Dù luôn khẳng định dạy các môn nghệ thuật ở phổ thông nhằm mục đích trang bị những phương tiện góp phần hình thành nhân cách và phát triển trí tuệ cho học sinh, nhưng khi muốn cắt giảm thời lượng học tập thì môn này lại được nghĩ đến đầu tiên.
“Cưỡi ngựa xem hoa”
|
Một phụ huynh có con học lớp 7 một trường THCS danh tiếng ngay giữa thủ đô cho biết cứ mỗi đợt thi học kỳ lại thấy con ôm sách giáo khoa môn âm nhạc học thuộc lòng về tiểu sử của các bậc nhạc sĩ tiền bối. “Cháu đọc ra rả nhạc sĩ sinh năm nào, mất năm nào, sáng tác được bài hát gì… cho đến khi thuộc lòng thì thôi. Khi tôi ngắt lời cháu để hỏi thế con đã nghe bài hát nào của nhạc sĩ ấy chưa thì cháu ngơ ngác lắc đầu”, vị phụ huynh này cho biết.
Đây cũng là phản ánh của không ít học sinh (HS). Học âm nhạc chủ yếu được học hát chứ chẳng mấy khi được học những kiến thức cơ bản của môn nghệ thuật này. Đến khi kiểm tra thì theo sách giáo khoa, cách nhanh nhất là yêu cầu HS học thuộc về tiểu sử của các nhạc sĩ, HS nào thuộc thì được đánh giá là “đạt”.
Hiện nay, HS từ lớp 1 đến hết lớp 9 học âm nhạc, mỹ thuật nhưng việc HS tốt nghiệp phổ thông mà không đọc được nốt nhạc, không gọi được đúng tên màu sắc trong bảng màu là hiện tượng rất phổ biến.
Các chuyên gia đều cho rằng việc dạy nhạc và vẽ ở các trường phổ thông vẫn mang tính “cưỡi ngựa xem hoa”, nặng tính hàn lâm, thời lượng học chưa phù hợp, ít giáo dục thực tế, HS quá đông, dụng cụ học tập rất thiếu… Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Ủy viên thường vụ Hội Nhạc sĩ VN, từng đánh giá: “Học hát vẫn gần như là hình thức duy nhất trong giáo dục âm nhạc. Phương pháp dạy học cũ kỹ mang tính một chiều, ít đòi hỏi sáng tạo ở cả thầy lẫn trò, đã và đang làm hỏng nhiều thế hệ học trò”.
Với môn mỹ thuật, hoạt động giảng dạy chủ yếu là thực hành trên những khuôn giấy nhỏ, vẽ theo mẫu… hạn chế khả năng sáng tạo, quan sát của HS. Ông Nguyễn Quang Hải, Trưởng khoa Sư phạm mỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư, nhận định: “Điều này gây ra sự ức chế, HS học chỉ để đối phó. Thời lượng học quá ít khiến cho kiến thức chỉ kịp lướt qua đầu HS, sau đó thì biến mất ngay”.
Số phận long đong
Nhạc sĩ Hoàng Long, Hội Âm nhạc Hà Nội, cho rằng có lẽ không môn học nào ở trường phổ thông có số phận “long đong” như 2 môn âm nhạc và mỹ thuật. Từ chỗ không có môn học đến có, từ môn học chuyển thành hoạt động giáo dục… “Nghĩa là có muốn thay đổi gì, người ta hay nghĩ đến âm nhạc, mỹ thuật. Rồi cả đến chuyện quá tải trong dạy học người ta cũng tưởng là âm nhạc, mỹ thuật cũng có phần trách nhiệm, dù mỗi môn này chỉ có 1 tiết/tuần và không có phụ huynh nào bắt con phải đi học thêm về âm nhạc, mỹ thuật, trừ một số nhỏ phụ huynh ở các thành phố, thị xã đưa con đi học tư về nhạc cụ hay học mỹ thuật”, nhạc sĩ Hoàng Long ngao ngán nói.
Theo chương trình giáo dục tổng thể, âm nhạc, mỹ thuật được đưa vào tiểu học và THCS mỗi tuần/tiết như hiện tại, còn ở THPT sẽ là môn tự chọn cho HS có năng khiếu và yêu thích nghệ thuật 2 tiết/tuần.
Theo nhạc sĩ Hoàng Long, với mỗi tuần chỉ có 1 tiết và dạy cho mọi HS bất kể có năng khiếu hay không trong một lớp học vài chục em là thử thách đối với những người trực tiếp xây dựng nội dung chương trình và viết sách giáo khoa.
Trước thực tế này, nhạc sĩ Hoàng Lân, Hội Âm nhạc Hà Nội, đề nghị với bậc tiểu học cần chú ý cho HS tiếp cận với tiết tấu nhiều hơn qua các nhạc cụ gõ đơn giản. Đối với bậc THPT phải chú ý thưởng thức âm nhạc và phân tích, bình luận tác phẩm, bên cạnh việc hình thành các kỹ năng âm nhạc. Trong hoạt động ngoại khóa, cần chú trọng đến hát hợp xướng nhiều hơn nữa, vì đó là một hình thức biểu diễn, một sân chơi rất bổ ích đối với việc giáo dục HS.
Cử nhân nghệ thuật không dạy được nghệ thuật !
Nhạc sĩ Hoàng Long nêu thực trạng, với trên dưới 4 vạn giáo viên âm nhạc, mỹ thuật ở trường phổ thông nhưng ngay ở cấp Bộ cũng chỉ có chuyên viên chỉ đạo về âm nhạc, còn 5 – 7 năm nay không có chuyên viên mỹ thuật.
Bà Nguyễn Thị Lệ Huyền, Khoa Sư phạm âm nhạc Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư, bày tỏ lo ngại về việc sinh viên đầu vào chưa đảm bảo đạt yêu cầu của đào tạo giáo viên nghệ thuật. “Sinh viên hầu như không có sự định hướng chính xác về nghề nghiệp mà mình lựa chọn. Ví dụ, có sinh viên muốn thi ngành luật hay ngành nào đó nhưng lại thi vào Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật do ý muốn của bố mẹ hoặc bạn bè khuyên nhủ…, dẫn đến tình trạng sinh viên không có năng khiếu âm nhạc, hội họa vẫn phải học về các chuyên ngành này. Hậu quả là đào tạo ra những cử nhân sư phạm nghệ thuật không dạy được nghệ thuật, chưa nói có bao nhiêu tiêu cực, hệ lụy khác”, bà Huyền nhận định.
Theo bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng khoa Thiết kế thời trang, Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư, hiện tại nhiều trường phổ thông không tuyển dụng giáo viên giảng dạy mỹ thuật, âm nhạc do không có chỉ tiêu, mà sử dụng các giáo viên khác không đúng chuyên ngành giảng dạy. Ông Lê Anh Tuấn, Viện Khoa học giáo dục VN, cho biết việc giảng dạy nghệ thuật ở trường phổ thông sắp tới sẽ đổi mới theo hướng phát triển năng lực của HS. HS sẽ được học qua quá trình trải nghiệm, khám phá, thể hiện bản thân và ứng dụng kiến thức vào đời sống hằng ngày.
|
Tuệ Nguyễn (TNO)
Bình luận (0)