Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học nghề, ngã rẽ cạnh trường ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm cung cấp thông tin giúp học sinh chưa có cơ hội học lên THPT hoặc vào ĐH có thể lựa chọn những ngành nghề kỹ thuật, dịch vụ phù hợp với khả năng và điều kiện của mình, đồng thời mở ra một hướng đi bằng con đường học nghề liên thông lên CĐ-ĐH, sáng ngày 7-8-2008, Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm: “Đào tạo và việc làm trong xu thế hội nhập thế giới”.

Trường nghề trong và ngoài nước luôn rộng cửa

Hiện nay không phải học sinh nào cũng có khả năng và trình độ để theo học tại các trường CĐ-ĐH, vì vậy không ít học sinh đã bỏ học giữa đường hay đã ra trường nhưng không làm việc được, gây nên một sự lãng phí rất lớn cho bản thân học sinh, gia đình và xã hội… Việc học nghề mở rộng với hàng chục ngàn chỉ tiêu cho tất cả các đối tượng từ THCS đến THPT… với nhiều ngành nghề để các em lựa chọn. T.S Lưu Đức Tiến, Phó trưởng phòng THCN Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Hiện nay thành phố có 31 trường THCN trực thuộc Sở GD-ĐT, mỗi năm có thể đào tạo khoảng 25.000 học sinh với nhiều ngành nghề khác nhau. Thời gian đào tạo 2 năm cho các em tốt nghiệp THPT. Đối với các em tốt nghiệp THCS năm học 2007-2008, các trường THCN dành hơn 3.000 chỉ tiêu với thời gian học 3-4 năm tùy ngành đào tạo. Bên cạnh đó còn có một số lượng lớn các trường CĐ-ĐH đóng trên địa bàn TP.HCM có thể tiếp nhận trên 30.000 chỉ tiêu đào tạo hệ THCN”. T.S Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường CĐ Nguyễn Tất Thành chia sẻ thêm: “Các em học nghề vừa được học văn hóa vừa trang bị cho mình một nghề nghiệp, các em có thể học lên CĐ-ĐH nếu các em có năng lực”. Học sinh không những học nghề tại các trường nghề trong nước mà còn có thể học nghề với bằng cấp quốc tế, như cơ sở đào tạo Úc Việt hoặc Trường Việt Mỹ tổ chức liên kết với các trường CĐ-ĐH quốc tế đào tạo nghề. “Các em thi rớt tú tài hay THCS, Trường Đào tạo Việt Mỹ cho các em nợ bằng tốt nghiệp, song song đó nhà trường phối hợp với các TTGDTX tổ chức các lớp học và thi tốt nghiệp. Khi ra trường các em vừa có bằng văn hóa vừa có bằng nghề được quyền liên thông lên các trường CĐ-ĐH trong nước và quốc tế”, T.S Nguyễn Thế Bảo, Hiệu trưởng Trường CĐ Việt Mỹ cho biết. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cũng đưa ra nhiều chương trình đào tạo phù hợp nhằm mục đích nâng cao chất lượng. Để các em ra trường có việc làm ổn định, nhiều trường tổ chức liên kết với các doanh nghiệp để đưa các em vào thực tập và sau khi tốt nghiệp các em có cơ hội làm việc tại xí nghiệp đó. “Nhằm nâng cao chất lượng và có chỗ học cho các em không có điều kiện học CĐ-ĐH, nhà trường chú trọng đào tạo gắn với việc làm bởi trường Nguyễn Tất Thành là trường của doanh nghiệp”, T.S Hùng khẳng định. Cơ sở đào tạo Úc Việt chọn hướng đi rất cụ thể: Đào tạo nghề phục vụ cho doanh nghiệp Úc tại Việt Nam và tại nước Úc. Ông Phạm Cao Hưng, Giám đốc Đào tạo Úc Việt cho biết, học viên tốt nghiệp ngành quản trị du lịch, bếp trưởng… Trường Úc Việt được bên Úc thừa nhận, cấp chứng chỉ và có khả năng lao động tại Úc.

