Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học ngoại ngữ trong phòng thực hành ngôn ngữ

Tạp Chí Giáo Dục

Công nghệ điện tử – tin học, công nghệ truyền thông – thông tin tiên tiến với các ứng dụng như thực tế ảo, mô phỏng, trò chơi, hệ thống phần mềm giảng dạy tương tác thông minh đã khiến việc dạy và học trở nên hấp dẫn, hiệu quả hơn.
Bộ môn ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng cũng được hỗ trợ công cụ mới – phòng thực hành ngôn ngữ tương tác (Interactive Language Lab) với công nghệ truyền thông – thông tin hiện đại (Modern Information Communication Technology). Các lớp học Anh ngữ truyền thống (English Traditional Classroom) vốn nghèo nàn về công nghệ sẽ dần được thay thế bởi các phòng thực hành ngôn ngữ tương tác, đem cả thế giới vào lớp học. Theo đó, giáo viên và học sinh dễ dàng tiếp cận mọi nguồn tư liệu học tập.
Yếu tố sư phạm của việc học tập ngôn ngữ thông qua công nghệ
Công nghệ dạy và học ngôn ngữ phải đáp ứng được yêu cầu sư phạm chuyên biệt cho bộ môn. Về cơ bản chúng phải giúp học sinh tiếp thu nhuần nhuyễn những gì đã học. Nói cách khác, chúng phải giúp học sinh nắm bắt được ngữ pháp, cấu trúc từ vựng, nghe chuẩn và nói chuẩn.
Muốn vậy, công nghệ dạy và học ngôn ngữ phải xoáy vào các trọng tâm sau:
Liên tục lặp lại các bài tập một cách dễ dàng (như đọc một từ, đọc một câu).
Thay thế, chuyển đổi hình thức bài tập về thực hành mẫu câu, thực hành áp dụng ngữ pháp một cách dễ dàng.
Phải có khuynh hướng giao tiếp rộng mở, không đóng khung người học vào một không gian từng ca bin chật hẹp.
Có khả năng giao tiếp dễ dàng giữa những người học với nhau và giữa người học với giáo viên.
Dễ dàng tiếp cận bài học từ internet. Giáo viên có thể đưa lên màn ảnh chung của lớp tư liệu hình ảnh vật thật, hình ảnh tư liệu và câu chữ trong sách giáo khoa, để giáo viên và học sinh cùng tham gia tương tác.
Tùy theo trình độ của lớp, khi sử dụng phòng thực hành ngôn ngữ mà giáo viên áp dụng các chế độ học tập tương thích:
Chế độ hướng dẫn (Guided Mode) dành cho lớp đối tượng lớn tuổi, mới tiếp xúc với ngoại ngữ, cần phải hướng dẫn thực hành nghe – nói – đọc – viết theo mẫu câu và thực tập theo tình huống.
Chế độ tự do – dạo chơi (Free-to-Roam Mode) dành cho học sinh phổ thông học tập theo chủ đề. Giáo viên có thể tạo ra môi trường thân thiện sát với chủ đề trong sách giáo khoa để học sinh thực hành nghe – nói – đọc – viết một cách tự do với vốn từ đã tiếp thu.
Chế độ năng động (Dynamic Mode) dành cho đối tượng học sinh có kỹ năng nghe – nói – đọc – viết tương đối tốt. Giáo viên có thể đưa ra những chủ đề một cách linh động, theo những tình huống bất kỳ nhằm nâng cao hơn nữa kỹ năng sử dụng ngoại ngữ của học sinh. Chế độ này phù hợp học sinh giỏi trường chuyên, lớp chọn, đặc biệt là lớp chuyên ngữ nhằm tránh được sự nhàm chán nơi học sinh.
Công nghệ phòng thực hành ngôn ngữ tương tác hiện đại giúp giáo viên dễ dàng thực hành các chế độ học tập nói trên phù hợp cho từng đối tượng .
Vì sao phải sử dụng phòng thực hành ngôn ngữ tương tác?
Năm 2000, cơ quan quản lý giáo dục của 16 bang thuộc Cộng hòa Liên bang Đức đã tài trợ cho Tổ chức DESI (Deutsch Englisch Schyerleistungen International/ German English Student Assessment International) làm một cuộc nghiên cứu dạy và học tiếng Anh tại các bang của Đức. Từ đó đã rút ra một số kết luận về dạy và học tiếng Anh mà chúng ta cần phải quan tâm, đó là:
Muốn nói đúng, trước tiên phải nghe đúng; muốn nói lưu loát, tự nhiên phải thực hành nghe, nói nhiều.
Thời gian thực hành nghe nói trong một tiết học không trang bị Language Lab tỷ lệ nghịch với sĩ số học sinh.
Thời gian thực hành nghe nói của tiết học trong phòng Language Lab tăng lên gấp 11 lần và không phụ thuộc vào sĩ số học sinh.
Thực tế cho thấy sĩ số bình quân lớp học sinh ở Việt Nam từ 30 đến 40 em/lớp. Với bình quân 21 giây nghe nói, đồng nghĩa với có em được nói, có em không có được cơ hội nói. Những em không có cơ hội nói thường rơi vào những em yếu kém, do tâm lý giáo viên ngại chỉ định những em này nói vì sẽ làm tiết dạy không trôi chảy. Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng phòng thực hành ngôn ngữ tương tác thì sẽ khắc phục được tình trạng trên, mọi học sinh đều được nói. Bởi, phòng thực hành ngôn ngữ tương tác có các lợi ích sau:
Khuyến khích học sinh thực hành nói thông qua hoạt động thu âm lời nói, hội thoại theo cặp.
Tích cực hóa hoạt động của học sinh qua các trò chơi – học mà chơi, chơi mà học.
Giúp tăng kỹ năng truyền thông qua ngôn ngữ bằng các phương tiện nghe nhìn tương tác.
Giúp cho học sinh vượt qua tâm lý ngượng ngùng khi thực hành nghe nói.
Duy trì liên tục sự chú ý nghe nói của học sinh khi đeo tai nghe.
Hỗ trợ giáo viên phương tiện và nội dung giảng dạy làm phong phú bài giảng.
Đánh giá sự tiếp thu của học sinh một cách khách quan.
Tập trung nguồn kiến thức chung cho giáo viên qua việc tổ chức data base chung.
 Nguyễn Xuân Sáng
 (Tổng hợp từ: www.articlesbase.com và www.janison.com.au)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)