Hiểu biết lịch sử nước nhà cũng là cách thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm với tổ tiên, với quốc gia
Khơi dậy lòng yêu nước
Thời gian vừa qua một số sân khấu cải lương XHH đã chọn dàn dựng vở lịch sử, được công chúng đón nhận như: "Rạng ngọc Côn Sơn", "Trung thần", "Tô Hiến Thành xử án", "Câu thơ yên ngựa", "Thái hậu Dương Vân Nga", "Má hồng soi kiếm bạc", "Thanh gươm nữ tướng", "Thủy chiến Bạch Đằng Giang"…
Một cảnh trong vở cải lương “Nguyễn Hữu Cảnh” của đạo diễn Nguyễn Minh Trường. Ảnh: Thanh Hiệp
Theo các nghệ sĩ cải lương lão thành, việc khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết qua mỗi tác phẩm sân khấu, chính là góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
NSƯT Kim Tử Long nói lòng yêu nước được lan tỏa không chỉ dừng lại ở nhận thức, mà còn phải thể hiện ở hành động. Do vậy, những vở sử Việt của đơn vị cải lương XHH mà anh từng dàn dựng đã quy tụ đông ngôi sao, mỗi người góp phần sáng tạo qua vai diễn để quảng bá tinh thần yêu nước đến khán giả trẻ.
"Tuyên truyền về tinh thần yêu nước cho mọi người dân, trong mọi thời điểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người nghệ sĩ" – NSƯT Kim Tử Long tâm huyết.
Nhiều nghệ sĩ, đạo diễn trẻ cũng có chung suy nghĩ như NSƯT Kim Tử Long. Đạo diễn trẻ Dương Kim Tiến cùng với ê-kíp XHH của mình đã dàn dựng thành công vở "Thủy chiến Bạch Đằng Giang"; nhóm của nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường (Chuông vàng vọng cổ 2014) cũng đã chung tay thực hiện vở sử Việt "Nguyễn Hữu Cảnh"…
"Chúng tôi quyết định chọn vở sử Việt để làm tác phẩm trọng điểm cho hành trang nghệ thuật của mình. Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể nêu cao tinh thần, ý chí chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biển đảo, bờ cõi của Tổ quốc cho cộng đồng thông qua sân khấu cải lương" – nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường cho biết.
Đưa sử Việt đến với khán giả trẻ
Mang khát vọng đưa các vở sử Việt đến gần hơn với khán giả trẻ, các sân khấu cải lương XHH đã chọn cách làm mới bằng nhiều thủ pháp tinh tế. Theo NSND Trần Minh Ngọc, hướng đi này của các sân khấu XHH là việc làm đáng trân trọng. Song ông lưu ý muốn vở diễn hay hơn bằng cách đổi mới hình thức là chưa đủ, cần phải có sự sáng tạo. Lịch sử là những bài học tổng kết từ thực tiễn, không tự dưng mà có, không một quốc gia nào lại không có lịch sử vì vậy khi dựng các vở sử Việt điều quan trọng là phải đúng.
NSƯT Hùng Minh cũng đồng tình với ý kiến của NSND Trần Minh Ngọc. Theo NSƯT Hùng Minh, thái độ nghiêm túc, tích cực trong việc học và tìm hiểu lịch sử nước nhà là điều người nghệ sĩ phải hướng tới.
NSƯT Vũ Luân cho hay anh từng làm việc với NSND Thanh Tòng khi ông dựng vở "Bức ngôn đồ Đại Việt", nói về nhân vật Nguyễn Địa Lô, hoặc vở "Ngọn lửa Thăng Long" nói về Nguyễn Huệ, bản thân anh được trang bị thêm về lịch sử dân tộc, có thêm những hiểu biết về tổ tiên, đất nước, dân tộc mình trên chặng đường đấu tranh dựng nước và giữ nước.
"Từ đó, tôi cảm thấy tự hào, trân trọng giá trị lịch sử, biết ơn những thế hệ nghệ sĩ đi trước, đã gieo mầm với những kịch bản đánh thức trách nhiệm của người nghệ sĩ trong việc giữ gìn và phát huy nền độc lập dân tộc. Trọng trách của thế hệ đi sau là phải tiếp tục tạo dựng những vở diễn sử Việt xứng tầm, trở thành các tác phẩm kinh điển" – NSƯT Vũ Luân bày tỏ.
Vì thế, khi thực hiện vở "Quang Trung hoàng đế", NSƯT Vũ Luân đã mời một số nhà nghiên cứu về sử học, tác giả, đạo diễn uy tín hỗ trợ cho anh, nhằm để vở diễn thật hoàn hảo khi đến với công chúng.
Tương tự, đạo diễn Dương Kim Tiến trong quá trình dựng vở "Thủy chiến Bạch Đằng Giang" (nói về nhân vật anh hùng dân tộc Ngô Quyền) cũng đã lĩnh hội rất kỹ với NSND Trần Ngọc Giàu để vở diễn có hướng đi phù hợp với mục tiêu đưa cải lương sử Việt đến với khán giả trẻ.
Nữ đạo diễn Dương Kim Tiến báo tin vui: "3 suất diễn vở "Thủy chiến Bạch Đằng Giang" vừa qua đều thu hút khá đông khán giả sinh viên đến từ các trường đại học. Sắp tới, sẽ tái diễn vở này tại Nhà hát Trần Hữu Trang".
Trong năm nay, Hội Sân khấu TP HCM cũng sẽ ra mắt CLB Đạo diễn trẻ, không chỉ quy tụ đạo diễn trẻ ở TP HCM mà còn kết nối ở các tỉnh, thành trong cả nước. NSND Trần Ngọc Giàu kỳ vọng các đạo diễn trẻ sau quá trình được đào tạo, cập nhật bài bản hình thức dàn dựng sẽ cho ra đời nhiều vở tuồng có gốc tích sử Việt, để người Việt tự hào hơn về tiền nhân đã đổ bao xương máu dựng nước và giữ nước.
“Hiện nay, tình trạng dạy và học lịch sử ở trường phổ thông còn nhiều thiếu sót. Việc dựng vở sử Việt đúng chuẩn sẽ góp phần mang lại chất lượng dạy và học sử Việt trong giới trẻ” – NSƯT Hùng Minh bày tỏ. |
Theo Thanh Hiệp/NLĐO
Bình luận (0)