Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học phí – chất lượng – trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Có nhiều ý kiến khác nhau chung quanh đề án tăng học phí của Bộ GD-ĐT trình Chính phủ vừa rồi, người ủng hộ; người không; người yêu cầu cam kết tăng học phí phải tăng chất lượng giáo dục… Mỗi ý kiến, tuy đứng ở góc độ khác nhau và có cách kiến giải khác nhau, nhưng có lẽ cũng đều xuất phát từ trách nhiệm của mỗi người đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực tương lai cho đất nước.
Khung học phí (công lập) hiện tại đã lỗi thời vì đã xây dựng và áp dụng từ hơn 10 năm trước. Bây giờ lương tối thiểu, giá cả mọi thứ đã tăng gấp nhiều lần, mà học phí vẫn giữ nguyên như vậy là điều bất hợp lý. Các năm trước đây, Bộ và Sở GD-ĐT đã nhiều lần đề nghị tăng học phí theo tỷ lệ trượt giá, nhưng chưa được chấp nhận. Dĩ nhiên, không tăng học phí thì dân nhờ, SVHS rất thích. Một nền giáo dục không mất tiền là điều lý tưởng. Nhưng trong điều kiện ngân sách không kham nổi mà không tăng học phí thì các trường không đủ điều kiện tổ chức dạy học cho tốt, đương nhiên là khó đảm bảo chất lượng giáo dục.
Trong tình hình như vậy, đề án cổ phần hóa một số trường công do Bộ Tài chính dự thảo ra đời. Trường học công mà đem cổ phần hóa, mua bán thì nghe có vẻ “ngược” với cách làm giáo dục truyền thống, chuyện xưa nay chưa có. Thành bại chưa biết thế nào, nhưng chắc chắn đó là mô hình mới nhằm thí điểm tháo gỡ bế tắc về cơ chế đầu tư giáo dục hiện nay. Đảng và Nhà nước cũng có chủ trương xây dựng loại hình trường công lập tự chủ – tự chủ thực hiện nhiệm vụ, biên chế bộ máy nhân sự và tài chính. Thực chất loại hình này cơ bản giống trường bán công ở các tỉnh thành phía Nam trước đây. Mô hình “trường tự chủ” là hình thức thích hợp nhất hiện nay, đặc biệt là dễ thực hiện trong giai đoạn quá độ chuyển từ trường bán công sang trường công. Tuy vậy mô hình này vẫn chưa được nhận thức đầy đủ nên chưa được sự đồng thuận hoàn toàn trong dư luận xã hội. Thực tế tại TP.HCM, mô hình “trường tự chủ” đã phát triển khá tốt trong hơn ba năm qua, cần được nhân rộng.
Chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tài chính. Yếu tố tài chính tuy không quyết định trực tiếp chất lượng dạy học, nhưng tác động đến yếu tố đội ngũ nhà giáo – vốn là yếu tố quyết định – và các yếu tố có tính điều kiện khác như phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ dạy học, giáo dục. Học phí không tăng theo thị trường thì khó đảm bảo yếu tố tài chính cho hoạt động giáo dục. Giải pháp tăng học phí do Bộ đề xuất cũng trước tiên là xuất phát từ tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, nếu nhất quyết yêu cầu Bộ, Sở hoặc trường học cam kết rằng tăng học phí là phải tăng chất lượng giáo dục – tức thời – thì có lẽ quá thô thiển!
Tăng học phí, như đề án của Bộ, cũng đồng thời tăng thực thi chính sách xã hội đối với người học diện gia đình khó khăn: miễn giảm học phí cho con em gia đình chính sách, hộ nghèo; cho SVHS vay tín chấp ưu đãi để trả học phí và các chi phí khác để hoàn thành khóa học v.v…
Một số ý kiến cho rằng các trường cần phải có lộ trình tăng học phí; công khai mục tiêu bậc học, khóa học cũng như các dịch vụ đào tạo khác tương ứng với mức đóng góp học phí trước khi tuyển sinh để phụ huynh và SVHS lựa chọn. Người học có quyền lựa chọn trường mà họ cho là phù hợp nhất với mình. Đó cũng là ý kiến hay và đầy trách nhiệm.
Hai Đức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)