Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học nghề: Đường vào đời rộng thênh thang

Tạp Chí Giáo Dục

Các học viên Trường Nghiệp vụ Thủ Đức đang thực hành trên máy tínhTrước thực trạng thừa thầy thiếu thợ như hiện nay thì việc học nghề trở thành con đường ngắn và rộng thênh thang cho các bạn trẻ bước vào đời. Thực tế không ít những bạn trẻ khi tốt nghiệp một trường nghề ra làm việc đã được nhận mức lương vài nghìn đô-la từ các công ty trong và ngoài nước không phải là chuyện hiếm. Nhiều trường nghề mở rộng quy mô đào tạo, liên thông, liên kết để giúp học viên nâng cao tay nghề ngang tầm với quốc tế; cũng không ít trường nghề mở rộng thêm nhiều ngành nghề mới, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế của nước nhà đã mở ra ngưỡng cửa tương lai cho các bạn trẻ…

Tại sao nên chọn học nghề?

Ở nước ta tâm lý trọng bằng cấp, khoa bảng còn nặng nề nên hiện nay có khoảng 80% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT xem việc học CĐ-ĐH là lựa chọn đầu tiên, là thước đo cho sự thành công. Trong khi đó có đến 70% sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường làm việc trái với ngành nghề đào tạo. Nhiều sinh viên trong số đó rất khó khăn tìm việc, nếu có thì công việc bấp bênh, lương thấp. Ngược lại, khi học nghề các em không phải học theo kiểu “hàn lâm” mà các em được học thực tế, được dạy chuyên sâu về nghề, thực hành nhiều, có máy móc thiết bị cho các em thực tập. Hơn nữa học nghề hiện nay là đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, vì vậy các em được học các nghề phù hợp và có nhiều lựa chọn với năng lực và sở trường của mình. Học nghề học viên được các công ty đặt chỗ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi tốt nghiệp các em được bố trí việc làm, lương nhiều khi cao hơn cử nhân, kỹ sư. Nhiều em được các công ty đưa đi đào tạo tay nghề, hay bố trí làm việc ở nước ngoài có thu nhập 3 – 4 ngàn USD/tháng. Thầy Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM cho biết: “Hiện nay một số ngành nghề nhà trường đào tạo không đủ đáp ứng nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng. Nhiều đơn vị đặt hàng nhà trường đào tạo theo từng nghề cụ thể như: Nghề cắt gọt kim loại, điện công nghiệp… Rất nhiều học viên trong khi thực tập đã có lương, đặc biệt sau khi ra trường các em được bố trí việc làm có thu nhập từ 2 – 5 triệu đồng/tháng”.

Hiện nay, các trường nghề thường có hai hình thức đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn. Nghề dài hạn thời gian đào tạo từ 12 tháng trở lên, nghề này chủ yếu học tại các trường trung cấp hay CĐ và các cơ sở dạy nghề lớn. Học nghề dài hạn các trường thường đào tạo các ngành nghề như: cơ khí, xây dựng, điện – điện tử, công nghệ ô tô, quản trị mạng máy tính, kỹ thuật lắp ráp sửa chữa máy tính, kế toán hay hướng dẫn viên du lịch… Học nghề dài hạn các em có đủ tay nghề, trình độ làm việc tại các công ty trong nước hay xuất khẩu lao động. Đặc biệt các em có cơ hội học liên thông lấy bằng ĐH hay chuyên tu nâng cao tay nghề… Còn các nghề ngắn hạn các em có thể theo học những nghề như: sửa chữa máy điện thoại, máy lạnh, điện dân dụng, xe máy, công nghệ chế biến thực phẩm, sơn, hàn. Ngoài ra còn có các lớp chuyên đề như: lập trình và vận hành máy tiện-CNC, Autocad 2D-3D, PLC-khí nén, công nghệ may-thiết kế thời trang… Những lớp này thời gian học thường 3 – 6 tháng, sau khi học xong các em đã trang bị cho mình một nghề đảm bảo cuộc sống.

Các trường nghề rộng cửa

Cả nước hiện có 80 trường CĐ nghề, 200 trường trung cấp, và 675 trung tâm dạy nghề. Riêng ở TP. HCM đã có 6 trường CĐ nghề, 22 trường trung cấp nghề, cùng với 28 cơ sở GD-ĐT có dạy nghề. Các trường tại TP.HCM mỗi năm có thể đào tạo 7 – 8 ngàn học viên trình độ CĐ, 32 – 35 ngàn học viên trình độ trung cấp và 350.000 trình độ sơ cấp nghề. Mặt khác đối tượng vào học là các em tốt nghiệp THPT, THCS, thậm chí nhiều người có trình độ thấp hơn cũng theo học những lớp sơ cấp nghề. Như vậy, cánh cửa trường nghề mở rộng cho tất cả đối tượng theo học. Học sinh có năng lực có thể theo học liên thông lấy bằng ĐH. Hay chọn chương trình du học nghề tại các nước phát triển như : Anh, Úc, Thụy Sĩ, Nhật …

Thầy Trần Kim Tuyền, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề TP.HCM cho rằng: “Các em học sinh tốt nghiệp THPT nếu theo học nghề, thì khi 20 tuổi các em đã có một nghề với một công việc ổn định, còn các em chọn nghề sau khi tốt nghiệp THCS thì chỉ 17-18 tuổi. Đây là con đường ngắn nhưng cơ hội việc làm lại nhiều, tuy nhiên nhiều học sinh vẫn chưa ý thức được lợi ích việc học nghề”.

Văn Mạnh

Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề thì ở các nước phát triển 56% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chuyển qua học nghề, chỉ 44% học lên THPT, thậm chí có nhiều nước như Phần Lan, hay CH Czech… có đến 80% học sinh tốt nghiệp THCS được hướng vào học nghề. Hay tại Indonesia Bộ Giáo dục cũng đã phân luồng 50% học sinh tốt nghiệp THCS vào trường nghề, 50% học tiếp lên THPT.

Bình luận (0)