Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học phí: Người giàu không thể trả như người nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị

Trong 8 nội dung đổi mới của đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 – 2014 của Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến trực tuyến ngày 23-5, điều mà các sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ trên cả nước quan tâm chính là đổi mới chính sách học phí.
Học phí chưa đủ trả lương giáo viên
Trong tờ trình Quốc hội về đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 – 2014 có đưa ra lộ trình tăng học phí đối với hệ giáo dục nghề nghiệp (TCCN, CĐ, ĐH). Theo đó, năm 2009, học phí của tất cả các trường ĐH công lập đồng loạt tăng lên 255.000đ/tháng/sinh viên (tăng 75.000đ so với hiện nay). Tuy nhiên, với mức học phí này, GS.TS Hoàng Văn Châu – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết tổng học phí của trường thu được sẽ là khoảng 18 tỷ/năm. Trong khi đó, tiền lương trường phải trả cho giáo viên là 20 tỷ/năm. Như vậy, học phí vẫn chưa đủ bù tiền lương. Bên cạnh đó, GS. Châu đề nghị trong đề án nên có khống chế học phí cho các trường tư thục và các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài và quy định cả mức học phí cho các chương trình liên kết của các trường. Đồng thời, cũng phải quy định rõ học phí của sinh viên nước ngoài vào học tại Việt Nam. Thực tế hơn, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho biết mức học phí hiện nay của một sinh viên Trường ĐH Xây dựng (hay các trường kỹ thuật nói chung) là 180.000đ/tháng, chỉ bằng khoảng 15kg gạo loại thường. Với mức học phí này, trong 4 – 5 năm học ĐH, theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ bằng 3 đến 8 tháng lương của người tốt nghiệp mới đi làm. TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ quan điểm giáo dục hiện đại cần có những điều kiện cơ sở vật chất đi kèm để nâng cao chất lượng, khác hoàn toàn giáo dục trước đây. “Nếu các cấp có thẩm quyền không phê duyệt đề án thì giáo dục khó phát triển được” – ông Minh nói. Bà Nguyễn Hồng Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định học phí hiện nay quá thấp. Từ 2004 đến nay, Hà Nội đã phải dành 40% học phí để trả lương cho giáo viên. Do đó, để có nguồn chi, các trường phải thu thêm nhiều khoản phát sinh không có trong danh sách. Điều này là không thể tránh khỏi. Theo bà Nga, Sở GD-ĐT Hà Nội sẵn sàng xin Bộ cho thí điểm mức thu học phí giáo dục phổ thông phân theo vùng.
Bài toán “có nhà – có sổ đỏ”
Theo GS Phạm Phụ (ĐHQG TP.HCM), học phí từ nhiều năm nay đã trở thành “vấn đề” chung của hệ thống giáo dục ĐH trên thế giới, không riêng Việt Nam. Quan điểm cho rằng học phí thấp thì công bằng sẽ tốt hơn được GS Phạm Phụ khẳng định ngược lại. Ông cho rằng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chiếm khoảng 35% tổng ngân sách các trường ĐH. Nhưng trong số này 20% “chảy” vào túi “nhà giàu” chỉ 15% là dành cho những người có thu nhập thấp. Điều này là không công bằng. Chi phí cho giáo dục hiện nay hơi thấp. Phải gấp đôi hiện nay thì nền giáo dục mới có sức cạnh tranh.
Dư luận cũng đặt câu hỏi tăng học phí liệu chất lượng giáo dục có tăng? PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng khẳng định lẽ ra trong nhiều năm qua học phí giáo dục cũng phải tăng bám theo sự trượt giá chung của nền kinh tế hoặc dựa trên mức lương tối thiểu. “Theo tôi, cần nhìn nhận việc tăng học phí dưới góc độ mang tính nhân văn là đảm bảo sự công bằng giữa người dạy và người học” – ông Hùng nói. Ông cũng lập luận, nếu tăng học phí cũng đòi hỏi chất lượng tăng ngay thì sẽ rơi vào bài toán: có nhà thì có sổ đỏ. Trong giáo dục, không thể có điều này.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định hiện nay để tăng lương cho giáo viên bắt buộc phải tăng “đầu” sinh viên. Do đó, tỷ lệ sinh viên/giảng viên không những giảm mà còn tăng. Mỗi giảng viên phải “cõng” từ 30 – 50 sinh viên, thậm chí có trường là 100 sinh viên. Đây là một bất cập.
Tại buổi hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho đề án của các sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ, đa số các đại biểu đều tán thành chủ trương đổi mới cơ chế tài chính.

Trong đề án đổi mới có hai câu hỏi được dư luận rất quan tâm. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời rất cụ thể từng câu hỏi này.

Vì sao không miễn hết học phí cho giáo dục THCS trong khi giáo dục tiểu học lại được miễn phí?
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Năm 2008, cả nước có 6,27 triệu học sinh THCS, tổng học phí thu được 2.046 tỷ đồng. Chi phí đào tạo ở THCS (chi thường xuyên) khoảng 2,4 triệu đồng/năm học/học sinh. Như vậy, nếu miễn hết học phí cho học sinh THCS thì sẽ hụt chi giáo dục THCS khoảng 2.046 tỷ đồng, tương ứng với chi phí đào tạo cho 852.000 học sinh THCS. Tức là nếu miễn hết học phí THCS trong điều kiện ngân sách giáo dục không tăng tương ứng được thì quy mô giáo dục THCS sẽ giảm 852.000 học sinh. Để giữ vững quy mô và nâng cao từng bước chất lượng giáo dục THCS, chúng tôi đề xuất không miễn học phí toàn bộ cho bậc THCS mà đóng học phí theo khả năng chi trả của hộ dân, miễn học phí cho học sinh chính sách, hộ nghèo.
Vì sao không miễn học phí cho bậc học mầm non, trong khi trẻ lại được khám chữa bệnh miễn phí?
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Năm 2008, có 3,39 triệu học sinh mầm non. Chi phí giáo dục bình quân cho 1 học sinh mầm non là 2,56 triệu đồng/năm. Như vậy, nếu miễn học phí bậc mầm non thì các em đang ở nhà không đi học sẽ đi học. Số học sinh mầm non mới sẽ là 6 triệu em. Để đưa số em này đến trường, Nhà nước phải chi là 15.360 tỷ đồng/năm. Trong điều kiện ngân sách giáo dục không tăng thì nếu Nhà nước chi 15.360 tỷ đồng để phổ cập miễn phí mầm non thì sẽ không còn ngân sách cho các trường ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề công lập (năm 2006, ngân sách nhà nước cấp cho các trường này là 9.986 tỷ đồng) và vẫn thiếu 5.374 tỷ đồng nữa. Sẽ phải cắt bớt ngân sách chi cho THPT. Ngân sách chi cho THPT là 5.663 tỷ đồng. Tức nếu cắt 5.374 tỷ đồng của THPT thì gần 95% học sinh THPT ở các trường công lập phải nghỉ học… Rõ ràng phương án này trong điều kiện hiện nay sẽ gây thiệt hại cho đất nước. Tôi được biết ở Thụy Sĩ, một nước phát triển nhưng họ mới miễn phí cho trẻ 5 tuổi đến trường từ năm trước và năm nay mới bắt đầu miễn phí cho trẻ 4 tuổi đến trường.
 
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)