“Sau bậc THCS, học sinh có nhiều hướng đi để đậu vào đại học, không nhất thiết phải vào bằng được trường này trường kia mới có kết quả. Điều quan trọng phụ huynh phải nhìn thấy năng lực con em mình đang ở đâu để tư vấn chọn trường học phù hợp nhất”.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam tư đang hướng nghiệp cho học sinh
Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam tại Chương trình Tuyển sinh hướng nghiệp HS sau THCS năm học 2019, do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tại trường THCS Quang Trung (Q. Gò Vấp) vừa qua.
Dựa vào năng lực để chọn trường phù hợp
Hàng trăm học sinh và phụ huynh đến từ trường THCS Quang Trung, Thông Tây Hội tham gia chương trình. Nhiều em đã thể hiện băn khoăn trong việc đăng ký học tiếp lớp 10 THPT công lập hay học các hướng khác; làm sao để đậu lớp 10 THPT công lập…
Phạm Lê Đăng Khoa, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Quang Trung hỏi: “Lợi ích giữa học trung cấp và THPT khác nhau như thế nào?”. Trong khi đó, Hòang Hà, học sinh lớp 9/6 Trường THCS Thông Tây Hội chia sẻ bản thân đang chịu nhiều áp lực từ gia đình khi bắt buộc phải vào bằng được Trường THPT Nguyễn Công Trứ.
Các em học sinh lắng nghe chuyên gia hướng nghiệp sau THCS năm học 2019
“Em phải làm sao để có thể vào được trường Nguyễn Công Trứ vì ba mẹ rất kỳ vọng vào em”, Hoàng Hà đặt câu hỏi.
Trước câu hỏi của Đăng Khoa, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, giữa học trung cấp và THPT đang có sự bất cập. Với chương trình trung cấp nghề hiện nay, người học học song song cả văn hóa lẫn nghề. Sau 2 năm, người học có thể tốt nghiệp và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT, lúc này học sinh tiếp tục nộp hồ sơ vào các trường đại học như dân lập nếu muốn. Trong khi đó, với HS theo học lớp 10 THPT công lập – lúc này mới chỉ đang học lớp 11.
Bên cạnh đó, thi cử hiện nay từ tiểu học đến THPT đều đánh giá thông qua 3 môn toán, văn, ngoại ngữ, khiến chúng ta bỏ sót nhiều học sinh có bàn tay khéo léo, giỏi ở lĩnh vực nghề nghiệp khác.
“Giữa học trung cấp và THPT thì học giáo dục phổ thông có lợi hơn vì người học sẽ thuận lợi khi đi trên một con đường từ tiểu học, THCS, THPT lên tới đại học. Nhưng nếu học sinh xem việc học trung cấp là lợi ích thì đó sẽ là lợi ích. Đơn cử kết quả học tập THCS không cao, hoặc có tay nghề khéo léo thì đăng ký học trung cấp nghề là hoàn toàn phù hợp. Đây là con đường các em tiếp tục học tập, phát triển”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Với trường hợp học sinh Hoàng Hà đang phải chịu áp lực của gia đình khi phải vào bằng được trường THPT Nguyễn Công Trứ, ông Nghĩa nhìn nhận vấn đề này hoàn toàn dễ hiểu. Bởi đây là trường lớn của quận Gò Vấp, lớn về số học sinh và hàng năm có khoảng 90% học sinh trúng tuyển các trường đại học ở TP.HCM. Nhưng phụ huynh cần hiểu học sinh sau THCS có nhiều hướng đi để đậu vào đại học, không nhất thiết phải vào bằng được trường này trường kia mới có kết quả. Điều quan trọng phụ huynh phải nhìn thấy năng lực con em mình đang ở đâu để tư vấn chọn trường học phù hợp nhất.
Phụ huynh học sinh hai trường THCS Quang Trung và Thông Tây Hội lắng cùng tham gia chương trình hướng nghiệp
Góp ý thêm cho Hoàng Hà, Thạc sĩ Chế Dạ Thảo – Chuyên gia tư vấn tâm lý khuyên: “Các em nên chia sẻ với cha mẹ về năng lực học tập hiện tại để chọn trường phù hợp và không áp lực. Nếu gặp khó khăn thì nên nhờ người thân khác trong gia đình, hoặc giáo viên chủ nhiệm nói rõ với ba mẹ về khả năng của bản thân để có sự chia sẻ”.
