Không ít học sinh có sức học trung bình ở phổ thông nhưng lại là những sinh viên xuất sắc, tốt nghiệp ĐH loại giỏi nhờ chọn đúng ngành nghề mà mình đam mê.
TS. Nhan Cẩm Trí (Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) trả lời thắc mắc của học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu
Đây là nhận định của các chuyên gia tư vấn trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 diễn ra cuối tuần qua tại Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh). Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và ĐH Công nghệ TP.HCM.
Trường nghề rộng cửa đón học sinh
Mở đầu chương trình, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ, lớp 12 là giai đoạn cuối được gia đình chăm sóc, bảo bọc. Tiếp theo giai đoạn đó, chính các em phải làm chủ bản thân, chú tâm học tập và hướng nghiệp. Nếu không thích học ĐH hoặc vì lý do tài chính, tốt nghiệp THCS hoặc THPT, các em có thể rẽ sang học nghề ở các trường TC-CĐ trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Tính đến thời điểm này, hệ thống GDNN có khoảng 3.000 cơ sở với trên 900 nghề, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo hiện đại đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Ngoài hệ thống GDNN, bậc CĐ có 215 trường với 600 ngành và bậc ĐH có 235 trường với 365 ngành được chia làm 6 nhóm lĩnh vực: kỹ thuật công nghệ; khoa học nghiên cứu ứng dụng; nghệ thuật; xã hội – dịch vụ; kinh doanh – quản lý; hành chính – văn phòng. Như vậy, với hệ thống cơ sở đào tạo trên, các em hoàn toàn có cơ hội học tiếp để có một công việc ổn định.
TDC liên kết với Hàn Quốc đào tạo song bằng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TDC) đang liên kết với Trường CĐ Yeungnam Ikong (Hàn Quốc) triển khai đào tạo chương trình song bằng trình độ CĐ hai ngành công nghệ kỹ thuật ô tô và công nghệ kỹ thuật điều khiển – tự động hóa. Theo đó, sinh viên sẽ học 3 học kỳ tại TDC và 3 học kỳ tại Trường CĐ Yeungnam Ikong, kết thúc chương trình sẽ được nhận hai bằng của hai trường và được học chuyển tiếp tại các trường ĐH của Hàn Quốc. Điều kiện để theo học là sinh viên phải đạt năng lực tiếng Hàn từ TOPIK cấp 2 trở lên khi nhập học tại trường Yeungnam Ikong. Mức học phí sẽ được giảm dựa theo năng lực TOPIK của học kỳ 4 và kết quả học tập ở học kỳ 5 và 6. Được biết, hai trường cũng đã thành lập Ban tư vấn chương trình song bằng với thành viên là trưởng các khoa cơ khí ô tô, công nghệ tự động hóa, tiếng Hàn của TDC và nhân viên phụ trách hợp tác quốc tế của Trường CĐ Yeungnam Ikong. T.Tri |
Về phương thức xét tuyển ĐH-CĐ, TS. Lê Thị Thanh Mai cho biết ngoài xét tuyển theo điểm kỳ thi THPT quốc gia và học bạ, một số trường còn có kỳ thi theo đề án tuyển sinh riêng hoặc kỳ thi năng lực để làm cơ sở xét tuyển. “Quy chế thi THPT quốc gia 2019 vẫn còn đang bàn, nhiệm vụ của các em là củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng chuẩn bị cho kỳ thi để đạt kết quả cao nhất. Năm 2018, Trường THPT Trần Văn Giàu có tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM tăng so với năm 2017, chứng tỏ các em có sự chuẩn bị khá tốt. Tuy nhiên, các em đừng quá chủ quan mà ngay từ bây giờ phải xác định: mình thích học cái gì, hoạch định cuộc đời mình ra sao, nắm vững kiến thức THPT như thế nào…”, TS. Lê Thị Thanh Mai khuyên.
