Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học nhiều điều hay từ một gameshow

Tạp Chí Giáo Dục

Với gameshow “Rung chuông vàng”, học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) không chỉ có những giây phút thư giãn thoải mái sau những giờ học căng thẳng mà còn học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng sống thiết thực.

Các thí sinh giơ bảng trả lời câu hỏi khi nghe hiệu lệnh

Chương trình tổ chức sáng 31-10 vào giờ sinh hoạt dưới cờ cho hơn 120 thí sinh được chọn từ 40 lớp thuộc 3 khối 10, 11 và 12. Mỗi thí sinh có 30 giây để điền câu trả lời và khi nghe hiệu lệnh từ người dẫn chương trình thì lập tức giơ bảng lên, nếu trả lời đúng thì được tiếp tục ngồi lại để thi đấu những câu sau. Thí sinh trả lời đúng câu hỏi cuối cùng sẽ là người giành chiến thắng, rung được chuông vàng.

Ném máy bay cứu thí sinh Huỳnh Thanh Thư (lớp 12A10)
Ngoài phần trả lời câu hỏi, các cổ động viên còn thực hiện phần thi cứu trợ để cứu những thí sinh không may bị loại khỏi cuộc chơi sau. Nếu như các giáo viên có thể cứu trợ thí sinh bằng cách ném bóng vào rổ, tâng quả cầu trên vợt thì điều khiến mọi người thích thú chính là màn ném máy bay của học sinh để cứu trợ cho bạn Huỳnh Thanh Thư (lớp 12A10) – thí sinh trả lời câu hỏi cuối cùng, đồng thời cũng là người rung được chuông vàng.

Với 20 câu hỏi thuộc những lĩnh vực: Địa lý, lịch sử, GDCD, âm nhạc, thể dục – giáo dục quốc phòng…, các thí sinh đã lĩnh hội nhiều điều bổ ích bởi đa số câu hỏi đều nằm ngoài chương trình học. Ở một số câu hỏi, ngoài việc được cung cấp đáp án, các em còn được chính giáo viên bộ môn trực tiếp giảng giải phần nội dung liên quan. Cụ thể như câu hỏi thuộc lĩnh vực địa lý với nội dung “Tên hòn đảo lớn nhất Việt Nam?”, các thí sinh không chỉ được cô Nguyễn Thị Mai (Tổ trưởng bộ môn địa lý) giới thiệu về diện tích, tiềm năng của đảo Phú Quốc mà còn được cô giải thích ý nghĩa của hệ thống các đảo trên vùng biển chủ quyền Việt Nam, để mỗi em tự nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước. Ở câu hỏi liên quan đến lĩnh vực hóa học – thể dục, cô Đặng Thị Hồng Thủy (Tổ trưởng bộ môn hóa) đã giải thích về nguyên lý sử dụng MgCO3, một loại muối cacbonat được các vận động viên bôi lên bàn tay và dụng cụ thi đấu trong các cuộc thi thể thao. Hay câu hỏi thuộc lĩnh vực vật lý, các em không những được biết về Thomas Edison – người phát minh ra bóng đèn điện mà còn được biết những thất bại trước đó của ông khi sáng chế ra thiết bị này kèm theo lời nhắn nhủ: đừng từ bỏ ước mơ hay dự định của mình nếu chỉ một lần thất bại.

Giáo viên cứu trợ thí sinh bằng cách ném bóng vào rổ

Ngoài 120 thí sinh thi đấu, các cổ động viên (học sinh, giáo viên) cũng được tham gia những câu hỏi vô cùng thú vị và mang giá trị giáo dục kỹ năng sống. Các câu hỏi đều được “gài bẫy” rất khéo, tưởng như phải suy nghĩ thật kỹ lưỡng mới có được câu trả lời, nhưng đáp án phát ra khiến không ít người phải ngỡ ngàng vì mức độ dễ… không tưởng. Ví dụ, câu hỏi buộc học sinh phải tưởng tượng tình huống mình đang ở trên một chiếc thuyền gặp nạn giữa biển mênh mông, buộc phải tìm ra giải pháp tốt nhất để cứu cuộc đời mình thì đáp án lại chính là “mở mắt ra và ngừng lại sự tưởng tượng”. Thông điệp đưa ra từ câu hỏi này cũng là lời nhắn nhủ khiến nhiều học sinh phải lưu tâm: hầu hết những nỗi sợ hãi mình có đều là do sự tưởng tượng, vì thế hãy bản lĩnh vượt qua nỗi sợ hãi vô hình đó. Hay như câu hỏi tìm hướng của đuôi con trâu khi đầu nó chỉ về hướng Đông cũng khiến không ít học sinh thích thú khi biết câu trả lời chính xác là đuôi con trâu chỉ… xuống đất, kèm theo lời nhắn nhủ: đừng suy nghĩ phức tạp mọi chuyện lên, có những sự việc có thể giải quyết theo hướng rất đơn giản.

Ngọc Anh

Bình luận (0)