Nội dung học về nói giảm nói tránh được thể hiện trong chương trình ngữ văn lớp 8. Trên thực tế, việc học và thực hành nói giảm nói tránh cần được quan tâm nhiều hơn ở các lớp học, không chỉ trong môn ngữ văn và tiếng Việt mà còn cả ở môn giáo dục công dân.
Giáo viên xây dựng thái độ ứng xử, giao tiếp phù hợp cho học sinh thông qua biện pháp nói giảm nói tránh (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Bởi xét cho cùng, học về nói giảm nói tránh không phải để hiểu về một biện pháp tu từ, để hoàn thành một bài văn mà chính là để vận dụng giao tiếp, ứng xử một cách phù hợp và tế nhị.
1. Nói giảm nói tránh là biện pháp tu từ dùng cách biểu đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá buồn đau, ghê sợ, nặng nề, tránh thô tục, thiếu văn hóa. Nói giảm là phương tiện tu từ làm nhẹ đi, yếu đi một đặc trưng nào đó được nói đến mà người nghe vẫn hiểu được nội dung nhưng không gây ra cảm giác nặng nề, tiêu cực. Còn nói tránh là sự biểu đạt bằng một hình tượng khác, một phương thức khác, hoặc đề cập một đối tượng khác, tức là không đề cập trực tiếp đến yếu tố muốn nói, để không gây một sự bất ngờ tiêu cực hoặc tạo sự xúc phạm đến người nghe. Chẳng hạn, khi chê trách một điều gì, để người nghe dễ tiếp nhận, ta thường nói giảm nói tránh bằng cách phủ định điều ngược lại với nội dung đánh giá. Trong thực tế có nhiều thí dụ: Bạn đến chơi nhà đã quá lâu, chủ nhà rất phiền, vì còn bận việc khác thì có thể nói: “Cũng đã trưa lắm rồi, mời anh vào phòng nằm nghỉ”, hoặc “Hôm nay gặp chị rất vui, nhưng em lỡ có hẹn lúc 3 giờ chiều nay, hay là chị vào phòng em nghỉ để em đi một chút về chị em ta nói chuyện tiếp?”… Cách nói giảm nói tránh đó sẽ được người nghe hiểu rằng chủ nhà đang bận hoặc muốn kết thúc câu chuyện nhưng không gây phật ý người nghe.
2. Bản thân giáo viên cần thực hiện hợp lý việc nói giảm nói tránh trong quá trình tiếp xúc, giảng dạy, trao đổi với học sinh. Một bài văn lạc đề nhưng giáo viên có thể phê là: “Bài văn chưa đúng yêu cầu trọng tâm”; học sinh trả lời ngớ ngẩn thì có thể nói là “Em nhầm lẫn sang chỗ nào rồi?” chứ không nên nói: “Trả lời tầm bậy!”; những từ “cẩu thả”, “ẩu tả”, “bừa bãi”, “bẩn thỉu”… nên được thay bằng những từ nhẹ hơn như “bất cẩn”, “bừa bộn”, “chưa được ngăn nắp”, “chưa được sạch sẽ” và cần được gắn với hoàn cảnh phù hợp. Việc nói giảm nói tránh của giáo viên cũng là thể hiện sự lịch sự, chừng mực, văn minh trong lời nói, ứng xử đối với học sinh, từ đó không chỉ xây dựng hình ảnh phù hợp của nhà giáo mà còn làm gương cho học sinh. Việc góp ý, phê bình của giáo viên đối với học sinh hay giữa học sinh với nhau cũng luôn cần nói giảm nói tránh một cách phù hợp, khéo léo, đúng như câu “Dao đâm có lúc lành thương tích/ Lời nói đâm nhau hận suốt đời”.
3. Việc xây dựng thái độ ứng xử phù hợp thông qua biện pháp rèn từ cách nói giảm nói tránh cho học sinh là rất thiết thực và hiệu quả. Học sinh cần biết những cách nói, ứng xử làm giảm sự phê phán, ít gây mâu thuẫn hoặc xung đột, hạn chế làm mất lòng hoặc xúc phạm nhau…, đặc biệt là ứng xử trên môi trường ảo (mạng xã hội). Khi trò chuyện hoặc bình phẩm với nhau, các em cần biết cách sử dụng những cách giảm, tránh để không mất lòng nhau. Chẳng hạn, các em học sinh THCS có thể vô tư trong việc bình phẩm về tính cách và giới tính của nhau, như một bạn nữ nói với bạn nam là “yểu điệu quá” có thể làm bạn cảm thấy bị xúc phạm, thì có thể thay bằng câu “bạn mà men lì (manly) chút nữa thì đẹp hơn”; các bạn gái nói với nhau là “bánh bèo quá” thì có thể nói là “gồng thêm chút nữa coi!”; chê quần áo lòe loẹt quá thì có thể gọi là “nhiều màu sắc quá” hoặc “như một vườn hoa”… Đặc biệt, một số học sinh có thói quen gọi nhau bằng những từ không hay như “con/thằng quỷ”, “nhỏ khùng”, “thằng điên”, “con lùn”…, thậm chí những từ thô tục chủ yếu đùa cợt nhưng cũng mang một ý xúc phạm nhất định, do đó cũng cần được người lớn để ý để chấn chỉnh. Giáo viên cần quan tâm đến lời lẽ, thái độ giao tiếp, ứng xử của học sinh để uốn nắn phù hợp, kịp thời không chỉ để xây dựng mối quan hệ thân ái trong lớp, trong trường mà còn hạn chế bạo lực học đường từ những va chạm nhỏ nhặt hàng ngày.
4. Dĩ nhiên, việc sử dụng cách nói giảm nói tránh là tùy thuộc vào tình huống giao tiếp. Nói giảm nói tránh phần nhiều trường hợp để tránh những tình huống tế nhị nhưng cũng không nên dùng cách nói giảm nói tránh trong trường hợp buộc phải nói đúng mức độ sự thật hoặc cần thiết phải nói thẳng.
Việc vận dụng một cách hợp lý và khéo léo bài học về nói giảm nói tránh nói riêng và các bài học khác nói chung vào thực tế cuộc sống không chỉ để học sinh nhớ lâu hơn mà chính là gắn học với hành, thực học với thực hành. Cần để cho học sinh có nhận thức được rằng, mỗi bài học là để bổ sung kiến thức và kỹ năng để áp dụng vào đời sống thực tiễn, nâng cao năng lực tư duy, chứ không phải học để cho biết rồi để đó. Chính đây cũng là điều tạo ra động lực để nâng cao chất lượng giáo dục.
Trúc Giang
Bình luận (0)