Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học phí chương trình chất lượng cao: Chọn “xấu đều” hay “tốt lõi”?

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học ở trường “chất lượng cao” tại TP.HCM. Ảnh: A.Khôi

Trong Dự thảo thông tư ban hành quy định về học phí chất lượng giáo dục (GD) cao trong các trường mầm non, phổ thông công lập, Bộ GD-ĐT có đưa ra vấn đề trường mầm non, phổ thông công lập được thực hiện chất lượng GD cao đối với một số nhóm, lớp hoặc toàn trường. Dù mới chỉ là dự thảo nhưng nội dung này đang “vấp” phải những phản ứng trái chiều từ dư luận.
Không thể có lớp VIP trong trường công
Những “ốc đảo sang trọng” xuất hiện trong môi trường GD công lập thời gian qua đã khiến nhiều phụ huynh và các chuyên gia GD bức xúc. Vì trường học là thành lũy cuối cùng để trẻ được sống bình đẳng với nhau trong cùng một môi trường.
Vì sao lại có đồng phục? Xét về khía cạnh quản lý thì đồng phục giúp nhà trường nhận ra “học sinh (HS) lạ” trong môi trường của mình, đồng phục cũng khiến HS cảm thấy tự hào hơn khi được mang trên mình logo của trường. Nhưng xét ở khía cạnh xã hội, thì đồng phục giúp cho HS cảm thấy mình cũng được giống như bạn. Có HS được bố mẹ đưa đón bằng ô tô đến tận cổng trường, có HS phải đi bộ, có HS phải đi xe buýt nhưng khi bước chân qua cổng trường, tất cả các em đều giống nhau, cùng một màu áo, cùng một màu quần. Nếu bỗng nhiên, một ngày nào đó, trong môi trường này bỗng xuất hiện những lớp học long lanh, hiện đại từ A-Z, những HS khác sẽ nghĩ gì? Nhà trường cũng như phụ huynh không thể lấy cớ “tôi có tiền, muốn thế nào cũng được”. Điều này là phản GD, là không có GD trong môi trường GD. Đa số phụ huynh hiện nay đều chưa thể có điều kiện cho con học lớp VIP. Những em không được học ở những lớp này nghĩ gì? Theo PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), trong hệ thống trường công mà xuất hiện lớp VIP là bất thường. Trong khi đó, tại Thái Lan, họ có cách riêng của mình để thỏa mãn được nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Thái Lan cũng có hệ thống GD được phổ cập. Mọi HS đến tuổi đều được đến trường, được Nhà nước bao cấp. Tuy nhiên, tất cả những HS học ở hệ thống trường công đều có chung một kiểu tóc, đối với nữ là ngắn ngang vai, nam thì đầu tóc gọn gàng, cùng một kiểu đồng phục. Phụ huynh nào có điều kiện không muốn con em mình “đồng phục” kiểu này thì cho con ra học các trường tư danh tiếng.
Kiểm soát thế nào?
Q.Cầu Giấy, Hà Nội hiện nay đang có 2 trường thí điểm mô hình chương trình GD chất lượng cao. Đó là THCS Cầu Giấy và Mầm non Mai Dịch. Tại Trường Mầm non Mai Dịch thì chỉ có một số lớp chất lượng cao, còn Trường THCS Cầu Giấy thì đồng bộ. Tuy nhiên, theo một người công tác lâu năm trong ngành GD thì hai mô hình này của Cầu Giấy chưa ổn. Thứ nhất, đối với Trường THCS Cầu Giấy hiện nay học phí thu 600.000 đồng/tháng/HS, gấp 15 lần HS trường công (hiện HS THCS đóng theo mức quy định mới là 40.000 đồng/tháng/HS).  Mỗi lớp 30 HS, tổng số tiền thu được là 18 triệu đồng/tháng và là 162 triệu đồng/năm học 9 tháng. Nhưng vấn đề ở chỗ, giáo viên vẫn do Nhà nước trả lương (vì là trường công nên có biên chế), cơ sở vật chất do Nhà nước đầu tư. Vậy với khoản học phí gấp 15 lần HS bình thường, chất lượng HS có gấp 15 lần HS bình thường không? Hơn nữa, đối với giáo viên, ngoài lương do Nhà nước cấp, họ sẽ còn có thêm các khoản lương khác trong khi đó giờ dạy so với giáo viên bình thường không hơn. Vậy có bất công cho các giáo viên trường công khác? Thứ hai, nếu nói thu học phí cao để đầu tư trang thiết bị, không lẽ năm nào thiết bị cũng phải mua mới, cũng phải thay, cũng phải sửa? Tiền đóng học phí của HS không giảm, vậy số tiền còn lại sẽ chi vào đâu? Tính một phép tính đơn giản cũng có thể thấy, làm trường chất lượng cao còn “siêu lợi nhuận” hơn các trường tư thục. Dại gì giáo viên, các nhà quản lý không làm.
Nếu tiếp cận ở khía cạnh này, thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cũng cần phải xem xét lại chương trình GD chất lượng cao của mình.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)