Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Học nghề sớm để tránh lãng phí

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng năm, cả nước có khoảng 400.000 học sinh học hết trung học phổ thông nhưng thi rớt tốt nghiệp hoặc đại học, cao đẳng mà chưa có nghề . Phần lớn số học sinh này chờ một năm sau để thi lại, một số rất ít chọn vào trường nghề.
Định hướng nghề sớm cho học sinh sẽ giúp xã hội có một lực lượng lao động đáng kể và hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: Hữu Việt (Sài Gòn Tiếp Thị)

Hướng nghiệp kém, bế tắc phân luồng

Chiến lược phát triển giáo dục 2001 – 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra mục tiêu đến năm 2010, hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề phải thu hút được 15% học sinh trong độ tuổi, đồng thời ngành giáo dục phải tổ chức phân luồng hiệu quả học sinh sau THCS và THPT.
Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào trường nghề và trung cấp chuyên nghiệp hiện còn rất thấp, khoảng 2,5 – 3% đối với trường nghề và từ 1,4 – 1,8% đối với hệ trung cấp chuyên nghiệp.
Với bậc THPT, năm học 2006 – 2007, cả nước có khoảng 129.000 học sinh tốt nghiệp nhưng không vào học tại bất cứ cơ sở đào tạo nghề nào. Con số này của năm học 2007 – 2008 là 156.000.
Đặc biệt, số học sinh bỏ học và rớt tốt nghiệp THPT trong hai năm này khá lớn, xấp xỉ 250.000 em. Cộng tất cả lại, con số này lên đến gần 400.000 học sinh.
Điều đáng chú ý, số học sinh tốt nghiệp THPT ở hai khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long không tiếp tục đi học bất cứ hệ nào là cao nhất nước, tương đương 30%.
Theo các chuyên gia, nếu những học sinh này được đào tạo nghề sớm, xã hội sẽ có một lực lượng lao động đáng kể và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, ngay cả khi có thể phổ cập THPT thì cũng không nhất thiết tất cả học sinh sau tốt nghiệp THCS phải học THPT mà có thể đi theo những “luồng” khác, vẫn đạt trình độ văn hoá trung học, đồng thời được đào tạo nghề phù hợp.
Việc một tỷ lệ lớn học sinh rớt tốt nghiệp trung học phổ thông cho thấy, nếu các em lựa chọn vào học nghề sớm và Nhà nước tạo điều kiện thì thành công của các em đó sẽ đến sớm hơn.
Ngoài quy mô và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo của các cơ sở dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp chưa đáp ứng… thì nguyên nhân khá quan trọng dẫn đến việc phân luồng học sinh kém hiệu quả là do giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường còn kém chất lượng và chưa được coi trọng.
Một khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam năm 2008 cho thấy, trên 70% học sinh tốt nghiệp THPT chưa hình thành được ý thức sẵn sàng lao động nghề nghiệp.
Tại thời điểm khảo sát, chỉ có 8,1% học sinh dự định thi vào trung cấp chuyên nghiệp hay học nghề, còn lại đến 85,2% muốn vào đại học, và 56% sẵn sàng chờ năm sau thi lại đại học nếu rớt.
Cơ cấu lại các trường chuyên nghiệp
Một tỷ lệ lớn học sinh rớt tốt nghiệp trung học phổ thông cho thấy nếu các em lựa chọn vào học nghề từ sớm và Nhà nước tạo điều kiện thì thành công của các em sẽ đến sớm hơnTiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh
Để làm tốt việc phân luồng học sinh, trước hết cần xoá bỏ tâm lý chuộng bằng cấp. Về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, trưởng khoa sư phạm kỹ thuật, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đề xuất, chỉ nên tập trung giáo dục nghề nghiệp sau trình độ THPT, cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng bổ sung luồng giáo dục nghề sau trung học, có thể gọi là cao đẳng chuyên nghiệp dành cho học sinh tốt nghiệp THPT có nhu cầu học nghề.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Trí, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng đề nghị nâng cấp, chuyển đổi hệ trung cấp chuyên nghiệp thành hệ cao đẳng hai năm để tuyển người có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương thực hiện các chương trình đào tạo theo hướng nghề nghiệp – ứng dụng, thuộc hệ thống giáo dục nhà nước, liên thông với đại học.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, hiệu trưởng trường trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM), một trong những nguyên nhân khiến hệ trung cấp chuyên nghiệp ít thu hút học sinh THCS là vì theo quy định, các em phải học nghề song song với bổ túc văn hoá THPT.
Đa số các em lại có học lực yếu, hổng nhiều kiến thức cơ bản. Việc học nghề kết hợp văn hoá dễ dẫn đến tâm lý chán nản và cuối cùng bỏ dở việc học.
Tại hội thảo về Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp TP.HCM cuối tháng 1 – 2010 vừa qua, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM cho rằng, muốn chuyển được nhận thức xã hội trước hết phải xây dựng hệ thống giáo dục chuyên nghiệp tốt: trường ra trường, nghề ra nghề, học ra học và tốt nghiệp phải có việc làm.
“Trước mắt, cần đầu tư vào những khâu then chốt, trường trọng điểm để làm hình mẫu cho hệ thống trung cấp chuyên nghiệp phát triển theo. Nếu chỉ dựa vào học phí thì không thể thay đổi được chất lượng”, ông Minh khẳng định.
Để giải quyết vấn đề này, thành phố đã đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2015 sẽ đầu tư xây dựng hai trường chuyên nghiệp tiên tiến, hiện đại để có thể tiếp cận được các tiêu chuẩn đào tạo trong khu vực và quốc tế.

Kế hoạch phân luồng của TP.HCM

Theo sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, mỗi năm TP.HCM có 67.000 học sinh tốt nghiệp THCS và 55.000 học sinh thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến, tỷ lệ phân luồng từ nay đến năm 2015 như sau:
Sau trung học cơ sở: có 70% học sinh vào học trường phổ thông và 30% (khoảng 20.000 học sinh/năm) vào giáo dục chuyên nghiệp.
Sau trung học phổ thông: có 40% vào cao đẳng, đại học và 60% (khoảng 33.000 HS/năm) vào giáo dục chuyên nghiệp.
Hiện hằng năm các trường chuyên nghiệp của thành phố mới chỉ thu hút 30.000 học sinh vào học, trong đó trên 50% là học sinh ở các tỉnh thành khác.
Theo Như Thuần
Sài Gòn Tiếp Thị

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)