Cần có giải pháp quá độ. Cụ thể, với học phí phổ thông không thay đổi nhưng học phí ĐH nên cho tăng 50% so với năm 2000 để bù trượt giá. Đồng thời, cần triển khai những giải pháp "đổi mới tài chính" khác cho giáo dục.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đề xuất như vậy sau hơn 3 giờ lắng nghe thảo luận chiều ngày 13/5 về đề án “Đổi mới cơ chế tài chính của GD-ĐT giai đoạn 2008-2012”. Tại buổi họp về đề án quan trọng và nhạy cảm này của ngành giáo dục, nhiều ý kiến từ Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội đề nghị nên lùi thời gian thực hiện sau 1 năm.
Lùi 1 năm
Theo lộ trình, nếu đề án được Quốc hội thông qua thì Chính phủ sẽ có hướng dẫn để đưa đề án vào thực tiễn từ học kỳ 1 năm học 2009 – 2010.
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ triển khai thực hiện chế độ học phí mới theo xu hướng tăng lên.
Tuy nhiên, các ý kiến tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều nay đều chưa đồng thuận với lộ trình triển khai tăng học phí trong năm học tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi dẫn 2 lý do: năm 2009 vẫn còn trong thời kỳ suy giảm kinh tế, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, thời gian chuẩn bị từ nay đến đầu năm học mới (tháng 9/2009) là rất gấp, khó cho công tác tổ chức thực hiện.
Do vậy, ông đề xuất cân nhắc lại thời gian, tối thiểu cũng phải kéo dài 5 năm (thay vì 4 năm như đề xuất 2008-2012) và thời điểm triển khai đề án nên bắt đầu từ năm học 2010-2011.
Đồng quan điểm, đại biểu đại diện Bộ Tài chính dứt khoát "không thể thực hiện vào đầu năm học tới".
Vì nếu tháng 9/2009 triển khai thì Nhà nước phải cấp tăng ngân sách cho giáo dục và đào tạo.
Mức tiền cần cấp bù lên đến trên 5.300 tỷ đồng vì dự toán ngân sách năm 2009 chưa tính đến “khoản” này.
Kiến nghị lùi thời gian thực hiện triển khai đề án 1 năm, thay vì đề xuất áp dụng năm 2009 thì bắt đầu từ năm học 2010-2011 cũng là ý kiến của ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.
Miễn học phí cho học sinh THCS ở nông thôn?
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, khi thực hiện mức thu học phí phổ thông không quá 6% thu nhập gia đình cũng cần cân nhắc đến từng khu vực huyện, xã.
Vì theo tính toán đề án đưa ra mức 6% là ở cấp tỉnh, thành phố. Trong khi mỗi tỉnh, thành phố còn có cấp huyện, xã…
Như vậy, khi xác định mức thu 6% đòi hỏi các cấp ủy địa phương cùng với Sở GD-ĐT phải có trách nhiệm cao tránh tình trạng: khi áp dụng học phí mới, học sinh đổ dồn về vùng có học phí thấp.
Một số ý kiến đề xuất miễn hoàn toàn học phí cho học sinh THCS ở nông thôn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận chia sẻ, từ thực tế ở một số vùng nông thôn thấy học sinh nội trú đời sống thiếu thốn, thậm chí có nhiều em không có ăn…. Nên, quan điểm của ông “Nhà nước cần bao cấp cho GD và y tế”, đồng thời có giải pháp miễn hoàn toàn học phí cho học sinh phổ thông vùng nông thôn?
Đại diện Bộ Tài chính cho hay, chủ trương miễn học phí cho học sinh THCS là đúng. Nhưng thực hiện, Nhà nước sẽ phải tăng ngân sách cho giáo dục lên 30%.
Bởi, nếu miễn học phí cho học sinh THCS vùng nông thôn, Nhà nước sẽ phải chi thêm 3.000 tỷ đồng cộng với 5.500 tỷ đồng chi hỗ trợ cho học sinh vùng sâu, vùng xa.
Học phí đại học mới: Qúa cao
Về học phí ĐH, ông Đào Trọng Thi cho rằng, mức học phí, khoảng cách giữa mức học phí hiện hành với khung học phí dự kiến là quá cao.
Lộ trình thực hiện nên tăng dần theo từng năm học, mỗi năm chỉ tăng khoảng 30-40%.
Trong đề án dự kiến đến năm 2012, học phí khối đào tạo nghề nghiệp bảo đảm 44,7% tổng chi thường xuyên là khá cao so với mặt bằng thu nhập của nhân dân, nên cân nhắc hợp lý để bảo đảm tính khả thi.
Ông Thi nhận thấy các mức học phí cụ thể trong đề án cụ thể là quá cao, đặc biệt đối với hệ đào tạo nghề nghiệp.
Trong đó, mức học phí của trung cấp nghề và CĐ nghề bằng nhau, mức học phí của trung cấp nghề quá cao so với cấp THPT là không hợp lý, không công bằng và không khuyến khích học sinh sau THCS đi học nghề.
2009: học phí phổ thông không tăng, ĐH tăng 50%?
Sau khi tiếp thu các ý kiến đề xuất lùi thời gian triển khai đề án, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm: Đề án đổi mới cơ chế tài chính của GD-ĐT là vấn đề lớn, trong đó học phí là quan trọng, nhưng không phải quyết định tất cả.
Do vậy, nếu không thực hiện học phí vào năm học 2009-2010 thì phải triển khai những vấn đề khác trong đề án đưa ra.
Việc triển khai những nội dung đổi mới tài chính khác sẽ tạo tiền đề cho việc áp dụng khung học phí mới vào năm sau (2010-2011).
Bộ trưởng cũng đồng thuận việc lùi thời hạn triển khai đề án 1 năm để có thêm thời gian chuẩn bị. Nhưng phải có giải pháp quá độ.
Cụ thể, với học phí phổ thông năm 2009 không thay đổi nhưng học phí ĐH nên cho tăng 50% so với năm 2000 để bù trượt giá.
Với giải pháp này học phí các trường sẽ tăng từ 180.000 đồng hiện nay lên 230.000 đồng/sinh viên/tháng, thấp hơn mức tăng khởi điểm đề án đưa ra là 250.000 đồng.
Đây cũng là lộ trình thích hợp để năm học 2010-2011 triển khai phương án học phí mới – Bộ trưởng nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc áp dụng khung học phí mới nên có nghiên cứu để có lộ trình thực hiện phù hợp.
Trong khi đề án chưa triển khai, Chính phủ có thể xem xét bổ sung nhiều phương án khác nhau để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có cơ sở thẩm tra…
"Giáo viên quyết định chất lượng giáo dục"
Đại biểu KSor Phước nhận định, tài chính là vấn đề quan trọng nhưng giáo viên chính là “xương sống” cho việc nâng chất lượng giáo dục. Do vậy, cần có giải pháp nâng chất lượng đội ngũ này.
Ông Đào Trọng Thi đề nghị phục hồi chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Cùng với đó cần cụ thể hóa các cơ chế và chính sách để khuyến khích giáo viên dạy học ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người được: ở nhà công vụ, hỗ trợ phương tiện và trang thiết bị cần thiết tối thiểu để đi lại và làm việc….
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba gợi ý nhà nước nên có chính sách quy định “cứng” để vừa khuyến khích giáo viên khi ra trường tình nguyện lên vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa công tác. Hoặc, trong quá trình làm việc, mỗi giáo viên ý thức việc luân chuyển công tác là quá trình bắt buộc?
|
Kiều Oanh (Vietnamnet)
Bình luận (0)