Với việc hình thành các câu lạc bộ chuyên ngành, Hội Làm vườn (HLV) các cấp đã góp phần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình sản xuất bền vững. Từ những lớp học, những buổi trao đổi kinh nghiệm, nhiều hội viên và nông dân đã áp dụng vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
![]() |
Câu lạc bộ HLV ấp Tân Phong, xã Tân Hải (Phú Tân – Cà Mau) được thành lập cách đây hơn 3 năm, với 9 hội viên. Với việc xây dựng các mô hình trồng cây ăn trái, hoa màu, chăn nuôi, đến nay, các hội viên đều có cuộc sống ổn định.
Từ những buổi sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm của CLB, ông Bông Thành Văn đã tích cực áp dụng vào thực tế sản xuất. Với hơn 2ha đất, ông dành 1ha trồng hơn 60 gốc mít, thanh long, bưởi; diện tích còn lại đào ao nuôi cá lóc và xây chuồng nuôi heo. Trong quá trình sản xuất, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, ông lại trình bày trong các buổi sinh hoạt của CLB. Tại đây, ông được giải đáp các thắc mắc, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để kịp thời áp dụng vào mô hình của gia đình. Nhờ đó, mỗi năm ông có thu trên 200 triệu đồng. Ông Văn bày tỏ: "Tôi thấy cách trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiến bộ kỹ thuật của HLV rất hiệu quả. Tại các buổi sinh hoạt, chúng tôi được thoải mái nêu ý kiến, nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất. Các hội viên cùng bàn luận để tìm phương án tháo gỡ. Nhờ cách làm này, các hội viên trong CLB sản xuất ngày càng hiệu quả như hộ các ông Tô Văn Nghị, Phạm Văn Nhược, Huỳnh Thanh Bình, mỗi năm có thu nhập trên 100 triệu đồng".
Ông Bông Văn Nhuận, Chủ nhiệm CLB HLV ấp Tân Phong cho biết: "Thông qua CLB, chúng tôi được tiếp thu những kiến thức, kỹ thuật mới với cách truyền đạt dễ hiểu, dễ áp dụng. Không những thế, các thành viên còn giúp nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo tinh thần đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm. Chính vì vậy, CLB HLV đã trở thành mô hình hoạt động hiệu quả, được các cấp chính quyền và ngành chức năng đánh giá cao".
Tổ hợp tác sản xuất thanh long ruột đỏ xã Gia Lộc (Trảng Bàng – Tây Ninh) thu hút 16 tổ viên, diện tích sản xuất 6ha. Cách làm của tổ hợp tác này đáng để nhiều nơi học tập vì sự quy mô và bài bản. Với hạt nhân là vườn thanh long ruột đỏ Gia Huỳnh (diện tích 1,1ha), các hội viên ở đây đang hướng đến xây dựng vườn thanh long an toàn, đáp ứng đủ yêu cầu xuất khẩu. Để làm được điều đó, các thành viên trong tổ hợp tác đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long từ các nhà vườn của tỉnh Long An; tham gia các lớp tập huấn khuyến nông do ngành chức năng tổ chức. Nhờ đó, bà con đã biết sử dụng bao trái để giảm số lần phun thuốc trừ sâu, giữ cho mẫu mã trái đẹp; các nhà vườn còn trang bị hệ thống tưới tự chảy để tiết kiệm nước; sử dụng đèn compact chống ẩm thay thế bóng đèn tròn để kích thích thanh long ra hoa và tiết kiệm được đến 80% sản lượng điện. Điều đáng nói là tổ hợp tác này mà tiêu biểu là vườn thanh long Gia Huỳnh đã nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nhờ việc sản xuất rượu thanh long từ cơm trái và vỏ trái. Trong thời gian tới, Gia Huỳnh sẽ đăng ký bản quyền, xây dựng thương hiệu và tổ chức liên kết, sản xuất kinh doanh rượu thanh long với quy mô lớn.
Với cách làm quy mô, chuyên nghiệp, năm 2007, trang trại Gia Huỳnh đã thu được 300kg thanh long ruột đỏ đầu tiên, bán trực tiếp cho các đại lý, cửa hàng, không bán qua thương lái; sản phẩm của tổ hợp tác đã tham gia 4 lần hội chợ và được giải ba trái cây ngon năm 2010 tại hội thi trái cây ngon Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh).
Điều bà con trong tổ hợp tác mong muốn là nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân; các doanh nghiệp và ngành chức năng hỗ trợ nghiên cứu chiết xuất tinh dầu thanh long và các sản phẩm từ tinh dầu.
Những mô hình tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật như thế có thể thấy rất nhiều ở các chi hội cơ sở của HLV. Với cách truyền đạt dễ hiểu, dễ tiếp thu, lớp học có khi là những trang trại, mảnh vườn nên bà con dễ dàng áp dụng vào thực tế. Với phương châm "điểm chỉ đạo diện" (xây dựng mô hình mẫu để tạo sức lan tỏa), các cấp HLV đã chứng tỏ được thế mạnh của mình trong công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
Theo Khánh Nguyên
(KTNT)
Bình luận (0)