Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Học lịch sử dưới tán cây, sân trường

Tạp Chí Giáo Dục

Cứ đến giờ học môn lịch sử của lớp nào, cô trò của lớp đó mang theo bút vở xuống sân trường hoặc tán cây, nơi có gắn hàng chục tấm áp phích có in nội dung lịch sử để tìm hiểu, trao đổi và học bài.

Nhờ đó, các em thích thú học hơn vì không phải gò bó trong lớp để chăm chú nghe cô giáo giảng bài nữa.

Đó là cách làm của Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP.HCM phối hợp với Bảo tàng TP những ngày này và kéo dài đến hết tuần sau.


Giáo viên hướng dẫn và trao đổi với các em trong giờ học

Trường mượn khoảng 20 áp phích lớn có in nội dung và hình ảnh về lịch sử từ Bào tàng TP mang về trưng bày dưới sân trường, sảnh hoặc khu vực mát mẻ. Các áp phích được sắp xếp theo các chủ đề mà các em học đang học như biển đảo Việt Nam, nhân sĩ và tri thức của Sài Gòn – Gia Định xưa, phong trào HSSV Sài Gòn – TP.HCM đến nay….

Mỗi lớp học mỗi chủ đề khác nhau theo nội dung trong môn lịch sử. Trước đó, các em sẽ được giáo viên hướng dẫn chủ đề bằng cách đưa ra các câu hỏi về chủ đề nào đó. Khi đến tiết lịch sử, các em sẽ xuống tham quan, trao đổi, ghi chép và tìm hiểu thông tin trên các tấm áp phích. Sau đó, giáo viên sẽ cùng trao đổi, hướng dẫn và giải đáp bài học cho các em. Mỗi tiết thường có 1-2 lớp xuống học.

Theo cô Phạm Hoàng Vy Thảo, giáo viên phục trách môn lịch sử khối lớp 9, đây là lần đầu tiên trường áp dụng cách học này cho các em, tựa như một bảo tàng thu nhỏ và di động. Cách làm này nhằm thay đổi việc học lịch sử gò bó và nặng đọc chép trong lớp như lâu nay, thay đổi cả cách tiếp cận tài liệu khô khan trong sách vở. Từ đó, các em sẽ được tạo hứng thú học hơn, được thoải mái di chuyển, trao đổi và tự tìm hiểu kiến thức cho mình. Thậm chí, ai quan tâm cũng có thể đến xem, đọc để hiểu thêm.

“Lúc đầu trường chỉ tính áp dụng trong hai ngày cho khối 8 và khối 9 nhưng học sinh thích quá nên trường sẽ áp dụng đến hết tuần sau cho cả toàn trường. Để đổi mới dạy và học có nhiều cách và phải làm từ từ. Nếu hiệu quả, trường sẽ triển khai cách học này nhiều hơn với nhiều chủ đề khác nhau để làm sao học sinh học sử một cách thoải mái nhất”  – cô Vy Thảo chia sẻ.


Các HS chăm chú ghi chép lại kiến thức từ những tấm áp phích


Một góc trưng bày về chủ đề biển đảo để HS tìm hiểu

PHẠM ANH (PLO)

Bình luận (0)