“Né tránh chia sẻ sẽ khiến phụ huynh không hiểu và đặt sự kỳ vọng, bắt buộc học sinh phải gồng học tập, ôn luyện dẫn đến áp lực, mệt mỏi. Ngoài chia sẻ vơi bố mẹ thì học sinh cũng nên sắp xếp việc lựa chọn nguyện vọng một cách phù hợp, trong đó nguyện vọng 1 là lựa chọn các trường bản thân yêu thích, phù hợp năng lực; Nguyện vọng 2 ưu tiên cho bố mẹ đặt ra…”, bà Dạ Thảo khuyên thêm.
Có thể liên thông đại học sau trung cấp nghề
Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS, TP.HCM tiếp tục giảm dần tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập để đến năm 2020 còn khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập.
Năm học 2018-2019, TP.HCM có 105.000 học sinh đang học lớp 9 và tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2019-2020 của TP là 67.299 học sinh, như vậy sẽ có gần 38.000 em đang học lớp 9 không được vào lớp 10 công lập. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, những học sinh còn lại có thể lựa chọn các loại hình học tập khác phù hợp với năng lực như hệ thống trường ngoài công lập, trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX, trung cấp nghề… Theo đó, hệ thống các trường này đều đủ khả năng đáp ứng đủ chỗ học cho các em.
Tiến sĩ Nghĩa cho rằng, hiện nay học sinh có nhiều lợi thế khi tham gia học tập tại các hệ thống trường trường ngoài công lập, trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX, trung cấp nghề… Như hệ thống giáo dục nghề nghiệp, từ năm 2017 được chuyển cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý, công tác đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo được chú trọng phát triển. Nhiều trường đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, nâng cao tính thực hành để các em sau khi hoàn thành khóa học có được những kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin và tay nghề vững chắc. Thậm chí có thể liên thông lên cao đẳng, đại học với các chương trình liên thông hiện nay.
Nền tảng sức khỏe tốt quan trọng cho kỳ thi “Điều quan trọng để làm bài thi tốt đòi hỏi thí sinh phải có tâm lý vững vàng và sức khỏe tốt. Học sinh cố gắng siêng năng vận động, tập thể dục thể thao và có chế độ dinh dưỡng phù hợp với khẩu phần ăn đa dạng món. Tránh ăn quá no trong một bữa, phải uống đủ nước và ngủ đủ giấc. Áp dụng phương pháp học tập mang tính hệ thống; sử dụng hình thức học tập theo nhóm để dễ dàng khái quát được môn thi. Hạn chế các trò giải trí dễ gây căng thẳng như chơi game online, xem phim. Trước khi thi 2 ngày nên tham gia hoạt động cùng bàn bè, thư giãn tinh thần để làm bài thi tốt hơn…”, Thạc sĩ Chế Dạ Thảo – chuyên gia tư vấn tâm lý khuyên
Hoàng Hà, học sinh lớp 9/6 Trường THCS Thông Tây Hội chia sẻ bản thân đang chịu nhiều áp lực từ gia đình vì chọn trường
|
Hoặc đối với GDTX, chương trình giảng dạy giống với chương trình giáo dục phổ thông, sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể dự thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường ĐH.
Trực tiếp quản lý chương trình đào tạo nghề, Thạc sĩ Trần Công Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ Bách Khoa cho biết: “Học giáo dục nghề nghiệp, học sinh có khoảng 3 năm hoàn thành chương trình, sau đó được cáp bằng tốt nghiệp và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình lớp 12. Sau trung cấp các em sẽ được định hướng thêm 2 năm học liên thông đại học. Như vậy, với lộ trình mới chỉ cần 5 là học sinh đã năm hoàn thành chương trình đại học”.
Minh Phương
Bình luận (0)