Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Học lịch sử qua kịch – tại sao không?

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong vở Nỏ thần

Trước đây, các sân khấu kịch rất ít dàn dựng những vở kịch lịch sử vì “ngại” không thu hút được khán giả. Nhưng nay thì mọi chuyện đã khác. Các sân khấu kịch thành phố hiện đang đồng loạt trình làng những vở kịch lịch sử được dàn dựng hoành tráng, công phu được khán giả trẻ đón nhận nồng nhiệt. Đây quả là một tín hiệu rất đáng mừng.

Kịch lịch sử lên ngôi

Khi vở kịch Bí mật Lệ Chi viên ra mắt, cả tập thể diễn viên Sân khấu IDECAF rất lo lắng vì sợ sự thiếu vắng của khán giả. Nhưng sự lo lắng ấy đã nhanh chóng tan biến khi câu chuyện giải oan cho người anh hùng Nguyễn Trãi trong vụ án vườn Lệ Chi luôn trong tình trạng “cháy vé”. Điều đó cho thấy sự đầu tư nghiêm túc, diễn viên nhập vai hết mình thì kịch lịch sử vẫn có sức hút rất lớn. Thừa thắng xông lên, IDECAF tiếp tục dàn dựng Trần Quốc Toản ra quân, Thánh Gióng, mức độ thành công cũng không kém. Đỉnh điểm là vở Ngàn năm tình sử do NSƯT Thành Lộc đạo diễn với khúc bi ca lãng mạn về cuộc đời huyền thoại lẫy lừng của Lý Thường Kiệt 1.000 năm trước hiện đang công diễn tại Nhà hát Bến Thành đã trở thành một “hiện tượng” với khán giả trẻ. Bạn Trung Kiên – sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chia sẻ: “Khi xem vở kịch này, tôi đã có một cái nhìn toàn cảnh, mới lạ, đáng tự hào về người anh hùng Lý Thường Kiệt của dân tộc ta. Không những thế, tôi còn mở rộng sự hiểu biết của mình về mối tình của ông với Thuận Khanh – người con gái cùng làng hay với người cha đỡ đầu thái sư Lý Đạo Thành, Hoàng Đạo Thành, thái hậu Thượng Dương… Tôi mong tiếp tục được xem những vở kịch lịch sử hay như thế…”.

“Nằm trong dự án Sân khấu với học đường, sắp tới Kịch Phú Nhuận sẽ tiếp tục đưa vở kịch lịch sử Nỏ thần phục vụ cho học sinh thành phố. Sau các buổi biểu diễn, học sinh sẽ có những buổi đối thoại trực tiếp với tác giả, đạo diễn, các diễn viên tham gia để hiểu rõ hơn về các nhân vật lịch sử cũng như thu thập cho mình những kiến thức cần thiết. Để đào tạo một thế hệ tương lai cho đất nước, xây dựng một nền tảng vững chắc cho xã hội, việc giáo dục lịch sử là vô cùng cần thiết…” – NSƯT Hồng Vân cho biết.

Nhà hát Kịch TP cũng đã tạo được tiếng vang lớn với vở diễn Tả quân Lê Văn Duyệt của đạo diễn – NSND Doãn Hoàng Giang. Lịch sử của giai đoạn khai hoang vùng đất Nam bộ như được lật lại từng trang trên sân khấu. Hình ảnh một Tả quân Lê Văn Duyệt hết lòng chăm lo cho cuộc sống của con dân Gia Định và Năm Trấn Phiên An chinh phục ngoại ban, thu phục lòng dân nhận được những tràng pháo tay vang dội của khán giả. Màn múa chém đầu Huỳnh Công Lý được dàn dựng thật hoành tráng và ấn tượng. “Bài học về lịch sử những con người có công lớn với dân với nước nói chung và ở vùng đất Nam bộ nói riêng như Lê Văn Duyệt được người đời nay nhìn nhận một cách công bằng hơn và sâu sắc hơn. Điều đó cũng khiến cho giới trẻ chúng tôi phải suy gẫm nhiều hơn về lịch sử và những nhân vật lịch sử của dân tộc mình. Cách chống tham nhũng quyết liệt của bậc tiền nhân qua vở diễn thật đáng cho thời đại chúng ta suy gẫm…” – bạn Phương Thảo (sinh viên Đại học Hồng Bàng) tâm sự như thế. Thuyết phục bằng cái nhìn chính sử rất khoa học, sân khấu dàn dựng công phu đã làm thỏa lòng khi xem vở kịch Nỏ thần của đạo diễn Đức Thịnh vừa ra mắt tại Sân khấu Kịch Hồng Vân. Soạn giả Lê Duy Hạnh đã có một kịch bản có kịch tính cao khi câu chuyện dựng nước và mất nước của An Dương Vương được ông kể lại theo cái nhìn chính sử, khoa học chứ không dựa vào truyền thuyết – chính con người phải chịu trách nhiệm cho công, tội của mình. Trong kịch, chiếc nỏ liên hoàn mệnh danh là nỏ thần của người Âu Lạc do chính Cao Thục và sáu hổ tướng cùng chế tạo chứ không do thần Kim Quy tặng móng mà có sức mạnh. Mất nước Âu Lạc cũng chẳng phải do vai trò gián điệp của Trọng Thủy. Chính sự mất cảnh giác, đắm mình trong hưởng thụ của vua tôi An Dương Vương đã tạo điều kiện cho viên tướng Nhan Tấn đầy âm mưu của nước Triệu chia rẽ đoàn kết, đoạt mất sức mạnh của quốc gia. Cái kết hào hùng mà bi thương của vở kịch khi từng nhân vật bước ra nói lên nỗi niềm ngàn năm của mình với hậu thế, khiến người xem bồi hồi về bài học giữ nước còn vọng đến hôm nay.

Nên đưa kịch lịch sử vào học đường?

Những năm gần đây, tình trạng sinh viên –học sinh ít quan tâm đến lịch sử dân tộc đã được các phương tiện thông tin đại chúng báo động. Nhiều sinh viên – học sinh có điểm môn lịch sử rất thấp, kể cả việc hiểu sai lệch về lịch sử cũng xảy ra không hiếm. Các chương trình Học sử trên đường phố, Sử ca học đường… do những người có tâm huyết thực hiện đã phần nào giúp các bạn trẻ “điều chỉnh” lại sự hiểu biết về lịch sử Việt Nam của mình. Những vở kịch lịch sử ra đời trong dòng chảy này càng đáng trân trọng hơn. Nó chứng tỏ sự hết lòng vì khán giả trẻ của các diễn viên kịch và nhà quản lý các sân khấu này. Việc đưa những vở kịch lịch sử vào phục vụ học đường để giáo dục giới trẻ là vô cùng cần thiết. Bởi cách “học sử” thiết thực như thế sẽ giúp sinh viên – học sinh không cảm thấy nhàm chán, nhớ lâu hơn và sẽ đạt được hiệu quả nhiều hơn.

HIỆP THANH

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)