Các em học sinh Trường THPT Tân An đang nghe chuyên gia tư vấn tuyển sinh trong chương trình “Tiếp bước trường thi” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức ngày 9-3. Ảnh: M.T |
Chọn ngành nghề theo năng lực, đam mê, hoặc chạy theo trào lưu đăng ký những ngành nghề “hot”… đang là sự lựa chọn không dễ của HS lớp 12. Thực tế, các ngành nghề lao động đều phải dựa trên nhu cầu của xã hội, chúng ta không thể tự xem ngành nghề này là “hot”, còn ngành nghề kia “tầm thường”.
Em học khá khối A, có nguyện vọng thi vào Trường ĐH Sài Gòn nhưng gia đình lại muốn em thi vào Trường Sĩ quan Lục quân 2. Hiện em chưa biết nên chọn trường nào, xin cho em lời khuyên?
Chí Hiếu (Trường THPT Tân An, tỉnh Long An)
– Thạc sĩ Trần Minh Đức (Trường ĐH Sài Gòn): Em nên cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định chính thức. Việc chọn ngành phải theo khả năng, sở thích và nhiều yếu tố khác nữa. Chuyện em tham khảo ý kiến người thân, gia đình là rất nên làm. Tuy nhiên, em hãy chọn ngành nào mà em thực sự muốn theo đuổi và nhắm sức mình có thể học được vì xét cho cùng, ngành nghề em chọn là cho chính bản thân em chứ không phải cho người khác.
Em muốn thi vào ngành xây dựng cầu đường của Trường CĐ Giao thông Vận tải 3, xin cho em biết học ngành này khi ra trường dễ có việc làm không?
Tuấn Anh (TP.HCM)
– Thạc sĩ Trần Thanh Thưởng (Trưởng Phòng đào tạo, Trường CĐ Giao thông Vận tải 3): Ngành xây dựng cầu đường hiện đang rất “hot”. Các năm qua, lượng thí sinh đăng ký thi ngành này luôn “áp đảo” các ngành khác tại Trường CĐ Giao thông Vận tải 3. Nhu cầu nhân lực của xã hội về ngành này thời gian qua cũng như các năm tới là rất đáng kể. Các em có thể hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn.
Em nên theo học ngành gì tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM để sau này có thể làm công việc thuộc lĩnh vực quan hệ công chúng?
Lê Anh Kiệt (Gò Vấp, TP.HCM)
– TS. Phạm Tấn Hạ (Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM): Hiện tại trường chưa có ngành học đào tạo chuyên về lĩnh vực quan hệ công chúng. Tuy nhiên, trong chương trình học của ngành báo chí và truyền thông, có tổ chức học xen kẽ một số môn liên quan đến lĩnh vực quan hệ công chúng. Sinh viên ra trường không chỉ làm báo mà còn có thể làm cả một số công việc thuộc lĩnh vực truyền thông như PR, quảng cáo… Trong tương lai, khi nào đủ lực, trường sẽ mở thêm ngành học này.
Em học ban tự nhiên, dự định thi ĐH khối A. Nhưng em lại thích ngành ngoại ngữ, em có thể thi vào ngành tiếng Nhật tại Trường ĐH KHXH &NV TP.HCM không?
– TS. Phạm Tấn Hạ: Ngành tiếng Nhật của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tuyển sinh khối D. Nếu chọn thi khối này, em có lợi thế ở môn toán vì đề thi môn toán khối D thường dễ hơn so với khối A. Tuy nhiên, em cũng nên cân nhắc kỹ vì khi chọn ngành nghề không chỉ dựa trên sở thích mà còn phải căn cứ vào sức học của mình nữa.
Em bị cận 2 độ, có chiều cao 1m60 thì có thể thi vào Trường ĐH Cảnh sát không?
Hoàng Quân (Q.11, TP.HCM)
– Theo quy định của Bộ Công an thì yêu cầu sơ tuyển của thí sinh về mắt phải đạt: thị lực không kính một mắt 10/10, tổng thị lực 2 mắt có thể từ 19 – 20/10. Ngoài ra, thí sinh phải không có sẹo giác mạc hoặc sẹo đơn thuần, không có biến chứng của bệnh mắt hột, không lác mắt, thị trường không bị hẹp, không được cận, viễn thị, không có rối loạn sắc giác… so với các yêu cầu vừa nêu, em không đáp ứng được điều kiện để đăng ký sơ tuyển dự thi vào khối các trường công an nói chung và trường ĐH Cảnh sát nói riêng.
M.T (ghi)
Bình luận (0)