Sự kiện giáo dụcTin tức

Học nghề – vẫn còn xa với thanh niên

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường TC Kỹ thuật & Nghiệp vụ Nam Sài Gòn thực hành khám bệnh cho người dân

Thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều thanh niên chưa tiếp cận được với chính sách, chưa tận dụng được điều kiện và cơ hội Nhà nước tạo cho họ trong việc học nghề… Thực trạng này được nhiều đơn vị cùng nhìn nhận tại hội thảo “Đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho thanh niên” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức mới đây.

Vốn vay cho học nghề “như… muối bỏ biển”
Nhận thấy nhu cầu học tin học của người dân nông thôn nhiều nhưng cơ sở dạy học lại chưa đáp ứng hết nên khi tốt nghiệp hệ CĐ ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, anh Phan Thanh Phong (Cơ sở dạy tin học ấp Trung Hòa, xã Trung Lập Hạ, Củ Chi) đã mở một cơ sở dạy tin học (dạy trình độ A và B) ngay tại nhà. Ban đầu, với chỉ ba chiếc máy tính cũ, phục vụ dạy cho vài nhóm học viên, anh Phong thu nhập được khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. 6 tháng sau, anh được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM) cho vay 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi dành đầu tư mở rộng diện tích, tăng cường cơ sở vật chất. Đến nay, với 12 máy vi tính, 1 máy chiếu… đặt trong phòng máy khang trang phục vụ giảng dạy 30 học viên, hàng tháng thu nhập của anh cũng tăng lên 5 đến 6 triệu đồng. Anh Phong đánh giá: “Nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ trung tâm đã hỗ trợ rất nhiều cho thanh niên nông thôn và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn thực hiện ước mơ khởi nghiệp”. Cũng theo anh Phong, vốn là một trong những nhu cầu cấp thiết đối với các cá nhân, tập thể làm kinh tế. Nhất là trong điều kiện khó khăn của các đối tượng làm kinh tế nhỏ lẻ khi phải “gồng mình” chịu lãi suất cao do phải huy động nguồn lực tài chính từ các tổ chức tín dụng bên ngoài. Chính vì vậy, việc tiếp cận được những “kênh” có thể giúp hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi là niềm mong mỏi của những người làm kinh tế như anh. Trên thực tế, không phải thanh niên nào cũng được tiếp cận với chính sách, cơ hội học nghề và việc làm Nhà nước dành cho họ trong quá trình khởi nghiệp.
Ban Thường vụ Thành đoàn TP.HCM cho biết, từ năm 2008 đến nay, hệ thống cơ sở Đoàn hoặc thông qua vai trò của hội liên hiệp thanh niên các cấp bộ Đoàn đã hỗ trợ cho thanh niên vay gần 300 tỷ đồng hằng năm (mức cao nhất từ trước tới nay trong hệ thống của Đoàn) để học nghề và tạo việc làm. Tổng kinh phí này từ 3 nguồn chính là: khai thác nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội; nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và nguồn vốn “Quỹ quốc gia giải quyết việc làm”. Thực tế, không ít cơ sở vẫn còn gặp khó trong việc phân bổ nguồn vốn vay. Cụ thể, với 16 tỷ 667 triệu đồng từ nguồn vốn “Quỹ quốc gia giải quyết việc làm” trên tổng số 17.000 hộ dân có nhu cầu vay thuộc huyện Cần Giờ thì trung bình mỗi hộ được vay tối đa khoảng 9 triệu đồng. Mức vay này “như muối bỏ biển” chưa “thấm tháp” vào đâu so với nhu cầu mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, các dự án cho vay giải quyết việc làm cho thanh niên thời gian qua chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp (chiếm trên 50%), lại có quy mô nhỏ nên chưa tạo được nhiều việc làm mới.
Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề

Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, một trong 5 nhóm kiến nghị sẽ trình Chính phủ thời gian tới trong đó có chú trọng việc cơ cấu, đầu tư cho dạy – học nghề, nhất là những ngành khoa học công nghệ cao. Đồng thời, quan tâm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, lực lượng giảng dạy nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp… góp phần xây dựng được đội ngũ lao động có tay nghề phục vụ nhu cầu xã hội.
Ở lĩnh vực dạy nghề thời gian qua, việc phối hợp thực hiện các mục tiêu, giải pháp dạy nghề cho thanh niên của các bộ, ngành trung ương và các cấp ngành địa phương chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thanh niên và thị trường lao động. Cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa đáp ứng được hoạt động giảng dạy. Công tác hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên đã được đẩy mạnh nhưng chưa đạt hiệu quả mong đợi. Một số địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo, tổ chức cho thanh niên tham gia phát triển kinh tế xã hội. Nhiều chủ trương, nghị quyết… chưa kịp thời triển khai đến cơ sở hoặc có triển khai nhưng còn nặng hình thức, chưa sát tình hình thực tiễn địa phương. Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động Thương binh – Xã hội TP.HCM Nguyễn Thành Hiệp nhìn nhận, số lượng tuyển sinh đào tạo nghề của thành phố qua các năm đều tăng, từ hơn 320.000 học viên tuyển được năm 2006 đến hơn 360.000 năm 2010 tuy nhiên tốc độ tăng chậm và chủ yếu nhằm vào hình thức đào tạo ngắn hạn. Từ nay đến năm 2015, sẽ tiếp tục mở rộng ngành nghề, tăng số lượng và hiệu quả đào tạo theo yêu cầu sử dụng lao động ở cả 3 cấp trình độ là cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Từ đó, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, trong đó tập trung nhiệm vụ đào tạo nghề trình độ cao trong những ngành công nghiệp mà thành phố ưu tiên phát triển như cơ khí, hóa chất, điện tử, công nghệ thông tin…
Bài, ảnh: Mê Tâm

Theo Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động Thương binh – Xã hội TP.HCM Nguyễn Thành Hiệp, hoạt động dạy nghề còn gặp bất cập trong đào tạo và sử dụng, thể hiện ở 3 phương diện: tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo ở các doanh nghiệp cao; nhiều ngành nghề cần lao động đã qua đào tạo lại không tuyển đủ nhân lực; chất lượng, hiệu quả đào tạo còn thấp.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)