Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học nghề – con đường thành danh không xa

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tìm hiểu thông tin về học nghề do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức năm 2009

Trước kia, nhiều người lấy thước đo cho sự thành công là phải tốt nghiệp đại học, điều đó đúng nhưng chưa đủ vì một thực tế là không ít người học nghề vẫn tiếp tục học cao hơn nữa để lấy bằng kỹ sư, tiến sĩ…, hoặc thông qua các nghề đã học họ trở thành những doanh nhân giàu có. Nghịch lý thay khi cửa vào đời bằng con đường học nghề rộng thênh thang nhưng các em học sinh lại thiếu thông tin để rồi ngần ngại không chịu bước chân vào.
Học nghề: Một hướng vào đời
Năm 2000, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Trần Văn Thành, Giám đốc Công ty Tin học Thành Danh đã chọn cho mình con đường học nghề với tâm niệm “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nghĩ là làm, anh Thành bắt đầu đăng ký vào học nghề với một niềm đam mê cháy bỏng. Với học lực “không đến nỗi nào” nhưng lại chọn trường nghề, anh Thành bị cho là “khùng” vì đi ngược với thời đại.
Sau những giờ học trên lớp, niềm đam mê với máy tính trong anh ngày càng rõ rệt. Trong suốt hai năm, anh Thành không ngừng phấn đấu học hỏi, nghiên cứu. Năm 2002, anh tốt nghiệp bằng kỹ thuật viên. Nhờ có kết quả học tập, kỹ năng thực hành tốt, anh được nhận vào làm cho một công ty máy tính với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Khi đã có thể kiếm sống và phụ giúp gia đình bằng đồng lương của nghề, năm 2005, anh Thành quyết định mở công ty riêng. Với kiến thức về nghề mình đã chọn, lại biết nắm bắt thị trường, anh nhanh chóng đưa công ty từ chỗ 200 triệu đồng tiền vốn đến nay công ty có vốn điều lệ gần 10 tỷ đồng. Anh Thành chia sẻ: “Nhiều bạn học cùng khóa trung cấp với tôi nay đã mở được công ty; trong khi đó không ít bạn học đại học lại xin vào công ty của chúng tôi nhưng làm việc chưa thật sự chất lượng”.
Đây chỉ là một trong vô số giám đốc trẻ thành danh từ trường nghề mà chúng tôi tiếp xúc được.
Và ngày hội Tư vấn học nghề…
Để hướng các em vào học nghề phù hợp với năng lực, sở thích cũng như phân luồng học sinh sau phổ thông, Báo Giáo Dục TP.HCM, Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, QuỹThời Báo Kinh Tế Sài Gòn  tổ chức ngày hội “Tư vấn học nghề – việc làm 2010”.
Ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi, cho biết: “Đây là chương trình thiết thực nhằm tư vấn học nghề, phân luồng đào tạo giúp học sinh chọn trường, chọn ngành, nghề vào các trường TC, TCCN, CĐ năm học 2010 và giới thiệu việc làm cho người lao động, sinh viên sau khi ra trường. Qua đó giúp cho học sinh, phụ huynh không lãng phí công sức, thời gian với suy nghĩ bằng mọi giá phải thi vào ĐH, trong khi năng lực thực tế của mình có giới hạn”.
Ngày hội hứa hẹn mang đến nhiều thông tin bổ ích với sự tham vấn của 40 đơn vị trường học có đào tạo nghề, và hơn 20 đơn vị tham gia tuyển dụng lao động. Học sinh THPT sẽ được tư vấn chọn trường, chọn ngành, nghề ở các trường TCCN, TCN, CĐ; còn các bạn sinh viên mới ra trường, người lao động sẽ được giao lưu và phỏng vấn tuyển dụng lao động trực tiếp bởi doanh nghiệp… Ngoài ra, ngày hội còn có các buổi tọa đàm, diễn đàn kỹ năng làm việc nhằm đưa đến cho học sinh, sinh viên cái nhìn toàn cảnh về nghề nghiệp của mình trong tương lai
Bài, ảnh: Trần Văn

Đơn vị tài trợ: Công ty Võng xếp DUY LỢI

Thành lập tháng 1-2000, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm gia dụng độc đáo do doanh nghiệp tự thiết kế. Sau 9 năm hoạt động, DUY LỢI đã 8 lần liên tiếp đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” do người tiêu dùng bình chọn và đã được cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000. Năm 2005-2006, DUY LỢI lọt vào top 100 thương hiệu mạnh; năm 2006, lọt vào top 500 thương hiệu nổi tiếng; năm 2008, lọt vào top 50 thương hiệu nổi tiếng.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)