Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Học nghề, tỉ lệ có việc làm cao

Tạp Chí Giáo Dục

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Xuân Khánh – hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội – cho biết mỗi năm có hàng trăm thí sinh đã đậu ĐH hoặc đã học ĐH nhưng lại rẽ lối vào trường để học nghề.

Học nghề, tỉ lệ có việc làm cao
Các đầu bếp đang tham gia tranh tài tại một cuộc thi – Ảnh: Quang Vinh

“Hằng năm nhà trường luôn tuyển sinh thành công với trên 2.000 sinh viên. Trong đó có hơn 100 sinh viên là các em đã thi đỗ CĐ, ĐH, đã và đang học ĐH lựa chọn học nghề tại Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội. Lý do đơn giản là học nghề để có việc làm ngay, thu nhập cao, ổn định, chi phí thấp. Điều đó là minh chứng thuyết phục cho việc bằng cấp thật sự không còn quá quan trọng mà quan trọng là công việc sau khi ra trường” – ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, tỉ lệ sinh viên của trường có việc làm trước khi tốt nghiệp đạt trên 80%. Sau tốt nghiệp một năm, con số này lên trên 96% sinh viên có việc làm và có thể tự tạo việc làm, thu nhập cao, ổn định.

Tương tự, ông Trần Văn Hùng – hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist – cho biết lưu lượng tuyển sinh hằng năm của trường khoảng 6.000, bao gồm các khóa đào tạo ngắn và dài hạn.

Riêng bậc trung cấp chuyên nghiệp, chỉ tiêu hằng năm của trường 2.000 nhưng lượng hồ sơ đăng ký lên đến 4.000. Trong số này, số học viên là cử nhân, thạc sĩ đăng ký học chiếm 30-40%. Một số do chưa có việc làm muốn học bổ sung trong khi số khác lại muốn chuyển đổi công việc.

“95% học sinh của trường tốt nghiệp có việc làm ngay. Hiện nhiều doanh nghiệp đã đặt hàng nhà trường đào tạo, thực tập xong họ nhận vào làm việc luôn” – ông Hùng cho biết. Cũng theo ông, ngành du lịch có đặc thù là không phân biệt bằng cấp, quan trọng là kiến thức, kỹ năng, thái độ, tác phong nghề nghiệp cũng như khả năng ngoại ngữ.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Bình – hiệu trưởng Trường CĐ nghề TP.HCM – cho biết tỉ lệ sinh viên có việc làm của trường trên 90% đối với các ngành kỹ thuật, trong khi tỉ lệ của các ngành kinh tế thấp hơn.

“Đối tượng theo học chủ yếu là học sinh tốt nghiệp THCS và THPT. Những năm gần đây trường được đầu tư khá mạnh và công tác tuyển sinh cũng tương đối tốt, hầu như năm nào cũng tuyển đủ chỉ tiêu. Ngoài việc đổi mới chương trình, trang thiết bị giảng dạy, trường cũng ký kết và làm việc với các doanh nghiệp để nhận đặt hàng hỗ trợ sinh viên thực tập cũng như nhận vào làm việc khi tốt nghiệp” – ông Bình nói thêm.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Xuân – hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn – cho biết tỉ lệ sinh viên có việc làm của trường vào khoảng 80%. Mức lương sinh viên của trường từ 6-20 triệu đồng/tháng tùy vị trí, nếu làm quản lý mức lương còn cao hơn.

Ông Nguyễn Đắc Hiển – trưởng phòng đào tạo Trường trung cấp nghề Hùng Vương – cho biết 100% học sinh của trường tốt nghiệp có việc làm. Lương khởi điểm thường không dưới 5 triệu đồng.

Học nghề, lương khởi điểm 6 triệu đồng

Tốt nghiệp Trường CĐ nghề Lilama 2, hiện là tổ trưởng sản xuất Công ty Vina TAK, công ty Nhật chuyên về ống công nghệ tại 4B, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, Đồng Nai, anh Nguyễn Xuân Thìn cho biết: “Lâu nay các bậc phụ huynh đều thích mác ĐH chứ không mong muốn con em mình gắn với mác nghề vì không vinh dự. Nhưng công ty, doanh nghiệp thì không cần vậy, họ chỉ đòi hỏi mình có làm được hay không, mình có chứng tỏ được năng lực thực tế chứ không cần mác ĐH”.

Theo anh Thìn, lương công nhân nghề có thể thời gian đầu thấp, tầm 5-6 triệu đồng, nhưng nếu làm tốt, trau dồi tay nghề thì doanh nghiệp sẽ nâng lương. “Tôi làm ở công ty được hơn 3 năm và lương hiện tại của tôi là 10,5 triệu đồng so với đầu vào khoảng 6 triệu đồng” – anh Thìn nói.

“Doanh nghiệp cũng chỉ cần vài người quản lý tốt nghiệp ĐH, còn lực lượng họ cần nhiều là những người trực tiếp sản xuất có tay nghề. Trong quá trình làm, nếu thật sự có trình độ, năng lực nâng cao lên thì công ty cũng nâng lương tương xứng với năng lực đó” – anh Thìn chia sẻ thêm.

N.HẬU – A.LỘC

Nếu sinh viên thất nghiệp, trường trả lại toàn bộ học phí

Chính sách đặc biệt này đang được Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội áp dụng với sinh viên năm ngành trọng điểm trong đào tạo tại trường.

Theo đó, khi chọn học ngành công nghệ ôtô, cắt gọt kim loại, cơ điện tử, điện công nghiệp, hàn, sinh viên sẽ được hiệu trưởng nhà trường ký một bản cam kết sẽ giới thiệu, bố trí việc làm tại Hà Nội và các tỉnh lân cận với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng.

Ông Đồng Văn Ngọc – hiệu trưởng nhà trường – cho biết trường sẽ thực hiện cam kết này trong thời hạn không quá sáu tháng tính từ thời điểm sinh viên hoàn thành các thủ tục tốt nghiệp.

“Nếu không bố trí được việc làm cho sinh viên trong thời hạn sáu tháng đó, trường có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ học phí mà sinh viên đã nộp cho nhà trường” – ông Ngọc nhấn mạnh. Theo ông Ngọc, sinh viên học năm nghề này được ưu đãi đặc biệt vì đây là nhóm nghề có cơ hội việc làm rất cao từ nhu cầu của xã hội.

NGỌC HÀ – MINH GIẢNG (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)