Việc lựa chọn ngành học không khó, nhưng lựa chọn như thế nào để có thể cạnh tranh trong thị trường lao động 4.0 mới là điều quan trọng. Bởi ngày nay thị trường lao động đã dịch chuyển đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, cho nên người học phải làm sao để mình luôn ở vị trí quan trọng mới có thể thành công.
ThS. Nguyễn Nhật Tài (Phó Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) tư vấn cho học sinh Trường THPT Tây Thạnh
Đó là chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 diễn ra tại Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) mới đây. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố.
Có năng lực sẽ đủ sức cạnh tranh
Với sự phát triển của công nghệ thông tin cùng sự đa dạng của các ngành học, học sinh rất khó để lựa chọn ngành nghề phù hợp với xu thế và cạnh tranh trong thị trường lao động. Như trường hợp của em Đức Trí (học lớp 12A1): “Em đam mê hóa học nhưng không biết ngành này có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai không?”. ThS. Nguyễn Nhật Tài (Phó Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) cho biết, hóa học thuộc khối ngành khoa học tự nhiên mà Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đang đào tạo. Khi học ngành này, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế trên thị trường. Theo đó, ngành hóa học có các chuyên ngành sau: Hóa hữu cơ, hóa lý, hóa vô cơ và ứng dụng, hóa phân tích… “Việc lựa chọn ngành học tùy vào nhu cầu của học sinh. Các em có thể chọn bất cứ ngành nào, nhưng khi làm việc phải có năng lực, trình độ, kỹ năng để xử lý vấn đề. Cho dù các em chọn ngành “hot” nhưng không có năng lực thì không thể cạnh tranh trong thị trường lao động”, ThS. Tài chia sẻ.
Một học sinh nữ nhờ chuyên gia giải đáp các băn khoăn
Giải đáp cho nhiều học sinh hiểu rõ về ngành marketing, ông Huỳnh Hiếu Thuận (Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Broward Hoa Kỳ tại Việt Nam) cho hay, trong thời đại công nghệ phát triển, ngành marketing là hướng đi được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Ngành này cung cấp cho người học kiến thức chuyên sâu về cách nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khách hàng, xây dựng và phát triển các mối quan hệ, tổ chức phân phối sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện… Năm 2023, ĐH Broward Hoa Kỳ tại Việt Nam có nhiều mức học bổng cho sinh viên. Cụ thể, thứ nhất là học bổng tài năng dành cho những em có điểm trung bình học kỳ II lớp 12 trên 8.0; thứ hai là học bổng dành cho nữ sinh học các ngành: Lập trình máy tính, khoa học dữ liệu… Những em đạt điểm trung bình từ 7.5 trở lên sẽ được giảm 50% học phí suốt khóa học. “Học ngành nào cũng vậy, nếu các em có đủ đam mê, có năng lực, biết chấp nhận khó khăn, thử thách thì ra trường sẽ đủ sức cạnh tranh trong thị trường lao động”, ông Thuận lưu ý.
Nâng ngành học lên tầm cao mới
Thời đại công nghệ 4.0, nhiều người nghĩ học các ngành công nghệ, kỹ thuật mới có nhiều việc làm. Chính vì suy nghĩ đó nên các ngành thuộc khối khoa học xã hội không được quan tâm, ít người theo học dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực, trong khi nhu cầu của khối ngành này là không ít. Trước lo lắng của một số học sinh về nhu cầu việc làm của ngành văn hóa học, ông Lại Võ Đăng Khoa (Trưởng bộ phận Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Văn Hiến) thông tin, ngành văn hóa học chuyên nghiên cứu về văn hóa của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Bên cạnh kiến thức, ngành văn hóa học còn giúp sinh viên có kỹ năng lập luận, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm. Ra trường, sinh viên ngành này có thể làm việc ở các sở/ban/ngành, trung tâm báo chí, truyền hình, cơ quan/doanh nghiệp, giảng dạy… Nói chung, cơ hội việc làm của ngành văn hóa học không ít, quan trọng là người học có đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. “Năm rồi, ngành văn hóa học của Trường ĐH Văn Hiến tuyển sinh khối C; bên cạnh phương thức xét tuyển học bạ, học sinh có thể sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực”, ông Khoa thông tin.
Học sinh Trường THPT Tây Thạnh tìm hiểu thêm thông tin về các ngành học sau chương trình
Thông tin về các ngành đào tạo của trường, TS. Nguyễn Ngọc Giang (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho hay, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đào tạo nhiều ngành như: Tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, Luật Kinh tế… Dù có những ngành truyền thống nhưng trường định hướng đào tạo theo hướng chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo. Việc này không chỉ giúp các ngành học được nâng lên tầm cao mới mà còn giúp người học tiếp cận với công nghệ, phát triển nghề nghiệp theo kịp xu hướng.
Trao đổi với học sinh trong trường về ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, ông Đặng Hữu Khanh (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, logistics đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Ngành này góp phần vào việc vận chuyển, phân phối hàng hóa – dịch vụ từ nhà máy sản xuất, kinh doanh thương mại đến các trung tâm phân phối, bán sỉ, bán lẻ và cuối cùng mới đến tay người tiêu dùng. Vì thế, ngành này được xem là một trong những ngành nghề có tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là ngành mà Việt Nam đang gặp khó khăn vì thiếu nhân lực chuyên nghiệp, có chất lượng cao và chuyên môn giỏi, nhất là khi tham gia vào các hoạt động kinh doanh quốc tế với cơ hội ngày càng nhiều. “Khi học ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, sinh viên sẽ được đào tạo cách vận hành kho bãi, vận chuyển hàng hóa… Tốt nghiệp, các em có thể làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp về logistics, vận chuyển hàng hóa…”, ông Khanh cho biết.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)