Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Học phí đại học, những điều cần lưu ý

Tạp Chí Giáo Dục

Không ít thí sinh khi đăng ký nguyện vọng vào ĐH chỉ quan tâm đến trường và ngành học mà quên đi một tiêu chí cũng quan trọng không kém: Học phí.

Học phí tăng mạnh

Năm học 2022 – 2023, theo thông báo của nhiều trường đại học (ĐH), học phí sẽ tăng mạnh so với năm học trước.

Chẳng hạn, Trường ĐH Y Hà Nội học phí của các ngành y khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng, răng hàm mặt là 2,45 triệu đồng/tháng (24,5 triệu đồng/năm học), tăng 71% so với mức học phí năm ngoái là 1,43 triệu đồng/tháng. Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng có mức tăng mạnh: Y khoa là 74,8 triệu đồng/năm so với năm ngoái là 68 triệu đồng và răng hàm mặt là 77 triệu đồng/năm trong khi năm trước là 70 triệu đồng.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, mức học phí sẽ được điều chỉnh lên 31,25 triệu đồng/năm trong khi năm học 2021 – 2022 là 20,5 triệu đồng/năm. Trường ĐH Luật TP.HCM, năm học 2021 – 2022 học phí hệ đại trà từ 18 – 36 triệu đồng/năm tùy ngành nhưng năm học tới, học phí hệ này sẽ tăng lên từ 31,25 – 39 triệu đồng/năm; riêng hệ chất lượng cao, ngành quản trị luật có học phí tăng hơn 24,6 triệu đồng so với năm học trước. Trường ĐH Luật Hà Nội từ năm học 2022 – 2023 học phí hệ đại trà là 572.000 đồng/tín chỉ (khoảng 20 triệu đồng/năm) trong khi năm học trước là 280.000 đồng/tín chỉ.

Học phí đại học, những điều cần lưu ý - ảnh 1

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH bằng phương thức điểm học bạ. ĐÀO NGỌC THẠCH

Trường ĐH Tây Nguyên cũng đã có thông báo về mức học phí năm học 2022 – 2023, trong đó nhóm các ngành khoa nông lâm nghiệp, chăn nuôi thú y tăng từ 280.000 đồng/tín chỉ lên 380.000 đồng/tín chỉ; ngành y đa khoa tăng từ 400.000 đồng/tín chỉ lên 680.000 đồng/tín chỉ. Như vậy, học phí của sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên năm học 2021 – 2022 là từ 9 – 12 triệu đồng/năm tùy từng ngành học thì năm học 2022 – 2023 là từ 11,5 – 23 triệu đồng/năm.

Học trả nợ môn, chi phí còn nhiều hơn nữa

Trong thực tế, chỉ có số tiền học phí/tín chỉ là cố định theo năm học, còn tổng số học phí/học kỳ hay học phí/năm học của các trường chỉ là ước tính.

Cùng một lớp học nhưng số tiền học phí mà mỗi sinh viên (SV) cần đóng trong một học kỳ không hề giống nhau vì tùy thuộc kết quả học của SV. Số học phí ước tính đó là dành cho các SV không bị nợ môn phải học lại.

Nhiều SV bị rơi vào hoàn cảnh phải học lại để trả nợ môn, nhưng không phải số tiền SV A và SV B phải nộp đều giống nhau, bởi lẽ nếu không may SV A bị nợ môn học mà các khóa sau không còn học nữa (do thay đổi chương trình đào tạo) thì A phải mở lớp nhu cầu và đóng tiền cho 20 SV mới được mở lớp. Trong khi đó, nếu SV B nợ môn nhưng B học môn học đó chung với lớp khóa sau thì số tiền phải đóng ít hơn 19 lần so với A.

Lấy ví dụ cụ thể: A nợ 1 môn học 2 tín chỉ và phải học một mình nên cần đóng: 380.000 đồng/tín chỉ x 2 tín chỉ x 20 SV = 15.200.000 đồng. Trong khi đó do B cũng nợ 1 môn học 2 tín chỉ nhưng được học ghép nên chỉ đóng 380.000 đồng/tín chỉ x 2 tín chỉ = 760.000 đồng. Trong khi đó, chương trình đào tạo của các trường đều liên tục có sự điều chỉnh, thay đổi nên có những môn học sau khoảng vài năm đã không còn dạy nữa hoặc vẫn còn dạy nhưng đã giảm số lượng tín chỉ. Nếu môn học cũ được đánh giá là tương đương với môn học mới (về nội dung, số tiết học) thì SV có quyền chuyển sang trả nợ bằng môn mới và được học ghép với lớp khóa sau; nhưng nếu không tương đương thì học phí sẽ là “bài học đau thương” giống như SV A kể trên.

Chỉ đăng ký tuyển sinh trực tuyến, có thiệt thòi cho thí sinh vùng xa?

Việc tuyển sinh ĐH, CĐ được thực hiện trực tuyến các khâu đăng ký, xác nhận nguyện vọng và thanh toán lệ phí cũng nảy sinh nhiều vấn đề.

Khi chuyển các khâu trong công tác tuyển sinh thành trực tuyến thay vì đa dạng các hình thức như trực tiếp, gửi hồ sơ qua đường bưu điện thì không phải thí sinh nào cũng có thể nhanh chóng tiếp cận và thực hiện các thao tác một cách thuần thục. Các thí sinh ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn sẽ chịu thiệt thòi.

Là giảng viên đã trải qua 2 năm học dạy trực tuyến, tôi chứng kiến được rất nhiều sự lóng ngóng, vụng về và cả thiệt thòi của các em SV không chỉ ở một địa phương. Trong quá trình dạy trực tuyến, tôi đã khảo sát và nhận về kết quả: Hơn 50% SV của tôi phụ trách học trực tuyến bằng điện thoại với gói cước 3G/4G. Các em gặp những trục trặc về chất lượng đường truyền khá thường xuyên, điện thoại cấu hình thấp nên khó thực hiện các bài tập mà giảng viên yêu cầu.

Vì thế, hẳn chúng ta cũng có thể hình dung được sự bối rối, lo lắng của các thí sinh xét tuyển đại học năm 2022 vừa qua khi các em phải nhập rất nhiều thông tin, nhất là tận 4 mã quan trọng gồm: mã trường, mã tuyển sinh, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp. Bên cạnh đó, hình thức thanh toán trực tuyến phổ biến ở thành phố chứ chưa thực sự quen thuộc với những gia đình nông dân thuần túy ở nông thôn, miền núi.

Ai có thể dám khẳng định 100% thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH trên hệ thống của Bộ GD-ĐT là do không muốn đăng ký hay là bởi các em không thể/không có cách nào đăng ký được?

Vốn dĩ, chẳng có SV nào thích nợ môn học lại nhưng thực tế thì nghiệt ngã chứ chẳng phải màu hồng. Đôi khi chỉ vì nhầm lịch, ngủ quên mà không ai gọi, ai nhắc cũng có khả năng khiến SV phải “mắc nợ”.

Vì vậy, cân nhắc lựa chọn đúng ngành, đúng trường yêu thích nhưng cũng phải phù hợp với năng lực học tập và khả năng tài chính của bản thân, gia đình. Nếu không, các tân sinh viên dễ rơi vào tình cảnh bỏ thì thương mà vương thì tội… tình với học phí!

Theo Như Bình/TNO

 

Bình luận (0)