TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên đã dự tính dời ngày tựu trường đến giữa tháng Chín, nhưng nhiều khả năng học sinh vẫn phải học trực tuyến. Thầy và trò các trường tiểu học nghe xong thấy… lo.
Nhiều khả năng khai giảng và học trực tuyến
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM đã có tờ trình UBND TP.HCM về kế hoạch năm học 2021-2022. Trong đó, dự kiến năm học mới sẽ được khai giảng vào giữa tháng Chín theo hình thức trực tuyến, muộn hơn khoảng hai tuần so với kế hoạch năm học khung của Bộ GD-ĐT. Ngày 16/8, sở cũng đã phát đi thông báo về việc ghi hình các tiết dạy học qua internet đối với bậc tiểu học. Các trường phải xây dựng kế hoạch ghi hình các tiết dạy phục vụ hoạt động dạy học qua internet ở tất cả các môn học, hoạt động giáo dục, tập trung chủ yếu cho môn tiếng Việt và toán. Trước mắt, các trường sẽ lên kế hoạch và thực hiện cho mười tuần đầu năm học.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay với diễn biến dịch bệnh hiện nay, nhiều khả năng phải khai giảng và dạy trực tuyến cho đến khi thành phố cho phép học sinh đến trường trở lại. Nhiều trường hiện vẫn đang được địa phương sử dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, sở phải lên phương án, chuẩn bị cho tình huống dạy học qua internet cho các cấp học.
Không phải gia đình nào cũng có điều kiện đảm bảo cho con em mình học trực tuyến. (Trong ảnh: Học sinh tiểu học tại Hà Nội học online tại nhà) – ẢNH: ĐẠI MINH |
Hiện nay, nhiều trường vẫn còn làm khu cách ly, nhiều giáo viên và học sinh là F0, F1 đang điều trị, cách ly hoặc đang ở khu cách ly y tế… nên phải tính phương án tổ chức dạy học trực tuyến trong khoảng hai tuần đầu; chủ yếu là giới thiệu chương trình, sách giáo khoa, phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ… Nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, sở sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy và học bài mới trực tuyến cho học sinh trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Dương quyết định ngày tựu trường đối với các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT vào ngày 1/9 và khai giảng vào ngày 5/9. Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, tựu trường vào ngày 6/9, khai giảng vào ngày 11/9. Theo Sở GD-ĐT Bình Dương, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên xây dựng kế hoạch dạy online hai tháng đầu năm học. Đồng thời, sẽ dựa vào tình hình để linh hoạt trong hoạt động dạy học.
Không chỉ học sinh tiểu học học online, hiện nay một số trường mầm non tư thục tại TP.Hà Nội cũng thông báo cho học sinh học online với thời lượng 2 buổi/tuần và mỗi buổi có thời gian 45 phút. Qua quan sát, đa số học sinh mầm non không “mặn mà” với việc học, kể cả 2 buổi/tuần.
Nhiều địa phương khác cũng lên kế hoạch dạy trực tuyến trong điều kiện học sinh không thể đến trường ngay.
Bậc học càng nhỏ, phụ huynh càng lo
Tình hình này không loại trừ khả năng học sinh lớp Một cũng phải học online ngay từ những buổi đầu tiên. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Anh Nguyễn Mạnh Hà (Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội), băn khoăn: “Tôi chưa hình dung được nếu học online thì con tôi sẽ học thế nào, vì rõ ràng trẻ lớp Một cần phải cầm tay uốn nắn từng tí một. Nếu lớp đông, không hiểu giáo viên sẽ hướng dẫn từ xa như thế nào để các con tập viết theo nét…”.
Anh Nguyễn Hồng Danh, phụ huynh Trường tiểu học thị trấn Châu Thành (tỉnh Trà Vinh), cho biết: “Tôi có nhận được phiếu khảo sát ý kiến của giáo viên về việc có đồng ý cho con học trực tuyến hay không? Tôi đã chọn không vì con chưa biết gì, sao có thể học online”.
Còn chị Huỳnh Thị Hằng (TP.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: “Ngay khi hai con được nghỉ hè, tôi đã đưa về quê ở tỉnh Lâm Đồng và kẹt ở đó luôn cho đến nay. Nếu con trở lại được TP.HCM thì việc học online ngay cũng khó. Nhà chỉ có một chiếc máy tính và một chiếc điện thoại thông minh. Nếu con học thì mẹ không thể làm việc từ xa và ngược lại…”.