Ở góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An (giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM) cho rằng chọn đúng ngành nghề mình đam mê thì mới có thể phát huy năng lực bản thân. “Không ít học sinh có học lực trung bình ở bậc phổ thông nhưng nếu học đúng ngành nghề mình yêu thích thì sẽ trở thành sinh viên xuất sắc, tốt nghiệp loại giỏi”, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An nói. “Em không có đam mê hay sở trường, sở thích gì. Vậy cơ sở nào để chọn ngành nghề?”, một học sinh nữ trong trường hỏi. Trả lời câu hỏi này, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An khẳng định: “Chỉ vì hiện nay em chưa xác định được đam mê của mình. Mỗi người đều có khả năng riêng nhưng nổi trội ở mỗi giai đoạn khác nhau. Em hãy lắng nghe người khác nhận xét về mình hoặc tự cảm nhận để làm cơ sở xác định đam mê của bản thân”.
Cơ hội nào học ngành yêu thích
Tại chương trình tư vấn, bà Tạ Thị Thúy (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) đã cung cấp thông tin liên quan đến nghề thiết kế thời trang – nghề được nhiều học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu quan tâm. Theo đó, điều kiện để đến với nghề này là các em phải có năng khiếu vẽ, học trội các môn tự nhiên (toán, lý), văn và tiếng Anh. Ngoài ra, những tố chất phù hợp với nghề như có khiếu tạo hình, tư duy thẩm mỹ cao, trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo; có vốn văn hóa sâu rộng, đam mê nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực may mặc, thời trang… Em Quỳnh Anh hỏi: “Em học không trội lắm ở các môn toán, hóa, sinh…, vậy có cơ hội học ngành công nghệ sinh học không? Những trường nào có đào tạo ngành này?”. Trả lời câu hỏi trên, TS. Lê Thị Thanh Mai khẳng định: “Nếu quyết tâm học nghề này, ngay từ bây giờ các em phải cố gắng học tốt các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là những môn trong tổ hợp xét tuyển. Đây là ngành trọng điểm không chỉ của TP mà còn của quốc gia. Các trường ĐH có đào tạo ngành này là ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, ĐH Quốc tế (chương trình tiếng Anh), nếu đi theo hướng ứng dụng thì có ĐH Bách khoa TP.HCM…”.
Hơn 23.000 học sinh Đắk Lắk và Đồng Nai được hướng nghiệp Từ ngày 8 đến 25-10, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức diễn ra ở Đắk Lắk và Đồng Nai. Chương trình có sự đồng hành của Sở GD-ĐT hai tỉnh trên, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Dự kiến có hơn 23.000 học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn hai tỉnh được tư vấn hướng nghiệp. Cụ thể, ở Đắk Lắk, chương trình diễn ra từ ngày 8 đến 11-10 tại 11 trường; còn tại Đồng Nai, chương trình diễn ra từ ngày 9 đến 25-10 ở 35 trường THPT.
Học sinh Trường THPT Việt Đức (Đắk Lắk) đặt câu hỏi với ban tư vấn. Ảnh: D.Thuận Chương trình không chỉ cung cấp những kiến thức về ngành nghề đào tạo mà còn giải đáp các thắc mắc về tâm lý, cách lựa chọn ngành nghề cho các em học sinh. Theo ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh – Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM), để không lo thất nghiệp sau khi tốt nghiệp, ngay từ đầu người học cần chọn ngành và bậc học phù hợp; trong quá trình học phải có chuyên môn vững vàng, ngoại ngữ – tin học đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng; kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp cũng cần phải trang bị đầy đủ. Còn theo ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM), trong lựa chọn ngành nghề, người học cần chú ý hơn về nguồn nhân lực địa phương; trong thời đại 4.0 cần phải có kiến thức liên ngành để phục vụ công việc của mình. Y.Hoa |
Ngành tiếp viên hàng không cũng được nhiều học sinh nữ của Trường THPT Trần Văn Giàu quan tâm tìm hiểu. TS. Nhan Cẩm Trí (Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) gợi ý: Giỏi ngoại ngữ, chỉ số thông minh và sáng tạo cao, ngoại hình lý tưởng… là chưa đủ. Qua các diễn đàn, fanpage, các em nên kết bạn với những anh chị đang làm công việc này để nhờ họ tư vấn, chia sẻ các yêu cầu cụ thể của nghề, những môn học trong chương trình có phù hợp với mình hay không để có lựa chọn đúng nhất”.
T.Anh
Bình luận (0)