Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học phí Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất ở mức thấp nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 19-5, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.


Các em học sinh TP.HCM

Tại đây, ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM đã có trao đổi nội dung liên quan đến Tờ trình Sở GD-ĐT TP đang lấy ý kiến về việc điều chỉnh học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT.

Ông Hồ Tấn Minh cho biết, trước đây học phí được thu theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ nhưng Nghị định này đã hết hiệu lực năm 2020. Ngày 27-8-2021, Chính phủ Ban hành Nghị định 81 và bắt đầu thực hiện từ năm học 2021 – 2022.

Nghị định 81 có hiệu lực từ tháng 10-2021. Tháng 11-2021 theo chỉ đạo Văn phòng UBND TP về triển khai các văn bản, Sở GD-ĐT có dự kiến soạn văn bản bắt đầu áp dụng cho năm học 2021-2022. Nhưng thời điểm đó, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và còn nhiều vấn đề khác, Sở đã tham mưu giữ nguyên học phí cũ và tham mưu một tờ trình hỗ trợ học phí cho học sinh. Đến thời điểm này, Nghị định 81 ban hành đã có hiệu lực bắt buộc phải thực hiện theo.

Việc điều chỉnh học phí trong Tờ trình của Sở GD-ĐT theo Nghị định 81 trình UBND TP là ở mức thấp nhất. Căn cứ định mức này, HDND TP sẽ quyết mức hỗ trợ học phí cho sinh THCS.

Theo ông Hồ Tấn Minh, được sự chỉ đạo của UBND TP, ngành giáo dục TP cũng tham mưu các văn bản liên quan tiếp tục đề xuất miễn giảm học phí bậc THCS dù Bộ GD-ĐT và các cơ quan của Bộ chưa có văn bản hướng dẫn.

Ông Hồ Tấn Minh thông tin thêm, nhiều tỉnh thành hàng năm đều tăng 7,5% theo chỉ số tiêu dùng đối với học phí. Riêng TP vẫn giữ nguyên trong 6 năm qua nên khi có Nghị định  81 (dù Tờ trình đề xuất ở mức thấp nhất của Nghị định này) thì mức học phí bậc THCS tăng 5 lần (từ 60.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng).

Trả lời câu hỏi học phí tăng có đi đôi tăng chất lượng giáo dục không, ông Hồ Tấn Minh cho biết, học phí chỉ là một phần kinh phí rất nhỏ để bù cho nhà trường tổ chức các hoạt động tăng cường cho học sinh. Trong 6 năm qua, dù học phí không tăng, nhưng chất lượng giáo dục của TP luôn luôn tăng. “Việc tăng chất lượng là nhiệm vụ chính trị chứ không liên quan đến học phí. Tăng hay không học phí, chất lượng giáo dục vẫn phải đảm bảo ở mức cao nhất có thể”, ông Hồ Tấn Minh cho biết.

Nghị định 81 của Chính phủ quy định khung học phí cho năm học 2022 – 2023 như sau: Bậc mầm non ở thành thị từ 300.000 – 540.000 đồng/tháng/học sinh; bậc THCS và THPT ở thành thị từ 300.000 – 650.000 đồng/tháng/học sinh. Căn cứ vào khung này, Sở GD-ĐT đã đề xuất mức thấp nhất là 300.000 đồng/tháng đối với học sinh mầm non, THCS, THPT ở các quận trên địa bàn TP.

N.Trinh

Bình luận (0)