Dạy nghề theo mô hình đào tạo kép hướng đến cung cấp nhân lực kỹ thuật chất lượng cao phục vụ thị trường lao động nước ngoài đang được các trường nhắm đến.
Sinh viên ngành logistics Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức thực hành tại doanh nghiệp
Đào tạo kép – lợi ích kép
Từ ngày 1-3-2020, Đức ưu tiên tuyển lao động đã tham gia mô hình đào tạo kép theo tiêu chuẩn của nước này từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và đại diện một số trường nghề cho rằng đây là cơ hội lớn để các trường nghề mở rộng quan hệ hợp tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực. Qua đó, người học có cơ hội thể hiện trình độ tay nghề ở môi trường làm việc nước ngoài. Ông Nguyễn Chí Trường (Vụ trưởng Vụ Kỹ năng, Tổng cục GDNN – Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định tay nghề của học sinh, sinh viên Việt Nam không thua kém các quốc gia trong khu vực ASEAN và thế giới. Điều này chứng minh chương trình đào tạo nghề của Việt Nam đã có nhiều thay đổi, cụ thể là bám sát yêu cầu của doanh nghiệp (DN), đào tạo cái mà DN cần chứ không phải đào tạo cái mà nhà trường có. Ông Trường khuyến khích các trường mạnh dạn triển khai mô hình đào tạo kép – kết hợp giữa học tại trường và học trong môi trường DN.
Đại diện các trường nghề và chuyên gia giáo dục nghề nghiệp thảo luận về xu hướng ngành nghề tại Việt Nam
Trước thực trạng tuyển sinh nghề khó khăn, nhiều trường đẩy mạnh hợp tác cùng DN với mô hình đào tạo kép – một trong những giải pháp thu hút người học. Theo định hướng phát triển của nhà trường, năm 2019, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM đã ký kết hợp tác đào tạo kép với nhiều DN. Theo đó, gắn kết với DN để xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo trực tiếp tại DN, cung ứng nhân lực chất lượng. Trong khi đó, các trường: CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Nghề TP.HCM, CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM, CĐ Kỹ nghệ II đã kết thúc khóa đào tạo thí điểm các nghề theo mô hình này và được phía Đức đánh giá cao chất lượng đầu ra và được DN đón nhận. Đại diện nhiều DN khẳng định, để rút ngắn khoảng cách đầu ra của nhà trường và đầu vào của DN, hạn chế đào tạo lại phải bắt đầu từ chương trình mà mô hình đào tạo kép hoàn toàn đáp ứng được.
TS. Lê Đình Kha (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) chia sẻ, mô hình đào tạo kép có nhiều cái lợi, người học có được hai bằng: bằng của Việt Nam và bằng theo tiêu chuẩn Đức. Thời lượng học chương trình này chủ yếu là thực hành, đặc biệt là được tiếp cận với chương trình đào tạo, kỹ năng đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của DN. Với vốn ngoại ngữ, trình độ tay nghề, các em tự tin gia nhập thị trường lao động khu vực và thế giới.
Tự tin gia nhập thị trường lao động nước ngoài
Bà Ngô Nguyễn Anh Thư (chuyên gia đào tạo, huấn luyện kỹ năng lao động xuất khẩu) cho rằng với người học được đào tạo theo mô hình đào tạo kép của Đức, trước khi xuất khẩu lao động sang các quốc gia không phải mất nhiều thời gian để đào tạo cũng như huấn luyện. Bởi theo bà Thư, trong thời gian học thực hành tại DN, người học đã lĩnh hội nhiều kiến thức bổ ích từ các chuyên gia. Hơn nữa, tốt nghiệp chương trình đào tạo kép, người học có trình độ ngoại ngữ tương đương chuẩn châu Âu. Đây là lợi thế bên cạnh tay nghề để khẳng định bản thân ở thị trường lao động nước ngoài. Ngoài ra, bà Thư cũng cho rằng Đức là một trong những quốc gia phát triển mạnh các ngành nghề kỹ thuật, trong khi lao động trong nước không đáp ứng đủ. Vì vậy, đào tạo theo chuẩn của nước ngoài là hướng mở cho các trường trước nguồn nhân lực kỹ thuật cao đang khan hiếm. Trong khi đó, ông Nguyễn Khánh Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2) lý giải, gần đây học sinh ở Đức có xu hướng chuyển sang học các ngành kinh tế, dịch vụ nên thiếu lao động kỹ thuật. Đó cũng là lý do mà Đức ưu tiên tuyển lao động Việt Nam đã qua đào tạo theo mô hình kép.
Cơ khí là một trong những ngành nghề thị trường lao động ở Đức đang hút nhân lực
Đến nay Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2 có 7 nghề đào tạo đạt chuẩn trình độ theo tiêu chuẩn Đức gồm điện tử công nghiệp, cơ điện tử, chế tạo thiết bị cơ khí, cơ khí xây dựng, lắp đặt thiết bị cơ khí, công nghệ hàn và cắt gọt kim loại CNC. Từ mô hình đào tạo kép, trường đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng tiêu chuẩn quốc tế cho Tập đoàn Bosch đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời trường đang hợp tác với Công ty Mercedes Benz Việt Nam để đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên cơ điện tử ô tô… |
Giữa tháng 5-2020, Trường CĐ Quốc tế TP.HCM đã ký kết với đối tác chương trình liên kết đào tạo và đưa sinh viên đi thực tập, làm việc có thời hạn tại Nhật Bản. Theo đó, sinh viên đủ điều kiện sẽ được tiếp nhận làm việc tại các DN, nhà máy, viện dưỡng lão… ở các ngành nghề tương quan ngành học của sinh viên. ThS. Nguyễn Đăng Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM) cho biết chương trình nhằm tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên làm quen với môi trường thực tập tại DN nước ngoài. Đồng thời mở ra cơ hội cho sinh viên có nhu cầu làm việc tại Nhật Bản sau tốt nghiệp. Với mục tiêu đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) đề nghị các trường đã áp dụng thành công mô hình đào tạo kép cần nhân rộng ra nhiều ngành nghề và chia sẻ kinh nghiệm cho các trường khác. Ngoài ra, các trường cũng nghiên cứu kỹ mô hình, từ đó có thể thiết kế khung từ chương trình đào tạo đến khâu thi cử cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động đào tạo tại trường đều được kiểm soát bởi hệ thống đảm bảo chất lượng theo quy định về đào tạo nghề của Đức. Sau mỗi khóa, cần nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm để có thay đổi phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, khi thực hiện mô hình đào tạo kép, các trường nên phối hợp với DN thiết kế lại chương trình học cũng như các điều kiện nhằm đảm bảo đầu ra đạt chuẩn. Tuy nhiên, các hoạt động đào tạo, đánh giá thi cử, thực hành, thực tập đều phải được phía Đức kiểm soát.
Trần Trọng Tri
Bình luận (0)