Một nhân viên của một hãng điện máy khi đến lắp đặt máy lạnh cho nhà tôi đã kể: “Hôm trước đến gắn máy nước nóng cho một nhà ở quận 2, tình cờ nghe chị chủ nhà rầy con mà em nhột ghê luôn. Thấy thằng con lười học, chị bảo: Con mà học ngu, còn làm biếng thì mai mốt đi làm như chú đó, cực lắm! Hóa ra chị ấy nói em làm nhân viên quèn vì em… học ngu!”. Anh nhân viên chỉ nói là “nhột” nhưng tôi nghĩ còn ngượng nữa, vì câu nói của chị chủ nhà dẫu vô tình nhưng cũng đã có ý chê khinh người làm công việc chân tay.
Rõ ràng trong mắt không ít phụ huynh, con cái phải học giỏi, phải vào ĐH, nếu không trở thành “ông nọ bà kia” thì cũng phải làm công việc văn phòng chứ không chấp nhận phải làm việc tay chân, nhọc nhằn, vất vả. Xét cho cùng, mong muốn đó cũng không có gì sai trái, bởi cha mẹ nào mà chẳng mong con mình đỗ đạt, thành danh, chứ ai lại mong con làm những việc phổ thông. Hẳn chúng ta đã từng nghe nhiều người nói với con mình, đại loại như: Con không lo học thì mai mốt đi móc bọc (lượm ve chai); con làm biếng học thì có nước đi quét rác… Dẫu là mong muốn nhưng điều đó cũng thể hiện một suy nghĩ về việc định hướng nghề nghiệp cho con cái.
Suy nghĩ đó có thể mắc những định kiến, thậm chí là sai lầm, đáng tiếc. Trước hết, việc xem thường lao động tay chân là một điều rất không nên. Trên thực tế, xã hội dù phát triển đến đâu vẫn có người lao động trí óc và lao động tay chân, chỉ khác là với tiến bộ khoa học, người làm công việc chân tay sẽ đỡ vất vả hơn, có nhiều công cụ, phương tiện hỗ trợ hơn. Người làm việc trong lĩnh vực nào cũng cao quý, đáng trân trọng, miễn mục đích của họ là đem lại những điều tốt đẹp cho bản thân và cho xã hội. Do đó, đề cao lao động trí óc có thể làm trẻ có nhận thức lệch lạc trong nhìn nhận về người, về việc.
Bên cạnh đó, không ít người lại chú trọng việc định hướng cho con học những ngành nghề có thu nhập cao và xem đó là mục tiêu duy nhất. Đành rằng chọn học ngành nghề nào thì mục tiêu quan trọng là dễ tìm việc làm, có thu nhập tốt nhưng không nên chỉ xem trọng điều đó. Việc quá đặt nặng vấn đề này có thể gieo cho con những ấn tượng lệch lạc về việc làm, thay vì làm việc còn để thể hiện bản thân, đóng góp cho xã hội, giúp đỡ người khác… chứ không đơn thuần là kiếm tiền hay kiếm nhiều tiền mà ít chú ý đến những vấn đề khác như ứng xử, đạo đức, luật pháp… Một điều không hay nữa là việc định hướng nghề nghiệp của cha mẹ nếu không khéo thì trở thành áp đặt, tức là con cái học thay cho cha mẹ thay vì cho bản thân mình. Khi cha mẹ không quan tâm đến nhu cầu, sở thích, khả năng và điều kiện cụ thể của con em mà định hướng quá chặt chẽ, cụ thể thì với những trẻ thiếu sự chủ động, độc lập, điều đó trở thành áp đặt. Do đó, thay vì gợi ý rộng để con chọn lựa theo nguyện vọng của mình, cha mẹ lại đề ra những phương án cụ thể thành ra bắt buộc con phải theo. Điều này dễ dẫn đến việc bỏ ngang sau khi bắt đầu học được ít lâu hoặc làm trái nghề sau khi ra trường.
Hiện nay có nhiều học sinh THPT không xác định được nguyện vọng, sở thích, thậm chí không có mơ ước, một phần cũng do cha mẹ không tạo điều kiện để con cái độc lập suy nghĩ. Rõ ràng rằng, vai trò hướng nghiệp cho học sinh không phải chỉ của nhà trường, của xã hội mà trước hết phải là của cha mẹ. Nên câu nói “Học ngu thì đi làm… như chú” ở trên có khi không phải là một “lỗi” trong ứng xử mà có thể là một sai lầm trong định hướng nghề nghiệp cho con cái. Đó là điều mà các bậc cha mẹ phải hết sức lưu ý.
Trúc Giang
Bình luận (0)