Một hoạt cảnh tại chương trình ngoại khóa. Ảnh: N.Anh
|
Thay vì phải học từ những trang sách khô khan, các em học sinh Trường THCS-THPT Nhân Văn (TP.HCM) có những tiết học khá nhẹ nhàng và thú vị khi được lồng ghép dưới hình thức sân khấu hóa.
Mới đây nhất, nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương và kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thầy và trò Trường THCS-THPT Nhân Vănđã thực hiện chương trình ngoại khóa tái hiện lịch sử dân tộc xuyên suốt chiều dài dựng nước và giữ nước.
Thầy và trò cùng… diễn
Chương trình bắt đầu bằng lễ Giỗ tổ Hùng Vương với bài học ôn lại ý nghĩa ngày giỗ, dâng hương bàn thờ Quốc tổ bằng những món ăn truyền thống từ ngàn đời nay với bánh chưng, bánh dầy, trầu cau và rượu nếp. Điều thú vị là gần 600 học sinh cùng đứng dậy đồng thanh hát bài Hùng Vương – vốn là bài hát không được nhiều người biết đến. Trong lúc lần lượt từng học sinh lên dâng hương thì những em bên dưới chăm chú lắng nghe Việt Nam lược sử, là bài diễn ca thể hiện lịch sử hào hùng của dân tộc từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Kết thúc phần lễ, các em lại cùng hát bài Dòng máu Lạc Hồng thể hiện niềm tự hào của thế hệ trẻ ngày nay về truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Sau phần lễ Giỗ tổ, lịch sử dân tộc tiếp tục được tái hiện chân thực và sống động qua nhiều chương với những chủ đề khác nhau. Cụ thể, chương “Truyền thống và phong tục ngàn đời” tái hiện những truyền thuyết đã trở thành tinh hoa trong văn hóa người Việt như truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh chống thiên tai, ngăn lũ lụt nói lên khát vọng chinh phục thiên nhiên; hình tượng Thánh Gióng hun đúc nên tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm; hình ảnh Mai An Tiêm thể hiện sức sống dân tộc không ngại gian nan, không chùn bước trước khó khăn; sự tích trầu cau nói lên tình thâm cốt nhục, tình vợ chồng son sắt, thủy chung… Chương “Sức mạnh dân tộc” xen lẫn giữa bi và hùng khi tái hiện cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than trong suốt 1.000 năm bị các triều đại phong kiến phương Bắc đô hộ, cảnh vợ tiễn chồng đi đánh giặc ngoại xâm, bồng con chờ chồng và hóa “Hòn Vọng Phu”…
Xong phần hoạt cảnh, người kể chuyện dẫn dắt người xem đến các sự kiện khác như chiến thắng giành lại độc lập chủ quyền năm 938, các cuộc đấu tranh của nhân dân chống lại quân Nam Hán, quân Tống và quân Nguyên Mông. Nhưng điều khiến các học sinh thích thú nhất ở chương này chính là cảnh hội nghị Diên Hồng của quân dân nhà Trần thể hiện ý chí chống lại giặc Nguyên Mông. Khi diễn viên trên sân khấu trong vai các bô lão cùng hô lớn “Quyết chiến” thì bên dưới học sinh cũng đồng thanh hô theo khiến không gian buổi sinh hoạt thêm hào hùng.
Cần có sự phối hợp nhịp nhàng
“Nhà trường vẫn thường tổ chức các chương trình ngoại khóa về lịch sử vừa giúp học sinh khắc sâu kiến thức đã học, vừa bồi đắp tinh thần yêu nước cho các em”, cô Trần Thị Anh Tâm nói.
|
Cô Trần Thị Anh Tâm, Bí thư Chi bộ Trường THCS-THPT Nhân Văn, cho biết để có một chương trình ngoại khóa giàu ý nghĩa như vậy cần có sự phối hợp giữa Tổ công đoàn và các tổ bộ môn để lên kế hoạch xây dựng nội dung ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ sự kiện và súc tích. Các hoạt cảnh, phân khúc về từng giai đoạn lịch sử, các đoạn phim tư liệu đều do giáo viên và học sinh trong trường thực hiện. “Nhà trường vẫn thường tổ chức các chương trình ngoại khóa về lịch sử vừa giúp học sinh khắc sâu kiến thức đã học, vừa bồi đắp tinh thần yêu nước cho các em”, cô Trần Thị Anh Tâm nói.
Một điều khá thú vị là kịch bản chương trình và phần dàn dựng các phân cảnh đều có sự tham gia của nhiều cựu học sinh của trường. Em Thái Hồng Khang, hiện là sinh viên Khoa Sư phạm ngữ văn Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Chương trình được thiết kế với nhiều phân cảnh sân khấu hóa nhằm đẩy mạnh sử ca trong trường học. Đây cũng là một trong những nội dung em được đào tạo trong môi trường ĐH để phục vụ cho nghiệp vụ sư phạm sau này”. Được biết, ở một số phân cảnh, Khang và người anh song sinh vừa là biên đạo, vừa là diễn viên đã tạo nên sự ngạc nhiên cho nhiều học sinh.
Linh Vy
Những thước phim hào hùng
Trong chương trình ngoại khóa tái hiện lịch sử dân tộc, chương “Đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ” được thầy trò đầu tư kỹ nhất. Mở đầu cho thời kỳ này là đoạn phim tư liệu về phong trào đấu tranh của các chí sĩ yêu nước như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Phan Chu Trinh…; phân tích nguyên nhân thất bại dẫn đến sự kiện ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Các đoạn phim tư liệu về toàn dân tham gia và làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam và đặc biệt là đoạn phim quân ta tiến vào Dinh Độc Lập đã giúp các em học sinh hiểu sâu sắc hơn về sức mạnh của nhân dân ta qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
|
Bình luận (0)