Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Học phí đại học sẽ tăng không nhiều

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh việc tiếp tục công tác tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ đã bắt đầu vào năm học mới. Năm nay, đa số các trường đại học đều có sự điều chỉnh về học phí. 
Công lập: Cao thấp tuỳ sức học, ngành học
Theo lộ trình tăng học phí cho tới năm 2015 (tối đa từ 550.000 đồng/tháng tới 800.000 đồng/tháng), thì năm học 2011 – 2012, học phí trường công lập được quy định mức trần là từ 355.000 đồng/tháng tới 455.000 đồng/tháng. Trong đó, mức thấp nhất dành cho các ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản. Các ngành khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch có học phí 395.000 đồng/tháng. Ngành y dược có học phí cao nhất – ở mức 455.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, trong khi khung học phí mà bộ quy định vẫn theo niên học, thì hiện nay hầu hết các trường công lập đã chuyển sang tính học phí theo tín chỉ. Với những thay đổi này, việc tính và xét đoán học phí tăng hay giảm vào mỗi năm học sẽ không thể chính xác 100%.
Thầy Nguyễn Thanh Nam – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa TPHCM – cho biết: “Học phí của trường được tính theo số tín chỉ mà SV đăng ký theo học. Nếu SV học ít, kéo dài thời gian học tại trường thì học phí của mỗi năm sẽ thấp, nhưng sẽ phải kéo dài thời gian học đến 6 – 7 năm. Trong khi đó, với SV đăng ký học nhiều tín chỉ thì học phí mỗi năm sẽ cao hơn, nhưng số năm học sẽ ngắn lại.
Rau thịt tăng rất nhiều nhưng học phí sẽ tăng không nhiều.     Ảnh: Kỳ Anh
Rau thịt tăng rất nhiều nhưng học phí sẽ tăng không nhiều. Ảnh: Kỳ Anh
Song, nếu tính đến thời điểm hiện tại thì tổng chi phí SV trang trải cho các năm học trong cùng một ngành đều tương đương nhau (kèm theo điều kiện SV không phải thi lại) và vào khoảng 25 triệu đồng (tính đến cuối năm 2010). Cũng theo ông Nam, tổng kinh phí đào tạo cho một ngành học trung bình sau 4-5 năm đào tạo tại ĐH Bách khoa TPHCM sẽ vào khoảng trên dưới 30 triệu đồng. Ngoài ra, trường cũng không quá áp lực đối với SV, mà chỉ thực hiện tạm thu vào đầu năm học khoảng 1,1 triệu đồng, sau đó SV sẽ  trả dần cho đến thời hạn cuối cùng là giữa học kỳ II của năm học.
Tại ĐH Nông lâm TPHCM, thầy Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo – cho biết: “Mức học phí trung bình tại trường là khoảng 2,4 – 2,9 triệu đồng/năm học. Hiện trường có 52 ngành đào tạo, mức học phí chia thành 3 cấp độ khác nhau. Nhóm ngành có học phí cao nhất là các ngành công nghệ (CN) như: CN sinh học, CN môi trường, CN thực phẩm… Mức thứ hai là các nhóm, ngành nông lâm và cuối cùng mức thấp nhất là các ngành sư phạm”.
Ngoài công lập:  Tăng nhẹ
Năm nay, mặc dù có mức học phí không cao trong nhóm các trường ngoài công lập, nhưng để thu hút thí sinh, một số trường đã quyết định không tăng học phí như Trường ĐH Chu Văn An, ĐH Công nghệ Đông Á, ĐH Công nghệ Vạn Xuân, ĐH Hà Hoa Tiên… Trường ĐHDL Đông Đô tăng học phí khoảng 100 nghìn đồng/tháng so với năm học trước, với mức thu từ 700 – 720 nghìn đồng/tháng tùy theo ngành.
Thậm chí, trước những khó khăn trong khâu tuyển sinh, một số trường có mức học phí khá cao thì năm nay đã giảm đáng kể, như Trường ĐH quốc tế Bắc Hà giảm 3 triệu đồng/năm với các ngành kinh tế – còn 15 triệu đồng/năm, giảm 4 triệu đồng các ngành kỹ thuật – còn 16 triệu đồng/năm, Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị giảm học phí khoảng 2,5 triệu đồng/năm – còn ở mức 8,5 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, Trường ĐH Thăng Long có học phí trung bình cao hơn hẳn, khoảng 15-16,5 triệu đồng/năm, nhưng năm nay các nhóm ngành của trường đều tăng học phí từ 1,5-2 triệu đồng/năm. Tại khu vực phía nam, mức học phí tại ĐH Hùng Vương năm nay sẽ tăng từ 8 triệu đồng/năm lên 12 triệu đồng/năm. Hay ĐH Ngoại ngữ tin học TPHCM cũng đã ở hàng “top” từ năm 2010 và tiếp tục giữ ở mức này vào năm nay, cụ thể hệ ĐH 13.225.000 đồng; hệ CĐ 12.995.000 đồng.
Tại Trường ĐHDL quốc tế Hồng Bàng cũng có những ngành học phí lên đến 12 triệu đồng/năm. Lý giải cho mức thu học phí khá cao này, hầu hết lãnh đạo các trường dân lập đều cho rằng đó là mức thu “hợp lý” với ngành học và chất lượng, yêu cầu đào tạo, bởi những ngành học mức phí cao là những ngành yêu cầu thực tập nhiều, cơ sở thiết bị đào tạo phải hiện đại… Song, để kiểm định đúng thế nào là chất lượng đào tạo đạt hiệu quả cao thì vẫn còn là một lĩnh vực bỏ ngỏ, chưa có một khảo sát nào khẳng định điều này(!).
Theo Thể Uyên – Ngân Anh
(laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)