Lắng nghe những điều học sinh thổ lộ là được học môn Sử bằng thực tế – những chuyến đi tham quan di tích lịch sử, bổ sung thêm tư liệu, hình ảnh, video sinh động… mới thấy điều ước của các em thật chính đáng. Và sau buổi đối thoại với lãnh đạo TPHCM về chủ đề “Thiếu nhi với lịch sử dân tộc” mới đây, chúng ta phải làm gì để điều ước của các em trở thành sự thật?
Thầy, trò Trường THPT Hùng Vương Q5 trong hoạt cảnh tái hiện thời kỳ Vua Hùng dựng nước trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Một hình thức giúp các em học sinh yêu thích môn Lịch sử. Ảnh: MAI HẢI
Điều ước và những cái khó
Tại sao phần lớn học sinh sợ học môn Sử hoặc cảm thấy môn học này khô khan, nhàm chán? Chia sẻ nỗi niềm này, cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Mộng Như (Trường THCS Tân Tạo quận Bình Tân TPHCM) nói rằng, khi được xem các thước phim lịch sử chúng em thấy ấn tượng, nhớ lâu hơn so với học theo sách giáo khoa. Thế nhưng, ngay cả việc được học ở phòng máy cũng “khó khăn” và để được xem những thước phim tư liệu, học sinh ở trường vùng ven này cũng phải xếp hàng, đăng ký chờ mấy tháng mới đến lượt.
Tương tự, em Trúc Mai lớp 8/1 Trường THCS Tân Túc huyện Bình Chánh cũng đề đạt nguyện vọng được đi tham quan thực tế – đến những di tích lịch sử, địa chỉ đỏ để hiểu rõ những sự kiện lịch sử. Cũng theo em, dù trường có tổ chức hoạt động tham quan nhưng hành trình về địa chỉ đỏ, di tích lịch sử chưa lan tỏa rộng và chỉ dành cho học sinh tiêu biểu, học giỏi mà thôi. Từ suy nghĩ của mình, Trúc Mai kiến nghị TP nên đầu tư thêm khu di tích lịch sử, tái hiện, mô phỏng những sự kiện, trận đánh lớn để học sinh tham quan, học Sử hiệu quả hơn.
Nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ mong muốn được học Sử theo phương pháp mới – thoát khỏi những trang sách thiếu hình ảnh sinh động, nặng lý thuyết, dày đặc con số khó nhớ. Theo nhiều học sinh, học Sử ở bảo tàng rất hay và mỗi chuyến trải nghiệm đều mang lại những điều thú vị. Tuy nhiên, theo bạn Đông Quang, TPHCM còn ít bảo tàng và em đề nghị TP nên xây thêm nhiều bảo tàng lịch sử nữa để giúp học sinh có nơi trải nghiệm.
Cùng chung suy nghĩ này, Quỳnh Hương, lớp 7/1 Trường THCS Bàn Cờ quận 3 mong muốn nhà trường tổ chức nhiều chuyến đi thực tế đến bảo tàng, di tích lịch sử để học sinh có điều kiện thẩm thấu – học Sử hiệu quả hơn. Riêng bạn Mai Chi, Trường THCS Lam Sơn quận 6 đưa ra ý tưởng mới là sách giáo khoa môn Sử cần cập nhật những gương anh hùng nhỏ tuổi để học sinh noi theo.
Và lời hứa đầu năm
Lắng nghe những điều học sinh bậc THCS thổ lộ về mong muốn được học môn Sử theo cách mới, mới thấy không phải học trò không thích học Sử mà do cách dạy quá cũ, nhàm chán. Khi những giờ học Sử “đổi gió” thay thế bằng phương pháp trực quan và người thầy biết làm mới bài giảng, bổ sung thêm nhiều tư liệu, hình ảnh sinh động thì học sinh đều hào hứng đón nhận. Từ những điều các em lên tiếng, bộc bạch, chúng ta không thể không nặng lòng, trăn trở với thực tế dạy và học theo lối mòn khiến học trò chán học.
Phải chăng việc chậm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bắt các em “học chay”, phải nhớ quá nhiều sự kiện, con số đã làm thui chột niềm đam mê, hứng thú học Sử dân tộc? Vấn đề mà các em nêu ra là được học Sử bằng phương pháp mới, bổ sung thêm nhiều tư liệu phim ảnh, video hoặc tái hiện sự kiện lịch sử bằng những tiết học tích cực, đi tham quan, trải nghiệm thực tế… liệu quá khó?
Với những gia đình có điều kiện kinh tế hoặc những trường ở nội thành thì ước muốn này dễ thực hiện hơn. Nhưng với học sinh nghèo, trường nghèo hay ngoại thành muốn tổ chức chuyến đi thực tế tham quan bảo tàng, di tích lịch sử lại quá khó, thậm chí không thể vì thiếu kinh phí. Bao giờ rào cản này được tháo gỡ để tạo sự bình đẳng trong giáo dục?
Vẫn biết những năm qua TPHCM đã dành nguồn ngân sách lớn đầu tư cho giáo dục, từng bước nâng cấp trường lớp, trang thiết bị dạy học nhưng chưa phủ kín, chưa đáp ứng yêu cầu thực học và đổi mới cách dạy học. Đó là chưa kể cái khó riêng khi tổ chức hoạt động ngoại khóa, tham quan nhưng điều kiện thực tế, kinh phí không cho phép.
Một giáo viên dạy Sử ở một trường THCS quận ven bộc bạch: “Ước muốn giản dị của các em là được tham quan bảo tàng, di tích lịch sử trên địa bàn TPHCM còn khó thực hiện thì nói gì đến điều cao xa là đổi mới giáo dục toàn diện…”. Ai cũng thấy những bài học thực tế ở bảo tàng, di tích lịch sử hoặc những giờ học ngoại khóa sẽ có sức hấp dẫn đối với học sinh, nhưng làm thế nào để tất cả các em đều có cơ hội được trải nghiệm và đi thường xuyên hơn?
Đúng như nhận định của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, có nhiều cách để học Sử hiệu quả và tiết học trải nghiệm tại bảo tàng cần nhân rộng hơn. Và ghi nhận những điều ước giản dị và kiến nghị của thiếu nhi TPHCM về học lịch sử dân tộc hiệu quả, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và lãnh đạo ngành GD-ĐT TPHCM, đại diện các bảo tàng ở TP hứa sẽ tạo nhiều điều kiện, kể cả hỗ trợ học sinh tham quan bảo tàng miễn phí. Không những thế, một số bảo tàng sẽ mở rộng hoạt động triển lãm lưu động để đưa nhiều hình ảnh, tư liệu lịch sử đến với trường học.
Không chỉ hiểu Sử Việt để tự hào, học sinh TPHCM rất cần hiểu rõ lịch sử địa phương – nơi mình đang sống. Và điều đáng nói là ngay những địa chỉ đỏ nổi tiếng như chiến khu Rừng Sác, địa đạo Củ Chi… cũng còn xa lạ đối với nhiều học sinh TPHCM. Đó là điều day dứt, nặng trĩu nỗi niềm của những người có trách nhiệm. Vì thế, chung tay tạo điều kiện cho học sinh, thiếu nhi TPHCM thấu hiểu Sử dân tộc và thắp lửa để các em viết tiếp những trang sử hào hùng của ông cha là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Mong rằng lời hứa đầu năm đối với thiếu nhi sớm trở thành hiện thực.
KHÁNH HÀ
(SGGP)
Bình luận (0)