ĐH Quốc gia TP.HCM đang từng bước chuyển sang mô hình tự chủ. Quá trình này sẽ tác động mạnh đến người học, đặc biệt là trong chính sách học phí.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật, một trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, sẽ thực hiện tự chủ. ẢNH: PHƯƠNG LINH
Nhiều mô hình tự chủ
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ĐH này đang quyết tâm tìm kiếm các giải pháp nhằm tăng nguồn tài chính cho ĐH.
Cụ thể, theo ông Đạt, ĐH này đã mạnh dạn đăng ký thí điểm triển khai đề án đổi mới cơ chế hoạt động và tài chính đơn vị sự nghiệp công lập. Mục tiêu nhằm từng bước giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, đa dạng hóa nguồn thu và khuyến khích xã hội hóa giáo dục. Ngoài ra, đề án cũng hướng đến việc đổi mới tài chính ĐH và nghiên cứu quá trình tự chủ tài chính theo mô hình thí điểm là Trường ĐH Quốc tế.
Theo kế hoạch này, trong 6 trường thành viên và 1 khoa trực thuộc, hiện nay ĐH Quốc gia TP.HCM đã có 2 đơn vị chính thức chuyển đổi sang mô hình tự chủ. Bên cạnh Trường ĐH Quốc tế đã thực hiện hơn chục năm nay, Trường ĐH Công nghệ thông tin chính thức bắt đầu từ năm học này. Trường ĐH Kinh tế – Luật và Trường ĐH Bách khoa đã hoàn thiện đề án, còn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đang xây dựng đề án dự kiến thực hiện từ 2020.
PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, cho biết hiện đơn vị này đã sẵn sàng phương án cho thực hiện tự chủ nhiều mặt, gồm học thuật, tài chính, nhân sự… Riêng về tự chủ tài chính, ông Phong cho rằng không phải các trường tự đi kiếm tiền mà có nhiều quyền để sử dụng tiền và thêm quyền để tăng nguồn lực tài chính cho trường. Mục đích của hoạt động này là nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo, tất nhiên không thể trong một vài năm.
Học phí các ngành tự chủ tăng
PGS-TS Mai Thanh Phong cho biết theo dự thảo đề án đã soạn thảo, trường sẽ áp dụng mức học phí tự chủ chung cho tất cả các ngành. Tuy nhiên, dựa vào xu hướng đăng ký của người học ở từng ngành cụ thể, những ngành có sức thu hút thấp hơn có thể được phân bổ lại kinh phí để có chính sách hỗ trợ người học nhiều hơn như miễn giảm học phí, tăng thêm học bổng và các chương trình tài trợ.
Nếu được thông qua, đề án sẽ thực hiện từ năm 2019 với mức trần học phí tối đa theo quy định của Chính phủ, cao hơn 2,5 lần so với học phí hệ đại trà hiện nay. Học phí cũng tăng theo lộ trình, sinh viên các khóa cũ học phí tăng tối đa 30%.
PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, chia sẻ dự kiến trường sẽ thực hiện tự chủ một phần với 2 khu vực song song để đảm bảo quyền tiếp cận công nghệ giáo dục hiện đại cho sinh viên có điều kiện kinh tế khá đồng thời vẫn tạo điều kiện cho sinh viên có khó khăn.
Cụ thể hơn, tiến sĩ Lan thông tin dự kiến có 5 – 6 ngành sẽ áp dụng đồng thời cả 2 chương trình đào tạo (đại trà và theo hướng tự chủ) gồm: ngôn ngữ Anh, Hàn Quốc học, Nhật Bản học, du lịch, quan hệ quốc tế, báo chí. “Những ngành được chọn thí điểm là ngành thu hút nhiều người học. Trong khi nhiều ngành còn lại đều thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, cung cấp nguồn nhân lực công cho nhà nước nhưng chưa thực sự thu hút người học thì không thể thực hiện theo hướng này”, tiến sĩ Lan cho hay.
Học phí chương trình tự chủ cũng thực hiện theo lộ trình nhưng chỉ cao hơn không nhiều so với chương trình chất lượng cao đang áp dụng. Tuy nhiên điểm đặc biệt với các ngành tự chủ tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn là có thể sẽ có 2 mức điểm chuẩn khác nhau trong cùng một ngành. Theo đó, điểm chuẩn các ngành theo chương trình tự chủ có thể thấp hơn một vài điểm so với chương trình đại trà.
Trong thông báo tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Công nghệ thông tin đã công bố mức học phí theo đề án đổi mới cơ chế hoạt động chương trình chính quy năm học 2018 – 2019 lên tới 16 triệu đồng/năm (các chương trình khác từ 16 – 35 triệu đồng/năm). Học phí chương trình chính quy sẽ tăng theo lộ trình 3 năm tiếp theo từ 18 – 22 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Quốc tế công bố mức học phí các ngành do trường này cấp bằng khoảng 42 triệu đồng/năm. Còn chương trình liên kết học phí giai đoạn 1 khoảng 56 triệu đồng/năm và giai đoạn 2 theo chính sách trường đối tác.
Trong thông tin tuyển sinh năm 2018 mà Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố vào tháng 4, học phí ngành y khoa chương trình chất lượng cao khóa năm 2018 là 49 triệu đồng/năm; 2019 và 2020 là 69 triệu đồng/năm và 2021 là 79 triệu đồng/năm. Với ngành dược, học phí năm 2018 là 11,8 triệu đồng/năm.
Dự kiến đến năm 2020 hoàn tất lộ trình tự chủ
Theo dự kiến của ĐH Quốc gia TP.HCM, lộ trình tự chủ ĐH sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện thí điểm tự chủ trong với các trường đã có sự chuẩn bị và điều kiện thực hiện gồm: Công nghệ thông tin, Kinh tế – Luật và Bách khoa. Giai đoạn 2, đến năm 2020 trên cơ sở đánh giá hiệu quả của các đề án thí điểm sẽ xem xét lộ trình tự chủ với các trường: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa Y và Phân hiệu Bến Tre.
|
Hà Anh/TNO
Bình luận (0)