Giảng viên quốc tế hướng dẫn sinh viên cập nhật thông tin khoa học công nghệ qua hệ thống mạng trong thư viện tại TT hợp tác KHKT Việt – Đức. |
Trong 23 chương trình tiên tiến (CTTT) được triển khai tại 17 trường ĐH, có nơi sinh viên phải đóng học phí hàng ngàn đô-la mỗi năm trong khi có nơi chỉ phải trả phí như với chương trình bình thường. Dự kiến năm 2015, CTTT sẽ thu hút được 3.000 sinh viên quốc tế theo học… Liệu các CTTT có sớm tự nuôi được mình?
Đạt chuẩn cao để cạnh tranh
Theo bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ GDĐH, ngoài việc xuất phát từ yêu cầu đổi mới để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO, nhu cầu phát triển đào tạo CTTT xuất phát từ thực tế xu hướng gia tăng số lượng học sinh VN đi du học nước ngoài và theo học tại các cơ sở có yếu tố nước ngoài. Sự cạnh tranh buộc CTTT trước tiên phải có một môi trường tiên tiến với các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý, giảng viên cũng như trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy, học tập.
Đề án đào tạo theo CTTT 2008-2015 mà Thủ tướng Chính phủ ban hành đã yêu cầu: Chương trình gốc phải được chọn từ các trường đại học thuộc nhóm 200 trường hàng đầu thế giới hoặc nhóm 20% những chương trình đào tạo tốt nhất. Giảng viên giảng dạy CTTT phải có trình độ thạc sĩ trở lên, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tiếng Anh đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Đối với khóa đào tạo đầu tiên, chủ yếu mời giảng viên nước ngoài giảng dạy, nhưng từ những khóa tiếp theo, cơ sở đào tạo phải có kế hoạch để từng bước có giảng viên trong nước đảm nhận; sinh viên phải được thực hành, thực tập theo chương trình gốc.
Thời gian đào tạo theo CTTT của một khóa học là từ 4,5 năm đến 5 năm. Bằng tốt nghiệp do trường đại học của Việt Nam cấp hoặc cả hai trường của Việt Nam và nước ngoài cùng cấp. Một vài mục tiêu cụ thể mà đề án đặt ra là: Đến hết năm 2015 triển khai thực hiện được ít nhất 30 chương trình đào tạo cử nhân tiên tiến ở một số trường đại học của Việt Nam, có khoảng 4.000 cử nhân, 600 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo theo chương trình này. Ngoài việc sinh viên của chương trình được đánh giá môn học và giảng viên, chương trình còn được trường đối tác kiểm định, tiến tới CTTT đăng ký kiểm định với tổ chức đã kiểm định cho chương trình gốc ở trường đối tác.
Tự nuôi được mình?
Ngay từ khi phác thảo ra chương trình, Bộ GD-ĐT đã đề cập đến vấn đề phải làm sao để trong tương lai chương trình phải tự nuôi được mình, phải tạo được nguồn thu từ xã hội, từ người học. Chương trình hướng tới đối tượng là những gia đình có điều kiện du học tự túc với yêu cầu đầu vào không quá cao. Song, mặc dù có thể coi là một hình thức du học tại chỗ song để được học CTTT không phải là điều dễ dàng ngay cả đối với những người có điều kiện tài chính dồi dào, bởi mỗi khóa học chỉ tuyển từ 30 đến 50 người. Theo đề án, các chương trình nhận được hỗ trợ của Nhà nước từ nguồn kinh phí thường xuyên từ khóa 1 đến khóa 3 bằng khoảng 60% dự tính nhu cầu chi phí đào tạo, kinh phí do nhà trường tự cân đối bằng 25%, còn người học đóng góp khoảng 15%. Nguồn thu từ sinh viên quốc tế cũng được đề án chú ý khi đặt mục tiêu thu hút khoảng 3.000 sinh viên quốc tế đến học tập trong các CTTT vào năm 2015.
Sau 3 năm triển khai 23 CTTT tại 17 trường đại học, chế độ học phí của các trường còn rất khác nhau. Có trường thu tới 1.500 USD/năm để hướng tới cân bằng thu chi như Trường ĐH KHTN TP Hồ Chí Minh; ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh thu khoảng 600 USD/năm. Trên địa bàn Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân thu khoảng 1 triệu đồng/tháng. Còn các trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì thu như với chương trình bình thường. Theo Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN Bùi Duy Cam: Trong thời gian trước mắt, trường sẽ vẫn duy trì chế độ học phí này. Thế nhưng CTTT vẫn được "nuôi" nhờ kinh phí từ nguồn các nhà tài trợ và doanh nghiệp. Không những thế, sinh viên học CTTT ngành hóa học và toán học của Trường ĐH KHTN còn được hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh do giảng viên nước ngoài giảng dạy. Những sinh viên có kết quả học tập tốt sẽ được nhận học bổng cao và có cơ hội đi thực tập hoặc đào tạo tiếp ở trường đối tác.
Một trong những mục tiêu lớn mà chiến lược giáo dục giai đoạn 2009-2020 đặt ra là phát triển các trường ĐH đẳng cấp quốc tế từ các trường ĐH hiện có của Việt Nam, và việc triển khai Đề án CTTT mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành được coi là bước khởi đầu của quá trình này, là một trong những việc làm cấp thiết để đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam…
Quỳnh Phạm (HNM)
Bình luận (0)