Không chỉ phụ huynh lo lắng, thầy cô nghe phải dạy học online cũng phát hoảng. Cô N.M.T., giáo viên tiểu học ở Q.Tân Phú, nói: “Học sinh học online xong, khi đi học trở lại giáo viên đều bị “lên huyết áp”. Thú thật, học sinh lớp Một, Hai sẽ không nhớ những gì đã học. Đó là chưa kể, không phải 100% học sinh sẽ học online, nhiều em còn kẹt ở quê không có điều kiện học, nhiều em không chịu học, cha mẹ đi làm không thể hỗ trợ… Nên đông nhất cũng được chừng một nửa lớp. Nếu học mười tuần là gần nửa học kỳ I, nghĩa là vừa đi học lại là đến kiểm tra giữa học kỳ, giáo viên chỉ còn nước phải dạy đuổi và lấp lỗ hỏng”.
Học sinh mầm non đang học online thì chuyển sang chơi điện thoại |
Với gần mười năm dạy học sinh lớp Một, một cô giáo tại Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội, đề xuất nếu dịch bệnh vẫn căng thẳng, học sinh chưa thể đến trường thì nên cho tạm nghỉ học. Lý do, lớp Một là lứa tuổi rất đặc thù và việc học trực tuyến với các em không hiệu quả. Online chỉ là bước làm quen chứ không nên là chương trình chính khóa. Chương trình của học sinh lớp Một có thể kéo dài thêm vào dịp hè.
Cô Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông (Hà Nội), thừa nhận: “Trẻ lớp Một rất cần cô cầm tay hướng dẫn từng nét chữ, học trực tuyến rất khó khăn nếu muốn chỉnh sửa cho các con. Tôi cho rằng, học trực tuyến với học sinh lớp Một trong thời gian chưa thể trở lại trường chỉ nên là học không chính thức, giáo viên hỗ trợ phụ huynh cho con làm quen kiến thức ở những phần đơn giản, và hướng dẫn một số kỹ năng. Nếu thiếu thời gian có thể dạy vào hai tuần dự phòng, còn thiếu nữa thì tiếp tục điều chỉnh”.
Xây dựng nội dung học trực tuyến ra sao?
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho rằng có thể dạy học trực tuyến theo hai cách: dùng clip hướng dẫn và dạy học tương tác trực tiếp thông qua các phần mềm. Dạy học thông qua phần mềm ứng dụng trực tuyến vẫn có sự tương tác, đó là giáo viên giảng tới đâu, học sinh tương tác, đọc câu hỏi, phát biểu giải thích đến đó. Với mỗi buổi học, giáo viên sẽ canh làm sao mỗi bạn được gọi phát biểu một lần, nhất là với những học sinh hơi chậm, chưa theo kịp các bạn. Lớp Một vẫn quan trọng là đọc, viết nên phụ huynh cần đồng hành cùng con. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể quay thêm clip hướng dẫn học sinh để các em viết đúng. Sau kỳ nghỉ hè ba tháng, quan trọng là khởi động lại tinh thần cho học sinh.
Để chuẩn bị cho tình huống không thể đến trường ngay khi năm học mới bắt đầu, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu giáo viên tiểu học chuẩn bị ghi hình để dạy trực tuyến, thời lượng mỗi video không quá 15 phút đối với lớp Một, Hai; những khối lớp còn lại không quá 20 phút. Riêng đối với môn tiếng Việt lớp Một, giáo viên có thể thiết kế một số bài theo hình thức làm quen, còn lớp Hai thì thiết kế thêm một số bài ôn tập. Khuyến khích giáo viên lớp Một xây dựng các clip ngắn hướng dẫn phụ huynh, học sinh làm quen, chuẩn bị cho việc học lớp Một. Hiệu trưởng các trường tiểu học cập nhật các tiết học ghi hình lên cổng thông tin điện tử của trường để giáo viên, học sinh, phụ huynh theo dõi.
Ở bậc tiểu học, đối với phương án dạy học trực tuyến, sẽ tăng cường việc dạy học theo chủ đề, xây dựng những nội dung cốt lõi, cân nhắc giảm yêu cầu cần đạt phù hợp theo từng khối lớp… Khi vào học trực tiếp, thầy cô sẽ có thời gian để củng cố kiến thức đã học.
Còn Sở GD-ĐT Đà Nẵng xác định, học sinh mầm non chỉ chú trọng đến các kỹ năng vận động, dinh dưỡng, thể chất. Học sinh lớp Một sẽ có chương trình tuần lễ làm quen, với những nội dung kiến thức, kỹ năng cốt lõi, cần thiết. Giáo viên sẽ kết nối hướng dẫn phụ huynh giáo dục học sinh ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình. Sau tuần làm quen, khi vào chương trình nếu chưa đến trường, các trường hướng dẫn giáo viên điều chỉnh kế hoạch, nội dung phù hợp, soạn bài dạy học qua internet phù hợp thực tế, chú trọng đọc, viết và tính toán cho học sinh; triển khai giải pháp dạy học tiếng Việt lớp Một trên truyền hình…
Theo PNO
Bình luận (0)