Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Học phí đại học có thể thấp hơn 230.000/tháng”

Tạp Chí Giáo Dục

“Mức học phí năm học tới đây thậm chí có thể thấp hơn 230.000/tháng như chúng tôi đề nghị, bởi rất nhiều ý kiến của đại biểu QH cho rằng, ngay cả mức dung hoà này thì nhiều người vẫn chưa chấp nhận”.

Chủ nhiệm UB văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi.

Sáng 19/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Đề án đổi mới về cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009 – 2014. Chiều 18/6 phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, Đào Trọng Thi xung quanh Nghị quyết này.
Ông Đào Trọng Thi cho biết: Quan điểm của Thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội là muốn xác định rõ, Quốc hội chỉ quyết định những vấn đề mang tính chủ trương, định hướng và những vấn đề nguyên tắc để cho phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội. Còn những vấn đề cụ thể sẽ dành cho Chính phủ qui định theo thẩm quyền.
Có thể là dư luận rất mong muốn Quốc hội đưa ngay trong nghị quyết những mức học phí, con số cụ thể thì Quốc hội cố gắng trình bày cái đó, nhưng nó ở dạng nguyên tắc để định hướng cho Chính phủ tiếp tục qui định theo thẩm quyền của Chính phủ. Quan niệm về Nghị quyết của Quốc hội là phải đặt ở tầm như vậy. 
Thưa ông, trong Nghị quyết của Quốc hội sẽ không có con số qui định mức học phí mầm non và phổ thông bằng 6% thu nhập trung bình của người dân trong khu vực, vậy Nghị quyết sẽ thể hiện vấn đề học phí ở các bậc học này như thế nào?
Quốc hội sẽ viết dưới dạng, mức học phí sẽ được xác định cho từng vùng, ở từng địa phương, do HĐND cấp tỉnh quyết định sao cho phù hợp với địa phương, với mặt bằng thu nhập của các hộ gia đình và phù hợp với khả năng tri trả của người dân.
Việc tăng học phí được thực hiện theo lộ trình tăng dần và mức trần chỉ thực hiện ở năm cuối. Còn con số cụ thể, Chính phủ sẽ qui định và đương nhiên Chính phủ sẽ căn cứ vào ý kiến của đại biểu thảo luận, vào ý kiến từ các cơ quan của Quốc hội. Chính phủ chắc là sẽ có sự cân nhắc rất thận trọng về chuyện ấy.
Tương tự như vậy, các trường đào tạo nghề nghiệp cũng như các trường đại học cũng qui định mức học phí xác định theo từng nhóm ngành nghề, theo từng cấp bậc học và cũng được thực hiện theo lộ trình tăng dần, nhưng quan trọng nhất là phải gắn với chất lượng đào tạo.
Nhưng học phí có tăng ngay từ năm 2009 không?
Trong khi chờ để thực hiện lộ trình chung từ năm học sau (năm học 2010 – 2011), Chính phủ có đề nghị việc điều chỉnh ở năm quá độ (2009 – 2010) thì Quốc hội cũng chấp nhận nhưng có nhắc mức độ tăng thấp. Nhắc chữ thấp có nghĩa không thể theo yêu cầu, đề nghị như của Chính phủ đề cập trong đề án.
Như thế, có thể hiểu học phí đại học cho năm học tới đây có thể thấp hơn mức 255.000đ/tháng?
Mức học phí năm học tới đây thậm chí có thể thấp hơn 230.000 như chúng tôi đề nghị, bởi rất nhiều ý kiến của đại biểu QH cho rằng, ngay cả mức mà chúng tôi đề nghị là mức dung hoà thì nhiều người vẫn chưa chấp nhận.
Số người phản đối việc điều chỉnh vẫn ít hơn số người ủng hộ, nhưng ở đây chúng tôi cân nhắc là nghị quyết này sẽ không thành công nếu chỉ được đa số đồng thuận mà không phải là một đa số đông đảo vì như vậy nó sẽ không thuyết phục được nhân dân.
Một vấn đề liên quan đến quyền lợi của đông đảo nhân dân mà chỉ được một tỷ lệ đồng thuận không cao trong QH thì cũng không được. Bởi vậy chúng tôi muốn thiết kế làm sao để tạo ra được sự đồng thuận cao nhất.
Có nhiều ý kiến ủng hộ tăng học phí, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, nếu QH không đề ra một yêu cầu về mức cụ thể, trong trường hợp Chính phủ đặt ra một mức học phí cao trong một năm nào đó thì sao?
Cũng có người đặt vấn đề như vậy nhưng chúng tôi nghĩ, chúng ta cũng phải tin Chính phủ, tin tinh thần trách nhiệm của Chính phủ trước nhân dân. Chính phủ có quy định một vấn đề gì cũng phải trên một tinh thần, nhận thức, việc đó là vì nhân dân.
QH không nói con số cụ thể nhưng nêu vấn đề mang tính nguyên tắc, ví dụ ở mức tăng như thế nào thì phải phù hợp với tình hình thực tế. Và tôi cho rằng Chính phủ hoàn toàn có thể cân nhắc chọn mức cần thiết, hợp lí. Nếu làm được như vậy sẽ hay hơn vì QH không phải can thiệp vào việc mà bình thường thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Liệu việc Quốc hội không quy định cụ thể như thế có phải vì QH thấy khó nên chuyển sang cho Chính phủ?
Không phải! Chúng tôi cũng đã thiết kế những khâu cụ thể nếu thấy cần thiết, nhưng ở đây là quan niệm của các thành viên QH cho rằng một nghị quyết của QH không nên bàn quá chi tiết về những con số cụ thể.
Ngay cả việc ta đã bàn tương đối cụ thể về chính sách học phí thì cũng có nhiều người đã không tán thành vì cho rằng chỉ nên tán thành về chủ trương, nhưng nếu nói như vậy thì sẽ không tạo ra được sự hậu thuẫn gì cho Chính phủ trong việc triển khai một chủ trương mà chúng ta cho là đúng và cần thiết. Ở đây, đổi mới cơ chế tài chính là đúng, vướng nhau chỉ ở con số cụ thể thôi.
Trong nghị quyết của Quốc hội sẽ đưa ra yêu cầu về gắn tăng học phí với tăng chất lượng như thế nào?
Quốc hội yêu cầu thực hiện kiểm định chất lượng đối với các cơ sở giáo dục đào tạo và các chương trình đào tạo của các cơ sở, từ đó, thực hiện gắn học phí với chất lượng đào tạo. Một trường phải kiểm định chất lượng và anh chất lượng ở mức nào thì được thu học phí ở mức đó, chứ không phải tăng đồng loạt, không phải cứ năm nay mức này, sang năm cứ kéo nhau lên mức trần kia, đến hẹn lại lên. Anh nào có chất lượng tương xứng thì mới tăng học phí lên. Tức là ở đây có hai điều kiện để lên: đến năm đó mới được lên và có chất lượng mới được lên.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường – Phương Thảo (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)