Ngành khoa học máy tính điểm chuẩn năm 2010 không cao chỉ từ 13-21,5 điểm tùy vào uy tín của từng trường.
Các trường đào tạo ngành khoa học máy tính gồm: ĐH Hà Nội, ĐH Công nghệ (ĐH QGHN), Học viện Bưu chính Viễn thông, ĐH Điện lực, ĐH CNTT TPHCM, ĐH Quốc tế Sài Gòn,….
Trong đó, ngành Khoa học máy tính của ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia HN) được triển khai đào tạo theo chương trình tiên tiến thuộc đề án của ĐH QGHN phát triển 16 ngành và 23 chuyên ngành đào tạo đạt trình độ quốc tế (Đề án 16+23). Đào tạo theo chương trình đạt trình độ quốc tế; được đầu tư ưu tiên về cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, và đội ngũ cán bộ giảng dạy.
Cùng đào tạo về ngành khoa học máy tính nhưng mỗi trường đào tạo với mục đích khác nhau. Cử nhân ngành Khoa học máy tính của trường Đại học Kinh tế Quốc dân có kiến thức chuyên sâu về ngành Khoa học máy tính, thành thạo những kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông, có khả năng thích ứng tốt với môi trường công việc thay đổi, đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực có trình độ cao
Còn Trường ĐH Hà Nội, ngành Khoa học máy tính của trường được đào tạo ở một góc độ khác với ngành CNTT ở các trường khác. Khoa học máy tính của trường chú trọng đến khả năng ứng dụng thông tin, sử dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý kinh tế, xã hội… Ngoài kiến thức về tin học ứng dụng, sinh viên còn học nhiều về ngoại ngữ nữa.
Chương trình đào tạo cử nhân ngành Khoa học máy tính được thiết kế dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục-Đào tạo và các chương trình cử nhân khoa học máy tính của các đại học tiên tiến. Chương trình bao gồm các khối kiến thức về:
Kiến thức cơ sở về ngành khoa học máy tính.
Kiến thức về phương pháp và kỹ thuật lập trình.
Kiến thức về các hệ thống thông minh.
Kiến thức quản trị và phát triển các ứng dụng Công nghệ thông tin.
Về kỹ năng: Có kỹ năng làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm; có khả năng nghiên cứu, lập luận, giao tiếp và xử lý tình huống, có kỹ năng tổng hợp, phân tích, đánh giá, ra quyết định..
Theo ĐH Kinh tế Quốc dân, sinh viên ngành khoa học máy tính phải có Tiếng Anh theo chuẩn TOEIC, tiếng Pháp theo chuẩn DELF và tiếng Trung theo chuẩn HSK; Có khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh chuyên ngành Công nghệ thông tin.
Cử nhân Khoa học máy tính có thể làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của môi trường nghề nghiệp.
Kỹ năng máy tính: Kiến thức đại cương về tin học và kỹ năng đánh giá máy tính; kỹ năng sử dụng các phần mềm văn phòng và các dịch vụ chính của Interrnet hỗ trợ cho việc giải quyết các vấn đề chuyên môn nghiệp vụ.
Kỹ năng nghề nghiệp:
Sinh viên có khả năng phân tích, thiết kế, xây dựng, vận hành, triển khai và bảo trì hệ thống thông tin, hệ thống mạng máy tính cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị chuyên và không chuyên trong lĩnh vực tin học với các công nghệ hiện đại có khả năng thích ứng được với sự thay đổi nhanh chóng trong thực tiễn.
Quản trị được các hệ cơ sở dữ liệu thông dụng. Thiết kế, xây dựng, triển khai, đánh giá và tối ưu hóa hệ cơ sở dữ liệu; Tư vấn các giải pháp, các vấn đề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin; tham khảo, nghiên cứu và phát triển các phần mềm mã nguồn mở cho từng ứng dụng cụ thể, đưa ra giải pháp tiếp cận công nghệ mới phù hợp với môi trường, lĩnh vực hoạt động.
Kiến thức chuyên môn
Kiến thức về các công nghệ lập trình cơ bản và hiện đại như: .NET, Java, mã nguồn mở,… Kiến thức để phân tích, thiết kế, xây dựng, triển khai các hệ thống thông tin, các hệ cơ sở dữ liệu, hệ thống đồ họa, hệ thống thông tin địa lý và các hệ thống thông minh. Phân tích và phát triển các hệ thống tin học bằng các phương pháp, công cụ, môi trường tiên tiến.
Kiến thức về quy trình phát triển phần mềm, quản lý các dự án công nghệ thông tin; có kiến thức chuyên ngành đáp ứng được nhu cầu của xã hội về lĩnh vực công nghệ thông tin và có thể giải quyết được những vấn đề liên quan ngoài lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông.
Cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp
Cử nhân ngành Khoa học máy tính có thể làm việc ở cơ quan, doanh nghiệp, các trường thuộc các ngành, các lĩnh vực khác nhau với tư cách là chuyên gia phân tích, thiết kế, tư vấn công nghệ thông tin, cán bộ kỹ thuật, quản trị dự án, giảng viên hoặc nghiên cứu viên.
Cán bộ phân tích, thiết kế hệ thống, phát triển phần mềm, gia công phần mềm, triển khai hệ thống…trong các công ty phần mềm.
Cán bộ tư vấn giải pháp, thiết kế, quản trị các hệ thống mạng, các hệ thống phần mềm cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Cán bộ kỹ thuật tại các đơn vị vận hành, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học… Giảng dạy công nghệ thông tin ở các bậc đào tạo phù hợp.
Sinh viên có thể làm việc cho các tổ chức chính phủ, phi chính phủ hoặc các công ty và tập đoàn kinh tế – công nghiệp Việt Nam và nước ngoài.
Điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính ĐH Kinh tế quốc dân 2010 : Khối A và D1 cùng 18 điểm
ĐH Hà Nội: Khối A; 15,5 điểm; khối D; 21,5 điểm
ĐH Công nghệ (ĐH QGHN): 21,5 điểm
ĐH CNTT TPHCM: 16,5 điểm
ĐH Quốc tế Sài Gòn: 13 điểm
|
Đỗ Hợp/ TPO
Bình luận (0)