Đây là băn khoăn của nhiều học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 vừa diễn ra tại Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú) và Trường THPT Hàn Thuyên (Q.Phú Nhuận).
Chuyên gia đang tư vấn cho học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (Q.Phú Nhuận)
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố.
Được đào tạo ngoại ngữ
Bên cạnh những ngành nghề rộng cửa việc làm trong nước, nhiều học sinh còn quan tâm đến các ngành nghề có cơ hội làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, đại diện một số học sinh Trường THPT Tân Bình bày tỏ: “Chúng em rất yêu thích văn hóa Nhật Bản và mong muốn được làm việc ở nước này. Cho chúng em hỏi, cơ hội việc làm của ngành ngôn ngữ Nhật như thế nào?”. ThS. Nguyễn Thị Hồng Yến (Trường ĐH Văn Hiến) cho biết ngôn ngữ Nhật là một trong 31 ngành đào tạo và cũng là ngành thế mạnh của Trường ĐH Văn Hiến. Với ngành này, sinh viên được trang bị những kiến thức nền tảng, chuyên sâu về ngôn ngữ – văn hóa Nhật Bản như ngữ pháp tiếng Nhật, nhập môn văn hóa Nhật Bản, từ vựng tiếng Nhật, phiên dịch tiếng Nhật. Bên cạnh đó, sinh viên còn có cơ hội được rèn luyện những kỹ năng cần thiết, biết vận dụng các kiến thức về ngôn ngữ, thương mại, công nghệ vào công việc thực tế… “Tại Trường ĐH Văn Hiến, sinh viên không biết tiếng Nhật vẫn có thể học ngành ngôn ngữ Nhật, vì sau khi trúng tuyển, trường có lớp đào tạo ngôn ngữ Nhật từ đầu cho sinh viên, đến khi đạt trình độ các em mới được học chuyên ngành. Đến năm 3, năm 4, sinh viên được đi thực tập tại các công ty Nhật ở Việt Nam. Bên cạnh đó, trường còn có chương trình liên kết cho sinh viên qua Nhật thực tập và tìm kiếm cơ hội việc làm, vì vậy cơ hội sinh viên học ngành ngôn ngữ Nhật được làm việc ở Nhật Bản rất lớn”, ThS. Yến khẳng định.
Học sinh Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú) đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Tương tự, một số học sinh khác băn khoăn: “Chúng em muốn học ngành ngôn ngữ Trung nhưng không biết chương trình đào tạo ra sao?”. ThS. Lê Công Bắc (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) cho hay, thế mạnh của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) là đào tạo những ngành về xã hội nhân văn và ngôn ngữ. Trong đó, ngành ngôn ngữ Trung có 2 chương trình đào tạo, gồm: Chương trình chuẩn và chuẩn quốc tế. Đối với chương trình chuẩn, sinh viên sẽ học tại cơ sở TP.Thủ Đức với học phí 24 triệu đồng/năm. Còn chương trình chuẩn quốc tế học tại cơ sở Q.1 với học phí 60 triệu đồng/năm. Cũng như những ngành ngôn ngữ khác, ngành ngôn ngữ Trung đào tạo sinh viên kiến thức, ngôn ngữ, văn hóa… Trung Quốc. Ra trường các em có thể làm việc tại các công ty của Trung Quốc hoặc sang nước này làm việc. “Năm 2023, trường tuyển sinh theo các phương thức: Tuyển thẳng, dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM, dựa vào học bạ và ưu tiên xét tuyển”, ThS. Bắc thông tin.
Chương trình liên kết là gì?
Trong chương trình tư vấn tại Trường THPT Hàn Thuyên, một học sinh băn khoăn: “Em được biết có chương trình liên kết quốc tế. Tuy nhiên, hiện em chưa giỏi tiếng Anh thì học chương trình này được không?”. ThS. Nguyễn Thanh Tâm (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM) giải đáp, Trường ĐH Quốc tế có 2 chương trình đào tạo là chương trình trong nước và chương trình quốc tế với 100% kiến thức học bằng tiếng Anh. Đối với chương trình quốc tế, trường không yêu cầu xét tuyển đầu vào tiếng Anh nên sinh viên không giỏi tiếng Anh vẫn có thể đăng ký theo học. Khi trúng tuyển, trường tiến hành thực hiện bài kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh của sinh viên. Những em không đạt yêu cầu sẽ được học lớp tiếng Anh tăng cường do trường tổ chức. Riêng sinh viên đã giỏi tiếng Anh thì không cần phải làm bài kiểm tra, có thể học chương trình chính thức ngay. “Chương trình liên kết có chương trình học tập linh hoạt: 2+2; 3+1 hoặc 4+0, bằng cấp do trường đối tác cấp. Tấm bằng này có giá trị quốc tế và sinh viên được xem là người đã du học ở nước ngoài”, ThS. Tâm khẳng định.
Ngành công nghiệp thực phẩm có đón đầu xu thế? ThS. Đỗ Quang Vinh (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) thông tin, ngành công nghiệp thực phẩm gắn với thương hiệu của trường. Theo học ngành này, sinh viên được đào tạo các kiến thức nền tảng, chuyên sâu về hóa học, sinh học; vệ sinh an toàn thực phẩm; nguyên liệu chế biến và quy trình phân tích, đánh giá chất lượng thực phẩm; phương pháp chế biến thực phẩm… nhằm tối ưu dinh dưỡng, phục vụ nhu cầu ăn uống của cộng đồng. Trong quá trình học, sinh viên sẽ được học chuyên sâu về công nghệ chế biến thịt cá, công nghệ đông lạnh thủy sản, bảo quản và chế biến lương thực… Ngoài ra, công nghệ thực phẩm cũng là ngành đào tạo ra đội ngũ kỹ thuật viên, chuyên gia và các nhà nghiên cứu, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời là nguồn nhân lực cốt lõi trong các doanh nghiệp chế biến thực phẩm. “Sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm có thể làm việc ở các công ty liên quan đến chế biến lương thực, thực phẩm; phòng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, các sở/ban/ngành về nông nghiệp và phát triển nông thôn…”, ThS. Vinh cho biết.
|
Giải đáp cho một số học sinh hiểu về ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, ThS. Trương Thị Ngọc Bích (Giám đốc Trung tâm Thông tin và truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết ngành này liên quan đến việc quản lý một mạng lưới kết nối của các doanh nghiệp tham gia vào việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ đến tận tay người tiêu dùng. Ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng đòi hỏi nhiều quy trình khác nhau, bao gồm lưu trữ, vận chuyển nguyên vật liệu, quá trình xử lý hàng tồn kho, sản xuất… “Những năm gần đây, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng chiếm 30% thí sinh trên cả nước đăng ký xét tuyển vì phù hợp với xu thế kinh tế Việt Nam cũng như xu thế hội nhập thế giới. “Sinh viên học ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng có thể làm việc ở các cảng biển, hàng không, công ty xuất nhập khẩu… Mức thu nhập của sinh viên mới ra trường đối với ngành này từ 8-10 triệu đồng/tháng và sẽ tăng dần theo trình độ, kinh nghiệm làm việc”, ThS. Bích chia sẻ.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)