Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học lịch sử qua hoạt động ngoại khóa

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Ngô Quyền chụp hình lưu niệm tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc

Kỷ niệm ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm nay (10-3 âm lịch), trong 3 ngày 28, 29 và 30-3, Trường THPT Ngô Quyền (TP.HCM) đã tổ chức cho hơn 2.000 học sinh đi học trải nghiệm tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc TP.HCM (Q.9). Đây là lần thứ 5 trong năm học 2016-2017, nhà trường tổ chức cho tất cả học sinh ra ngoài học tập trải nghiệm.

Tại khu tưởng niệm các vua Hùng, các em học sinh đã được nghe giới thiệu quá trình xây dựng khu tưởng niệm cũng như về lịch sử đấu tranh của dân tộc ta. Sau đó, các em tham quan đền thờ Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh (nằm trong khuôn viên Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc). “Qua chuyến đi này, em học được rất nhiều điều bổ ích từ thời vua Hùng dựng nước đến thời kỳ khai hoang mở đất ở phương Nam…”, Nguyễn Thị Trà My (học lớp 11H) nói. Theo Trà My, trong lịch sử Cổ đại Việt Nam có 18 thời đại vua Hùng. Nhà nước Văn Lang (Nhà nước sơ khai của dân tộc Việt Nam) có 15 bộ lạc hợp quần tạo dựng nên, điển hình như bộ Giao Chỉ, bộ Chu Diên, bộ Vũ Minh… Vua Hùng đóng đô ở Phú Thọ, đặt tướng văn gọi là Lạc hậu, tướng võ gọi là Lạc tướng. Con trai vua Hùng gọi là Quan Long, con gái gọi là Mỵ Nương… Đặc biệt, qua chuyến đi trải nghiệm này, các em học sinh còn biết về trống đồng Đông Sơn, văn hóa Đông Sơn cũng như “công lao đánh đuổi quân Nam Hán năm 40-43, giành lại tự do dân tộc của Trưng Nữ Vương”, Huỳnh Ngọc Mỹ Huỳnh (học lớp 12E) cho biết. Đồng thời các em cũng biết được vĩ độ, kinh độ của các đảo Sinh Tồn, Tiên Nữ, Trường Sa… Riêng đối với vùng đất phương Nam, nhất là lịch sử hơn 300 năm của Sài Gòn – TP.HCM, Ngô Thị Phương Thảo (học lớp 12T) cho biết: “Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) sai Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đều đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh. Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh đã xác lập chủ quyền của chúa Nguyễn ở Đàng Trong…”.

“Em thấy đây là một hình thức học tập rất mới, sáng tạo khi kết hợp cả lý thuyết và thực hành. Việc học tập ngoại khóa như thế này vừa giúp chúng em hiểu bài một cách cặn kẽ vừa tạo dựng kỷ niệm với bạn bè trong 3 năm học phổ thông, cả với giáo viên chủ nhiệm”, Mai Văn Thắng (học lớp 11H) tâm sự. Đúng vậy. Việc ngồi trong 4 bức tường của lớp học nghe thầy cô nói về lịch sử dựng nước và giữ nước của các vua Hùng cũng như các vị anh hùng dân tộc sẽ rất khó “thấm” đối với học sinh nhưng được tham quan Đền tưởng niệm các vua Hùng thì việc học và thuộc lịch sử trở nên quá dễ dàng. Và khi hiểu được lịch sử dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân thì các em sẽ có trách nhiệm hơn với việc học tập để trở thành những công dân có ích cho xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

Minh Anh

Bình luận (0)