Đại diện ban tư vấn giải đáp các câu hỏi của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi
Đây là câu hỏi được nhiều học sinh lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4) quan tâm trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại trường chiều 3-9. Giải đáp băn khoăn này, ThS. Lê Dũng (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho hay, quản trị kinh doanh là ngành học đặc thù, cung cấp cho người học rất nhiều kiến thức tổng quát ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo học ngành này, người học có thể làm ở rất nhiều ngành nghề khác nhau. “Hiện tại nhiều trường ĐH (công lập, dân lập và quốc tế) có đào tạo ngành học này. Để chọn được môi trường học tập phù hợp, các em phải căn cứ vào sức học của mình, xem xét mình có thể vào được trường ĐH nào. Một yếu tố quan trọng nữa là các em còn phải xem xét vào điều kiện kinh tế tài chính của gia đình bởi mỗi môi trường đào tạo sẽ có những hướng đi riêng, mức học phí riêng…”, ông Dũng cho biết. Về băn khoăn nên học ngành quản trị kinh doanh hay học một ngành khác, chuyên gia tâm lý Đỗ Đức Sự cho hay, trước tiên người học cần phải biết đâu là sở thích, đam mê thực sự của mình. Theo ông Sự, học bất cứ ngành nghề nào cũng cần phải bắt đầu từ hiểu biết, niềm yêu thích, năng lực chứ không nên chọn ngành nghề theo xu hướng ngành hot, trường hot.
Học sư phạm tiểu học, có phải học về tâm lý lứa tuổi? Chia sẻ trước thắc mắc này, chuyên gia tâm lý Đỗ Đức Sự cho hay, không chỉ sư phạm tiểu học mà đã theo học khối ngành sư phạm là người học sẽ được học về tâm lý lứa tuổi, từ mầm non cho đến các bậc học khác. “Bây giờ, điều quan trọng không phải là băn khoăn về việc theo học sư phạm các em sẽ được học những gì mà là phải xác định xem mình có thích hợp để theo học ngành sư phạm hay không. Các em hãy kiểm tra tâm lý của mình trước, hãy đặt câu hỏi rằng mình có thích trẻ không, mình có mong muốn gắn bó với trẻ không, có đủ kiên nhẫn để lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của trẻ không”, ông Sự chia sẻ. TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) bổ sung thêm, bắt đầu từ năm 2017, Bộ GD-ĐT có yêu cầu về mức điểm sàn riêng cho khối ngành này. Đây là khối ngành mang tính đặc thù. Vì vậy, khi mong muốn theo học khối ngành này, các em cần phải quan tâm không chỉ mức điểm chuẩn của các trường có đào tạo ngành học này mà còn phải chú ý đến mức điểm sàn hàng năm của ngành mà Bộ GD-ĐT công bố. |
Tương tự, với câu hỏi: “Nữ có học được ngành công nghệ thông tin và kỹ thuật điện không?, ThS. Nguyễn Vũ Hoàng (Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, công nghệ thông tin và kỹ thuật điện là hai ngành rất có thế mạnh hiện nay. Trong đó, ngành công nghệ thông tin thường khi vào môi trường đào tạo, các trường mới phân ra những chuyên ngành nhỏ khác nhau. Còn ngành kỹ thuật điện sẽ giúp người học xây dựng các giải pháp về năng lượng, bảo trì, bảo dưỡng về điện. “Ở hai ngành, nhu cầu về nhân lực cả nam và nữ đều cần thiết. Riêng các em nữ, với đặc tính là mềm dẻo, kiên trì và cẩn trọng sẽ có những thế mạnh riêng khi theo ngành này. Tuy nhiên, để theo học cả hai ngành, các em nên xét xem mình có học giỏi về toán, lý, có tính kiên nhẫn và cẩn trọng hay không”, ông Hoàng đặt vấn đề.
Trao đổi với học sinh trong trường về ngành công nghệ truyền thông, ThS. Lê Dũng cho biết đây là ngành học đưa công nghệ vào trong truyền thông. Với ngành học này, người học sẽ được học về các công cụ tạo ra sản phẩm, ấn phẩm truyền thông, phần mềm quay phim, chụp ảnh, lên ý tưởng xây dựng kịch bản, truyền thông… để thu hút người xem quan tâm đến sản phẩm của mình. “Ngành này đòi hỏi người học phải có sự sáng tạo để tạo ra nét riêng, tính riêng biệt cho sản phẩm của mình. Đồng thời phải có sự tìm tòi, yêu thích tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, ẩm thực riêng biệt của từng quốc gia, từng vùng miền để các sản phẩm tạo ra có ảnh hưởng nhất đến xã hội”, ông Dũng cho biết.
Bài, ảnh: Q.Long
Bình luận (0)