Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Học nấu ăn trước khi du học

Tạp Chí Giáo Dục

Dù nhiều hay ít, những người đã trải qua thời gian sống và học tập ở “trời Tây” đều thừa nhận rằng, kỹ năng nấu ăn của họ tiến bộ đáng kể chỉ sau một năm du học.

Nấu ăn để… tồn tại

Lời khuyên được hầu hết du học sinh đưa ra tại các buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm du học là nên tập nấu nướng trước khi bước chân rời khỏi gia đình. Không phải vô cớ mà họ nói ra điều này, bởi để có được lời khuyên được cho là “vô cùng giá trị” đó, họ đã phải nếm trải những bài học, những câu chuyện dở khóc dở cười quanh chuyện nấu nướng.

Muốn an tâm học tập ở xứ người, du học sinh phải học nấu ăn trước. Trong ảnh, các bạn trẻ đang tìm hiểu thông tin du học tại một ngày hội

Tại buổi hội thảo do Viet Abroader tổ chức ở TP.HCM, bạn Ngô Nhất Tài (ĐH Texas Christan, Mỹ) khẳng định, đồ ăn không hợp là một trong những cú sốc đầu tiên mà rất nhiều người gặp phải. Là một “tín đồ” của thức ăn nhanh, Tài từng nghĩ tới viễn cảnh sẽ được thả sức “chén” đồ ăn ở thiên đường ẩm thực Mỹ mà không bị ba mẹ phàn nàn. Và cũng với khả năng này, bạn hoàn toàn có thể sống tốt mà không phải bận tậm nhiều về chuyện… ăn uống. Thế nhưng, mọi thứ lại đi ngược hoàn toàn với dự định của bạn. “Qua Mỹ đến ngày thứ 5 thì tôi không thể tiếp nhận thêm bất cứ món đồ ăn nhanh hay buffet nào nữa vì… quá ngán. Đồ ăn trong nhà hàng kiểu Mỹ thì tệ kinh khủng, quá ngọt và nhiều cholesterol, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bánh kếp, hamburger, hot dog, khoai tây chiên,  nước sốt táo, thịt xông khói, thịt nguội mà giá thì rất đắt (dù đó đã là những món rẻ nhất ở Mỹ). Sang đến ngày thứ 7 thì tôi đã bật khóc ngon lành khi vừa nhìn thấy món gà tây là cơ thể đã chực nôn ói. Chỉ đến khi được một người bạn cùng phòng cho ăn một quả trứng luộc, tôi mới cảm thấy bớt tủi thân và suy nghĩ nghiêm túc về chuyện nấu nướng”, Tài cho biết.

Tài cũng thừa nhận, nếu không biết nấu vài món ăn cơ bản, du học sinh sẽ khó mà tồn tại ở đất nước mình học tập do khẩu vị của người bản xứ rất kén người ăn. Còn nếu ăn ở ngoài, chỉ vài ngày là hầu bao đã có dấu hiệu “chạm đáy”.

Chia sẻ về thời gian đầu sang học tại ĐH Amsterdam – Hà Lan, Đỗ Phương Vy (ở TP.HCM) nhớ lại: “Thời gian đầu tôi ăn uống tại căng tin trường. Ở đây đồ ăn khá đa dạng nhưng rất… khó ăn vì đa phần người châu Âu thường ăn súp, khoai tây, pho mát, bánh mì kẹp thịt nguội. Hồi ở nhà, tôi chẳng phải động tay động chân vào bất cứ việc gì nên kỹ năng nấu nướng phải nói là dở tệ. Và món đầu tiên tôi thực hiện khi du học ở Hà Lan là luộc hết tất cả những thứ rau mình mua được trong siêu thị. Gọi là luộc nhưng kỳ thực chẳng khác món… hầm là mấy vì tất cả các loại rau đều mềm nhũn khi đưa vào miệng. Lần thứ hai trổ tài với món rau xào, kết quả là cọng chín, cọng sống lẫn lộn nên quyết định liên hệ với một số anh chị đi trước để tập tành vào bếp. Đến bây giờ thì tôi đã có thể nấu được khá nhiều món ăn cơ bản, vừa tiết kiệm tiền lại vừa đảm bảo sức khỏe, thậm chí còn nấu được phở gà khiến ba mẹ ở nhà rất ngạc nhiên”.

Tích lũy nhiều kinh nghiệm

Khi đã sang nước bạn, du học sinh nếu không trở thành Master chef thì ít nhất cũng là Master…of microwave (lò vi sóng).

Tại hội thảo, Trần Thu Ngân (cựu du học sinh tại ĐH Copenhagen School of Global Heath, Hà Lan) khẳng định: Đi du học ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng nấu nướng và sử dụng công cụ hỗ trợ nấu nướng của một người. Khi đã sang nước bạn, du học sinh nếu không trở thành Master chef thì ít nhất cũng là Master…of microwave (lò vi sóng). “Một số du học sinh sẽ lao vào bếp, tập tành nấu các món ăn phù hợp với khẩu vị của mình và khi trở về sẽ trở thành những đầu bếp thuần thục với nhiều món ăn độc đáo. Chính trong quá trình tự chuẩn bị, nấu nướng đã giúp cho các du học sinh tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Khi về Việt Nam, nhiều bạn đã biết cách mang các loại thực phẩm, rau củ sấy khô để sử dụng dần. Một số khác sẽ tận dụng tối đa chức năng của lò vi sóng/lò nướng để làm nóng, nấu nhanh các món đã được làm sẵn, chế biến sẵn từ siêu thị hoặc chế biến món ăn đơn giản chỉ trong 3-10 phút. 3 phút để luộc rau thông thường, 5 phút đối với các loại củ cứng, 10 phút đối với thịt là quy tắc dành cho món luộc mà du học sinh nào cũng được truyền kinh nghiệm trong thời gian đầu tập sử dụng lò vi sóng. Một món ăn vặt được khá nhiều bạn ưa thích khi du học ở các nước châu Âu là bắp bung nổ trong lò vi sóng, làm chỉ mất 3 phút. Ngoài ra, nếu biết cách tẩm ướp gia vị, canh thời gian và giảm nhiệt thì lò vi sóng còn có thể làm các món kho đơn giản chỉ trong thời gian chưa đầy 20 phút mà hương vị cũng không đến nỗi nào”, Thu Ngân chia sẻ.

Bài, ảnh: Linh Vy

 

Bình luận (0)