi tiền của sinh viên (400 ngàn đồng/ tháng/ khóa) nhưng nhiều bạn vẫn “chắt bóp” để theo học. Bạn Thùy Dung sinh viên Trường Mẫu giáo TW3 hóm hỉnh nói: “Lúc đầu bạn rủ đi, mình chỉ nghĩ đi cho vui nào ngờ mình lại mê tít và đăng ký theo học luôn. Tết này sẽ có “đất” dụng võ rồi, mình sẽ treo tranh thư pháp của mình trong nhà và viết tặng người thân nữa”. Dung đăm chiêu dòng thư pháp “Con đi xa cách muôn nơi. Công cha nghĩa mẹ đời đời không quên”. Cô Kim Trúc giáo viên ở quận Bình Thạnh cũng dành thời gian ít ỏi sau giờ lên lớp để “luyện” thư pháp. Cô Trúc tâm sự: “Tôi thấy thư pháp ẩn chứa nét gì đó của người phụ nữ Việt Nam “công – dung – ngôn – hạnh””. Cô sắp hoàn thành xong câu thư pháp về tình mẫu tử “Tre già yêu lấy măng non. Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày”.
Thăng hoa thư pháp Việt
Nhà Văn hóa Thanh niên quận Bình Thạnh, nơi có rất đông bạn nữ theo học thư pháp. Cô Minh Hạnh, chủ nhiệm CLB Vườn Mỹ Thuật nhà truyền thống quận Bình Thạnh, phụ trách giảng dạy cho biết: “Bước đầu các em sẽ được hướng dẫn cụ thể về: tổng quan thư pháp, luyện nét căn bản, cách viết chữ, ráp chữ và bố cục một bức thư pháp …”.
Cô Minh Hạnh bộc bạch: “Các bạn nữ đến học đều rất siêng năng và tiến bộ lên từng ngày. Khác với các bạn nam các bạn nữ có nét chữ mềm mại, nhẹ nhàng giống như “phượng múa” vậy. Sau khi học có nhiều em sáng tác những tác phẩm mang nét độc đáo của riêng mình. Nhiều tác phẩm được cô đánh giá cao nên giới thiệu và bán cho khách tại Vườn Mỹ Thuật. Các em vừa có thêm thu nhập phục vụ học tập vừa khuyến khích các em sáng tạo nghệ thuật”.
Tại TP.HCM có những nơi dạy thư pháp đáng tin cậy như: CLB Nét Việt – Nhà Văn hóa Thanh niên; Cung Văn hóa Lao động; Nhà Văn hóa Thanh niên quận Bình Thạnh… Hầu hết các lớp học và CLB đều tạo điều kiện thuận lợi nhất để học viên theo học như: Chủ động được giờ giấc, được đội ngũ giáo viên giảng dạy tận tình và tỉ mỉ đến từng nét chữ, con dấu, cách cầm cọ… Qua đó còn giúp các bạn đam mê thư pháp có dịp giao lưu học hỏi kinh nghiệm về bộ môn nghệ thuật này. “Thư pháp không chỉ đơn thuần là đẹp ở con chữ mà còn chứa đựng trong đó là tính giáo dục và ý nghĩa nhân sinh quan. Đây cũng là cách học để các bạn trẻ chiêm nghiệm và trau dồi thêm vốn sống” . Anh Lê Hải chủ nhiệm CLB 07 Trương Hán Siêu tâm sự.
Tôi may mắn gặp được sư thầy Thích Đạo Lý tại Vườn Mỹ Thuật và nghe thầy bàn luận về thư pháp xưa và nay. “Rất thú vị khi thấy phái nữ cũng yêu thư pháp đến như vậy. Chúng ta không cần khóc “ông đồ”: Hôm nay hoa đào nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ” như thi sĩ Vũ Đình Liên khi xưa nữa.
Không còn rụt rè và gò bó như trước nữa, thư pháp chữ Việt đã dần thăng hoa và trở thành lối chơi đậm chất truyền thống. Sự góp mặt của các “bà đồ” trẻ là một nhân tố góp phần làm thay đổi diện mạo bức tranh toàn cảnh thư pháp Việt hôm nay.
Thái Phú Ninh
Anh Thanh Hải, chủ nhiệm CLB thư pháp Nét Việt nói: “Các bạn nữ còn “máu” hơn nhiều, đây là tín hiệu đáng mừng cho nền thư pháp chữ Việt. Trong tương lai không xa thư pháp nước nhà sẽ sánh ngang với thư pháp các nước trên thế giới như Shodo Nhật Bản, thư pháp Trung Hoa …”. |
Bình luận (0)