Đây là băn khoăn của nhiều học sinh Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 diễn ra mới đây tại trường.
Bà Phạm Ngọc Liên Thảo (Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường CĐ Du lịch Sài Gòn) đang tư vấn cho học sinh Trường THPT Bình Hưng Hòa
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố.
Cần nhiều lao động ngành dệt may, thực phẩm
Hiện nay, lĩnh vực may mặc không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người mà còn quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Theo thống kê, hiện ngành dệt may Việt Nam có khoảng 2,5 triệu lao động, dự kiến đến năm 2025, số lao động của ngành này sẽ tăng lên 5 triệu. Để các em học sinh hiểu hơn về tiềm năng của ngành dệt may, ThS. Nguyễn Trung Hiếu (Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, hiện nay nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp dệt may có xu hướng yêu cầu cao hơn về trình độ nghề, giảm số lao động chưa qua đào tạo. Chính nhu cầu cao về nhân lực đã tạo ra cơ hội việc làm phong phú cho các cử nhân ngành dệt may với mức lương hấp dẫn cùng chế độ ưu đãi tốt. Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, sinh viên học ngành dệt may sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực may và thời trang, khả năng thiết kế đồ họa trang phục. Bên cạnh đó, các em còn được trang bị kiến thức sử dụng các phần mềm chuyên ngành về thiết kế, thêu vi tính, quản lý sản xuất ngành may, những kỹ năng tổ chức và quản lý sản xuất may công nghiệp. Ra trường, sinh viên có thể làm việc ở các công ty, xí nghiệp, tập đoàn thời trang, may mặc… “Năm nay trường có nhiều chính sách học bổng dành cho sinh viên. Tùy vào năng lực học tập, các em sẽ được hưởng mức học bổng từ 25% đến 100% học phí”, ThS. Hiếu chia sẻ.
Trong chương trình, nhiều học sinh còn bày tỏ sự quan tâm với ngành công nghệ thực phẩm. ThS. Đỗ Quang Vinh (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) thông tin, công nghệ thực phẩm là ngành được xếp thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2025. Chính vì vậy, có thể khẳng định nhu cầu nhân lực cho ngành này trong tương lai là rất lớn. Khi học ngành công nghệ thực phẩm, người học được trang bị các kiến thức cơ bản về hóa sinh thực phẩm, vi sinh vật thực phẩm, các quá trình cơ bản trong ngành công nghệ thực phẩm cũng như công nghệ chế biến, sản xuất các sản phẩm thực phẩm như sữa, dầu, rượu, bia, nước giải khát. “Năm 2023, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tuyển sinh 4 phương thức: Dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM và tuyển thẳng. Trong quá trình học, sinh viên không chỉ được đi thực tập, đi thực tế tại doanh nghiệp mà còn được tham gia các ngày hội tư vấn việc làm, các buổi giao lưu, hội thảo liên quan đến ngành nghề”, ThS. Vinh cho hay.
Học kỹ thuật phần mềm làm việc ở đâu?
Đề cập đến ngành kỹ thuật phần mềm, ông Phan Văn Đạt (Trường ĐH FPT tại TP.HCM) cho biết, ngành kỹ thuật phần mềm là một nhánh của khoa học máy tính liên quan đến thiết kế, phát triển, thử nghiệm và bảo trì các ứng dụng phần mềm. Trong quá trình học, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức chuyên sâu về công nghiệp phần mềm như quy trình phát triển phần mềm, kỹ năng vận dụng các công cụ phần mềm vào việc hỗ trợ phát triển phần mềm khác. Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị những kiến thức cần thiết liên quan đến các bước liên quan trong dự án về phần mềm như thu thập yêu cầu, phân tích, thiết kế, lập trình, kiểm thử, vận hành và bảo trì phần mềm. Người học ngành kỹ thuật phần mềm ra trường sẽ trở thành kỹ sư áp dụng các nguyên tắc kỹ thuật và kiến thức về ngôn ngữ lập trình để xây dựng các giải pháp phần mềm cho người dùng. “Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc tại các công ty phát triển phần mềm, thiết kế website, gia công phần mềm, game; bộ phận vận hành và phát triển công nghệ thông tin của các cơ quan, nhà máy, trường học, ngân hàng… Không chỉ vậy, các em còn có thể làm cho các doanh nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin với vị trí chuyên viên phân tích, thiết kế, cài đặt, quản trị, bảo trì các phần mềm máy tính đáp ứng những nhu cầu khác nhau tại doanh nghiệp”, ông Đạt thông tin.
Một học sinh nữ đặt câu hỏi cho các chuyên gia trong chương trình
Giải đáp về ngành kỹ thuật chế biến món ăn, bà Phạm Ngọc Liên Thảo (Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường CĐ Du lịch Sài Gòn) cho biết, hiện nay nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng cũng như chế biến món ăn thiếu hụt trầm trọng. Chính vì vậy, khi học sinh lựa chọn những nhóm ngành này tầm 2-3 năm tới sẽ có nhiều cơ hội việc làm. Cụ thể, ngành kỹ thuật chế biến món ăn đào tạo người học cách nấu món ăn, kỹ thuật bài trí món ăn đẹp mắt… Tùy chuyên ngành, sinh viên sẽ được đi thực tập, thực tế tại các nhà hàng, khách sạn để trang bị kiến thức, kỹ năng. “Thế mạnh của trường là đào tạo sinh viên theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nên khi tốt nghiệp ra trường, các em đều được đảm bảo việc làm với mức thu nhập hấp dẫn. Đặc biệt, sinh viên còn tích lũy được vốn ngoại ngữ trong thời gian học ở trường. Đây là cơ hội để các em làm việc trong môi trường quốc tế”, bà Thảo cho hay.
Liên quan đến việc đi du học, bà Bùi Thị Ngọc Yến (Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Greenwich) cho hay, với các chương trình liên kết, những năm gần đây sinh viên không cần phải ra nước ngoài du học mà có thể học tại chỗ với chương trình 2+2, 3+1, 4+0… Nghĩa là sinh viên có thể vừa học tại Việt Nam vừa học ở nước ngoài hoặc học hoàn toàn tại Việt Nam nhưng vẫn nhận bằng do trường đối tác tại nước ngoài cấp. “Trường ĐH Greenwich xét tuyển bằng nhiều phương thức: Dựa vào điểm tốt nghiệp THPT, học bạ từ 6.0, kỳ thi đánh giá năng lực… Trường đào tạo 100% bằng tiếng Anh. Những sinh viên chưa giỏi tiếng Anh khi trúng tuyển vào trường sẽ được đào tạo”, bà Yến thông tin.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)