Hội nhậpGiáo dục phát triển

Học nghề – bước kế tiếp cho tương lai

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 7-12, Báo Giáo dục TP.HCM đã tổ chức khai mạc chương trình tư vấn hướng nghiệp “Học nghề – bước kế tiếp cho tương lai” lần thứ 4 năm 2016 tại Trung tâm GDTX Q.7. Chương trình dự kiến tổ chức tại 15 trung tâm GDTX trên địa bàn thành phố.

Điểm nhấn của chương trình khai mạc là không chỉ hướng nghiệp cho học viên THPT mà còn có cả học viên THCS. Tại đây, nhiều học viên đã thẳng thắn đặt câu hỏi về việc sau THCS tiến thẳng vào học nghề thì có thành công hay không, người lao động trong thời kỳ hội nhập cần những tố chất gì?…

Mong muốn giản dị của học viên nghèo

Một học viên nữ đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Được biết, 1/3 trên tổng số học viên của Trung tâm GDTX Q.7 phải vừa đi học, vừa đi làm vì hoàn cảnh gia đình khá khó khăn. Nhiều người buộc phải nghỉ học sớm để kiếm kế mưu sinh, sau một thời gian dài mới đăng ký học tiếp nên dù đang học lớp 6, lớp 7 nhưng nhiều học viên đã 18-19 tuổi. Cao lớn vượt trội hơn những bạn cùng lớp, Nguyễn Bá Vương (19 tuổi, học sinh lớp 6A) bày tỏ: “Em thích ngành thiết kế thời trang nhưng nhu cầu việc làm hiện nay của ngành này như thế nào thì em không biết. Thời kỳ hội nhập, người lao động cần có những kỹ năng gì để thành công?…”.

Nhiều chuyên gia khẳng định cơ hội nghề nghiệp trong thời kỳ hội nhập luôn rộng mở, vì vậy người lao động không lo thiếu việc làm nhưng việc làm đó như thế nào, có thành công, có hạnh phúc với nghề đã chọn hay không thì nhất thiết phải có tay nghề.

Sáng đến trung tâm học tập, chiều tối Vương đến một nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn Hàn Quốc ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7) làm nhân viên phục vụ. Bố mẹ chia tay, Vương ở với dì tại huyện Nhà Bè nhưng nhà dì cũng nghèo lắm nên em nghỉ học từ sớm và bươn chải vào đời. Vương nghĩ rằng: “Xã hội đang phát triển mạnh, nếu không có bằng tốt nghiệp THCS để có kiến thức văn hóa cơ bản rồi đi học nghề thì em chẳng bao giờ… ngóc đầu lên nổi. Vì vậy, em quyết định đi học lại dù ở tuổi em nhiều bạn đã là sinh viên rồi”.

Đa số học viên có hoàn cảnh khó khăn nên một số em đã quyết định học nghề sau khi học xong THCS. Tuy nhiên, vấn đề lo lắng của các em là nếu không có bằng CĐ, ĐH thì liệu cuộc sống có ổn định không?

Chia sẻ bên lề chương trình, Nguyễn Hồng Anh (học sinh lớp 9A2) cho hay: “Sau khi có bằng tốt nghiệp THCS, em sẽ chuyển qua trường nghề vì ở đó em vừa được học văn hóa, vừa được học nghề để rút ngắn thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Sau 3 năm em có thể đi làm để phụ giúp gia đình”.

Cơ hội rộng mở với người có tay nghề

Tại buổi tư vấn, nhiều chuyên gia khẳng định cơ hội nghề nghiệp trong thời kỳ hội nhập luôn rộng mở, vì vậy người lao động không lo thiếu việc làm nhưng việc làm đó như thế nào, có thành công, có hạnh phúc với nghề đã chọn hay không thì nhất thiết phải có tay nghề.

Học viên Trung tâm GDTX Q.7 tìm hiểu về ngành nghề bên lề chương trình

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, khẳng định: “Kinh tế đang phát triển, việc làm ở Việt Nam đang mở rộng khi chúng ta đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN lại vừa ký Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, so với các nước trong khối ASEAN thì nguồn nhân lực chúng ta chưa cao, chỉ đang bắt đầu cạnh tranh với Lào và Campuchia”.

Học viên tiến bộ khi chọn nghề

Ông Phú Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm GDTX Q.7, phấn khởi: “Chúng tôi rất tâm đắc với chương trình tư vấn hướng nghiệp “Học nghề – bước kế tiếp cho tương lai” dành cho học viên GDTX trên địa bàn thành phố do Báo Giáo dục TP.HCM thực hiện. Qua 3 năm tổ chức chương trình, học viên ở trung tâm chúng tôi đã có nhiều bước tiến bộ khi chọn nghề. Nhiều thế hệ học viên qua chương trình đã chọn cho mình một ngành nghề, một ngôi trường mới, bậc học mới phù hợp với năng lực, sở thích và hoàn cảnh gia đình. Từ đó, có điều kiện để tiếp tục học tập và phát triển”. 

Nói về cơ hội của ngành thiết kế thời trang cũng như những tố chất cần có của người lao động trong thời kỳ hội nhập, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Ngành thiết kế thời trang đang phát triển mạnh ở Việt Nam nên có nhu cầu lao động cao. Hơn nữa, Q.7 có Khu chế xuất Tân Thuận, trong đó có nhiều nhà máy, xí nghiệp tuyển nhân viên thiết kế thời trang. Ngành này đang được đào tạo ở nhiều bậc như TCCN, CĐ và ĐH. Thị trường lao động nói chung đang cần lao động chất lượng cao, do đó người lao động phải có 3 tố chất cơ bản là có tay nghề, có kỹ năng (giao tiếp, làm việc nhóm…) và có đạo đức, tác phong kỷ luật”.

Theo các chuyên gia, sau THCS, học viên có thể chọn cho mình nhiều hướng đi. “Sau THCS, các em có nhiều lựa chọn như học lên lớp 10, 11, 12 hoặc học TCCN. Nếu học TCCN, các em chỉ mất 3 năm là đã có bằng cấp để tham gia ngay vào thị trường lao động hoặc thi lên ĐH, CĐ. Ở các trường TCCN, các em vừa được học nghề, vừa được học văn hóa nhưng chương trình văn hóa sẽ được giảm đến mức tối thiểu”, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, chia sẻ.

Bài, ảnh: Dương Bình

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)