Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học làm lãnh đạo tại Văn phòng Quốc hội

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 14 đến 16-1, Văn phòng Quốc hội phối hợp cùng Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức khóa tập huấn kỹ năng lãnh đạo cho 40 sinh viên của 4 trường ĐH tại Hà Nội là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Luật Hà Nội, Viện ĐH Mở và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Các kỹ năng của một nhà lãnh đạo
Sau lễ khai mạc, các tập huấn viên của Hội đồng Anh bắt tay luôn vào công việc của mình. 40 sinh viên rời khỏi ghế. Họ có 3 phút để tìm hiểu về các bạn sinh viên khác chưa gặp mặt bao giờ về các thông tin lý do đến với buổi tập huấn, thời gian rảnh rỗi làm gì… Trong 3 phút, một sinh viên có thể tìm hiểu được tối đa 9 bạn sinh viên khác mà mình chưa quen biết. Theo các tập huấn viên thì đây là kỹ năng kết nối nhanh. Ngoài ra, các tập huấn viên cũng cho biết, thường các phòng tập huấn là những phòng trống để giúp các sinh viên có thể dễ dàng di chuyển, làm việc theo nhóm và tham gia các trò chơi. Họ cũng đánh giá rất cao các sinh viên có “tài lẻ” cũng như có nhiệt huyết khi tham gia các công việc. Bởi đó cũng là một trong những kỹ năng tạo ra bản sắc riêng của mỗi nhà lãnh đạo. Trong 3 ngày tập huấn, các kỹ năng sinh viên được học gồm kỹ năng đối thoại, đàm phán hiệu quả trong đó có sự tự tin vào bản thân, đàm phán theo nhóm, kỹ năng tiếp xúc với đại biểu Quốc hội; kỹ năng làm việc nhóm và kết nối trong nhóm hiệu quả; kỹ năng giao tiếp/thương thuyết/đàm phán trong nhóm nhỏ, nhóm lớn; Kỹ năng lãnh đạo trong đó có kỹ năng phấn đấu trở thành đại biểu Quốc hội; Kỹ năng phấn đấu trở thành những lãnh đạo trẻ có khả năng thu hút, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho mọi người. Một số kỹ năng khác mà sinh viên sẽ được tập huấn như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, hiểu mục đích của người đối thoại, kỹ năng diễn thuyết/thuyết trình…
Phát triển đất nước trên vai người trẻ
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng trong các trường ĐH không dạy sinh viên làm lãnh đạo. Những người lãnh đạo trong một xã hội phát triển phải có trình độ, kỹ năng. Ông Nguyễn Sỹ Dũng lấy ví dụ về hình ảnh người lãnh đạo trong tác phẩm Trái tim Đan Cô, khi cả một đoàn người đi không ai còn sức, họ chấp nhận thua cuộc, chấp nhận tăm tối, chấp nhận đầu hàng trước cái chết. Lúc đó, Đan Cô lấy trái tim trong lồng ngực mình ra làm ngọn đuốc soi đường dẫn dắt cả đoàn người về phía trước. Người lãnh đạo phải làm được công việc gắn kết được tất cả mọi người, có khi đang thất vọng để nuôi được hy vọng. Dẫn dắt được hàng chục triệu người đi lên phía trước. Theo ông Dũng chúng ta đang hội nhập với thế giới và đang sống trong một môi trường hoàn toàn khác. Cuối năm 2015, chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN, không gian phát triển của chúng ta có lẽ không còn là hình chữ S, vì khi tham gia Cộng đồng ASEAN, mọi người có thể đi bất cứ nơi nào, tự do lưu chuyển giữa vốn và lực lượng lao động. Đó là một môi trường rất mới. Đây là thách thức đối với Việt Nam. Ông Dũng đặt ra câu hỏi với các bạn sinh viên: Đâu là cơ hội của chúng ta, đâu là thách thức, làm thế nào vượt qua thách thức và tận dụng được cơ hội để Việt Nam phát triển. Đó chưa nói đến môi trường lớn hơn khi các hiệp định thương mại tự do TTP hoàn thành. Hiện có 6 hiệp định đã xong với châu Âu, Hàn Quốc, Nga… mở ra môi trường rộng lớn hơn rất nhiều. Vấn đề của người lãnh đạo là gì trong bối cảnh đó? – một lần nữa ông Dũng lại đặt ra câu hỏi với những sinh viên. Người Việt Nam phải làm gì, đâu là nhiệm vụ trước mắt? Làm thế nào để vượt qua được? Trả lời các câu hỏi đó và thuyết phục 90 triệu người Việt Nam hướng tới hành động thành công thì rất cần phẩm chất của nhà lãnh đạo. Làm thế nào có được phẩm chất đó, ai là người đầu tiên có phẩm chất đó nếu không phải là các sinh viên? Vì sinh viên đã là một phần trong giới tinh hoa Việt Nam, đào tạo bài bản và được lựa chọn trong chính giới sinh viên.
Ông Dũng nhấn mạnh các khóa tập huấn này là một cơ hội quan trọng để có thể trả lời các câu hỏi này. “Thế hệ chúng tôi đang chuẩn bị chuyển giao cho các bạn. Chúng tôi chạy hết quãng đường của mình rồi. Nếu các bạn không đủ năng lực, đủ phẩm chất lãnh đạo thì tới đây sẽ rất khó khăn” – ông chia sẻ.
Thiên Lam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)