Ngành công nghệ ô tô được đánh giá là ngành có cơ hội việc làm mở, mức lương khá cao so với các ngành nghề kỹ thuật khác…
Sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức thực hành sửa chữa ô tô
Mặc dù hàng năm, các trường ĐH-CĐ và các cơ sở đào tạo khác đã đào tạo ra hàng ngàn kỹ sư, kỹ thuật viên ngành công nghệ ô tô, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Điều này được chứng minh tại các ngày hội việc làm ngành kỹ thuật, ngành công nghệ ô tô luôn có nhu cầu tuyển dụng cao.
Tại ngày hội việc làm các ngành kỹ thuật do Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng tổ chức mới đây, đại diện nhiều công ty, cửa hàng ô tô cho biết do nhu cầu phát triển, mở rộng thị trường nên hàng năm đều chủ động đặt hàng các trường đào tạo. Ngoài đặt hàng, các đơn vị còn đăng ký tuyển dụng sinh viên trong ngày lễ tốt nghiệp. So với nhiều năm trước, nhân lực ngành công nghệ ô tô hiện không còn khan hiếm, tuy nhiên thiếu nguồn cung là do nhu cầu tăng, đặc biệt là các vị trí quản lý, điều hành. Đề cập đến mức lương, bộ phận tuyển dụng của các công ty này khẳng định, với một thợ giỏi nghề ở vị trí sửa chữa, bảo dưỡng, mức lương không dưới 15 triệu đồng/tháng. Riêng các vị trí điều hành, trưởng phòng tư vấn… có thể nhận mức lương trên 25 triệu đồng/tháng.
Nhiều năm tham gia tư vấn tuyển sinh, ông Nguyễn Văn Thanh (bộ phận tuyển sinh của Trường CĐ Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ) cho rằng các em học sinh mặc dù rất thích học ngành công nghệ ô tô nhưng vẫn còn băn khoăn về cơ hội việc làm. “Điều này thiệt thòi cho các em nếu không được tư vấn kỹ về vị trí việc làm cụ thể, đúng chuyên môn sau khi tốt nghiệp. Cũng như các ngành nghề khác, bên cạnh tư vấn chung của đại diện ngành, khoa… thì thông tin được cung cấp từ các chuyên gia, người đang trực tiếp làm việc trong ngành là cực kỳ quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh”, ông Thanh nói. Trước những băn khoăn của người học về cơ hội việc làm ngành công nghệ ô tô, kỹ sư Ngô Văn Hải (quản lý Trung tâm Sửa chữa và chăm sóc xe Trường Thành) chia sẻ: Sinh viên tốt nghiệp ngành này được cấp bằng kỹ sư thực hành, được tuyển dụng vào các vị trí như kỹ sư ô tô (bảo dưỡng, sửa chữa…); kỹ sư thiết kế, kỹ sư vận hành hệ thống (điều phối, vận hành hệ thống sản xuất…); kỹ sư tư vấn (tư vấn thiết kế); kỹ sư sản phẩm (kiểm tra sản phẩm, các linh kiện…)… Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ ô tô còn có thể làm kiểm định viên, đăng kiểm viên tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hoặc tham gia giảng dạy tại các trường, trung tâm đào tạo… Theo ông Hải, tùy vào vị trí công việc cũng như năng lực cá nhân mà có mức lương khác nhau. Theo đó, với sinh viên mới ra trường còn trong thời gian học việc thì mức lương dao động từ 6-8 triệu đồng/tháng; sau 2-3 năm làm việc, có tay nghề (thợ cứng) có thể hưởng mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng. Riêng những người có kinh nghiệm làm việc 5 năm trở lên, mức lương có thể lên đến 30 triệu đồng/tháng.
Ông Lê Bảy (đại diện một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tư nhân tại Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết hiện nay các trung tâm đều rất khó khăn trong việc tìm đăng kiểm viên. Theo quy định, đăng kiểm viên phải có chứng chỉ, mà muốn có chứng chỉ này phải trải qua một thời gian làm việc đúng chuyên môn đã học, sau đó đăng ký thi, đạt yêu cầu mới được cấp. Tuy nhiên, khi một kỹ sư ra trường làm việc với mức lương cao thì không mấy ai mặn mà với vị trí đăng kiểm viên.
Hiện nay đầu vào ngành công nghệ ô tô ở một số trường ĐH-CĐ có điểm xét tuyển khá cao. Thực tế cho thấy, thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT hay điểm học bạ các môn xét tuyển cao chưa chắc có cơ hội học ngành này. Đơn cử như tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, điểm chuẩn vào ngành công nghệ ô tô luôn cao nhất trong các ngành nghề đào tạo của trường. Cụ thể, năm 2020, điểm chuẩn trúng tuyển ngành này theo kết quả học bạ THPT là 30 (toán nhân 2); năm 2019, điểm chuẩn trúng tuyển ngành công nghệ ô tô theo kết quả thi THPT là 25,25 (toán nhân 2). Tương tự, tại các trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM, CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM…, điểm đầu vào ngành công nghệ ô tô cũng khá cao.
Được biết, hiện nay ngành công nghệ ô tô đã được một số trường tuyển sinh và đào tạo theo chương trình chuyển giao của Đức. Đây là một trong 22 chương trình (22 nghề) đã được Viện Tiểu thủ công nghiệp và kỹ năng nghề Leipzig (Đức) công nhận. Sinh viên theo học chương trình này được doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng đào tạo và hiện mô hình đang được triển khai, nhân rộng ở các trường nghề. TS. Nguyễn Khánh Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2) cho biết với chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn Đức, sinh viên được học thực hành với máy móc, trang thiết bị hiện đại tại các doanh nghiệp. Đặc biệt, với yêu cầu đầu ra về ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp có cơ hội tham gia thị trường lao động nước ngoài.
Bài, ảnh: T.Tri
Bình luận (0)