Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học nghề: Khởi điểm thấp, thành công cao

Tạp Chí Giáo Dục

Các thành viên Ban tư vấn trả lời câu hỏi của thí sinh và phụ huynh tại chương trình
Trong khi các thí sinh có điểm thi trên sàn đang “mải mê” tìm kiếm những tấm vé cuối cùng vào ĐH, CĐ thì hướng đi có lợi cho những thí sinh có điểm dưới sàn chính là vào các trường nghề, TCCN.
Do chương trình đào tạo đảm bảo tính thực hành cao nên theo đại diện các trường nghề, người học chỉ cần trang bị thêm kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ là có thể đáp ứng yêu cầu công việc khi tham gia thị trường lao động.
Miễn học phí phái yếu học ngành kỹ thuật
Tại chương trình tư vấn hướng nghiệp chủ đề “ĐH không phải con đường duy nhất” do Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Phước tổ chức ngày 14-9, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) nhấn mạnh, thanh niên vào đời cần có một ngành nghề, nhưng không nên quá đặt nặng vấn đề trình độ cao. Ngành nghề, cấp bậc nào cũng đều có thể thành công nếu người học am tường, đầu tư sâu và làm tốt. Đồng thời, ngành nghề nào người học cũng có thể đóng góp được công sức xây dựng xã hội. Vì vậy, theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, khi lối ĐH khép lại thì cánh cửa trường nghề và cả TCCN nên là hướng tiếp theo để thí sinh quan tâm.
ThS. Vương Hồng Quân (Trưởng phòng Tuyển sinh Trường CĐ Nghề Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM) cũng chỉ rõ, hầu hết các trường nghề và TCCN, học sinh bậc THCS lẫn THPT có thể tham gia học các khóa ngắn hạn, dài hạn vào rất nhiều ngành nghề. Đặc biệt tại Trường CĐ Nghề Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, những nữ sinh đăng ký học nhóm ngành kỹ thuật như cơ khí, điện tử… sẽ được miễn học phí, giới thiệu việc làm tại các địa chỉ cụ thể. Tuy nhiên, để có được vị trí việc làm như mong đợi, người học phải đáp ứng được kiến thức, tay nghề, kỹ năng mềm và ngoại ngữ.
Thực tế, không riêng bậc ĐH, vấn đề kỹ năng mềm và ngoại ngữ gần đây cũng đã được các trường nghề, TCCN hết sức chú ý. Bà Trần Thị Như Quỳnh (Trưởng bộ phận tuyển sinh Trường TC Nghề Việt Giao) cho rằng, doanh nghiệp xem trọng kỹ năng mềm đối với học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Tại trường, học sinh được học kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian… để khi ra trường không còn bỡ ngỡ. Bà Trần Thị Như Quỳnh cũng nhấn mạnh, thời nay không giỏi ngoại ngữ sẽ thiệt thòi lớn. Người học được trang bị vốn liếng ngoại ngữ phong phú sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội khi ra trường.
ThS. Nguyễn Huy (Giám đốc Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain Aptech) cũng cho biết, học viên thuộc ngành CNTT tại trường được hỗ trợ đào tạo tiếng Anh để nâng cao trình độ. Nội dung đào tạo luôn có những giáo trình tiếng Anh xen kẽ tiếng Việt để học viên làm quen, thích ứng.
Khởi điểm thấp, thành công cao
Ông Nguyễn Duy Thơ (Giám đốc Trung tâm Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng đa phương tiện MaacViet Arena) nêu thực tế có những học viên đến năm thứ 3 đã tham gia làm thêm và nhận được thù lao mỗi tháng 3 triệu đồng. Để được như vậy, theo ông Nguyễn Duy Thơ, bên cạnh việc nắm vững kiến thức thì kỹ năng mềm và ngoại ngữ là hai yếu tố hàng đầu. Ông đặt vấn đề, vừa học vừa làm rất cần thiết để người học ứng dụng được kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện tay nghề.
Đồng quan điểm, ThS. Trần Thị Thúy Hằng (Phó hiệu trưởng Trường TC Bách khoa Sài Gòn) nhìn nhận, người vừa học vừa làm khá vất vả trong việc bố trí thời gian, cân đối sức khỏe… để đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, việc này giúp người học, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn có thêm kinh phí trang trải cho học tập. Thực tế, đã có những học sinh năng động, làm thêm xông xáo nhưng vẫn không để kết quả học tập bị tuột dốc.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa cũng đề cao việc người học tự bươn chải học chăm làm tốt, tuy nhiên lịch học và làm cần được bố trí khoa học, hợp lý để hoàn thành “vẹn cả đôi đường”. Theo ông, thực tế có những em đang học đã kiếm được cơ hội việc làm hấp dẫn, đạt thu nhập cao. Trên thế giới cũng từng có nhiều trường hợp thành công mặc dù không theo trọn con đường học vấn. Dẫu vậy, cũng không nên xem nhẹ việc học tập để hoàn thiện kỹ năng, kiến thức và bằng cấp.
Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) khuyên: “Thí sinh không nên lấy phương châm “ĐH là con đường duy nhất” bởi còn có nhiều lối khác để vào đời. Có nhiều người thành công cao dù xuất phát từ bậc thấp như TC, hệ nghề… Thí sinh nên tin tưởng vào ngành nghề mình lựa chọn và nỗ lực theo đuổi đến cùng. Nếu lành nghề, có kỹ năng và trải nghiệm các em sẽ có được vị trí xứng đáng”.
Bài, ảnh: M.Tâm
Ông Nguyễn Duy Thơ (Giám đốc Trung tâm Đào tạo mỹ thuật ứng dụng đa phương tiện MaacViet Arena) đánh giá, mỹ thuật đa phương tiện là nhóm ngành nghề khá mới trên thế giới, du nhập vào nước ta nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực này chưa được đào tạo bài bản tại các trường ĐH trong nước, người học chủ yếu học tại các trung tâm. Trong khi đó, nhu cầu việc làm rất lớn. Các công ty chuyên về game gia công cho Nhật, Hàn, chuyên về phim hoạt hình… với nhu cầu nhân lực đáng kể đã góp phần tạo ra những cơn sóng “săn đầu người” tại Việt Nam.

 

Báo Giáo dục TP.HCM xin trân trọng cảm ơn Trung tâm Đào tạo Mỹ thuật Ứng dụng và Đa phương tiện MaacViet Arena và Trương Trung cấp Tổng hợp Đông Nam Á đã đồng hành cùng chương trình.

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)