Trong những năm gần đây, học sinh và phụ huynh chưa “mặn mà” lắm với việc học nghề, trên thực tế hàng năm thì chỉ có 25-30% học sinh trúng tuyển vào các trường CĐ-ĐH. Trong khi đó có một số lượng không nhỏ rớt nguyện vọng vào học tại các trường THPT (năm nay gần 13.000 học sinh), nhưng phần lớn số lượng học sinh này đều chê trường nghề. Một nghịch lý khác tồn tại nhiều năm nay là nhiều em theo học nghề nhưng sau đó đổi nghề, hoặc ra trường không làm việc được, các doanh nghiệp lại mất nhiều công sức để đào tạo lại. Vấn đề này, ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB-XH cho rằng: phải bắt đầu đồng bộ từ Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH và các trường. Khó khăn hiện nay là để đầu tư xây dựng một trường nghề có đủ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất là rất tốn kém (gấp khoảng 10 lần xây dựng một trường phổ thông), chưa thể một lúc đáp ứng được. Bên cạnh đó, các thông tin về các nghề nghiệp hay tư vấn cho các em chọn nghề thì… chưa tới được học sinh. Ông Hiệp đề nghị: Sở GD-ĐT phải định hướng lại việc dạy nghề cho các em ngay từ THCS và THPT để các em được học đi đôi với hành, xây dựng được ý thức nghề nghiệp cho các em ngay từ phổ thông.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo (giữa), Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh (bìa phải) tham quan Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng, một trong những trường đào tạo nghề của TP.HCM. Ảnh: T.T.Q

Lao động cho xuất khẩu… còn quá yếu

Hiện nay, đào tạo nghề đang đứng trước ngưỡng cửa của sự hội nhập quốc tế. Các nước phát triển cần một lực lượng lao động lớn có tay nghề cao để phục vụ sản xuất. Thế nhưng, nguồn lao động Việt Nam lại không đáp ứng được như trình độ tay nghề còn non kém, tác phong lao động chưa chuyên nghiệp, đặc biệt trình độ ngoại ngữ của học sinh Việt Nam quá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngay trong khu vực, như Malaysia, lượng lao động xuất khẩu sang các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc… rất lớn. Ở Việt Nam thì số lượng lao động sang các nước này còn rất hạn chế, thậm chí có nước chúng ta chưa đưa nguồn lao động Việt Nam tiếp cận được. Theo T.S Nguyễn Mạnh Hùng, năm qua Việt Nam chúng ta xuất khẩu được 76.000 lao động ra nước ngoài, nhưng chúng ta cũng đã nhập khẩu hơn 40.000 lao động có tay nghề cao. T.S Hùng thừa nhận: “Với cơ sở vật chất và con người hiện nay, trường chưa thể một lúc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được. Hiện nhà trường đang xây dựng một lớp chất lượng cao nhằm mục đích hội nhập quốc tế với số học sinh khoảng 300 em”. Cùng với quan điểm trên, T.S Bảo chia sẻ thêm: “Hiện nay Trường Việt Mỹ đang chú trọng vào đào tạo học sinh có tay nghề cao. Và một trong những chương trình đào tạo quy mô hiện nay tại trường là mô hình du học nghề 1+1, tức là năm đầu học Việt Nam và năm hai học tại Úc lấy bằng CĐ nâng cao. Ngoài tay nghề, trường Việt Mỹ còn chú trọng đào tạo cho học sinh thông thạo một ngoại ngữ, sử dụng tốt máy vi tính để đáp ứng đòi hỏi khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài”. Làm được điều này, các trường phải có chương trình đào tạo bài bản, có hoạch định để nâng cao chất lượng, trình độ ngoại ngữ và tin học. Để đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng tốt cho nhu cầu xã hội trong và ngoài nước trong thời gian tới, T.S Lưu Đức Tiến đưa ra các giải pháp như: Cần có cơ quan dự báo về nguồn nhân lực của quốc gia và thành phố, từ đó xác định số lượng nhân lực, ngành nghề…; phải tăng cường đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp, nhưng phải tập trung để xây dựng mô hình trọng điểm tiên tiến, trình độ ngang tầm khu vực và thế giới. Phải nghiên cứu chính sách phân luồng học sinh THCS và THPT vào giáo dục nghề nghiệp; cần chính sách liên kết giữa các trường và cơ sở sản xuất; tăng cường công tác hướng nghiệp đồng thời hợp nhất quản lý TCCN và dạy nghề tránh chồng chéo trong quản lý, và nhà nước cần có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh, tạo điều kiện các trường mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo…

V.M

Theo nghiên cứu của T.S Lưu Đức Tiến, Phó trưởng phòng GDCN Sở GD-ĐT TP.HCM thì tại các nước phát triển cơ cấu trình độ ĐH/CĐ/DN thường có tỷ lệ lần lượt là 1/4/10 (1 trình độ ĐH, 4 trình độ CĐ và 10 TCCN) hoặc 1/5/20, còn ở Việt Nam, năm 2000 tỷ lệ ĐH/TC/DN là 1/0,7/1,1 đến năm 2006 có sự thay đổi là 1/0,9/3,8. Tuy vậy, tỷ lệ giữa đào tạo ĐH-CĐ-TCCN vẫn còn chưa có sự khác biệt lớn.

Bình luận (0)